Theo kết luận, ngoài việc sử dụng công ty “ma”… bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm còn sử dụng tài sản đảm bảo chưa đủ điều kiện pháp lý, nâng khống giá trị lên nhiều lần sử dụng để rút vốn vay của SCB.

CQĐT làm rõ thủ đoạn ‘rút ruột’ SCB của bà Trương Mỹ Lan

Nhã Thanh | 18/11/2023, 10:34

Theo kết luận, ngoài việc sử dụng công ty “ma”… bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm còn sử dụng tài sản đảm bảo chưa đủ điều kiện pháp lý, nâng khống giá trị lên nhiều lần sử dụng để rút vốn vay của SCB.

Như Một Thế Giới đã đưa tin, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có kết luận điều tra vụ án “Tham ô tài sản, Vi phạm hoạt động ngân hàng, Đưa - Nhận hối lộ, Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức liên quan.

Trong đó, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan bị đề nghị truy tố 3 tội danh là “Đưa hối lộ”, “Tham ô tài sản” và “Vi phạm hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.

truong-my-lan20221014194645.jpg
Bà Trương Mỹ Lan bị đề nghị truy tố 3 tội danh - Ảnh: Internet

Sử dụng công ty “ma”, tạo lập hồ sơ vay vốn khống

Trương Mỹ Lan là Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bao gồm một tập hợp các công ty con, công ty liên kết.

Theo kết luận điều tra, với chủ trương lợi dụng hoạt động ngân hàng (NH) trong việc huy động vốn, đáp ứng nhu cầu kinh doanh của tập đoàn và các công ty trong “hệ sinh thái” Vạn Thịnh Phát, Trương Mỹ Lan đã thâu tóm 3 NH tư nhân (sau hợp nhất thành SCB) bằng việc mua, sở hữu phần lớn số lượng cổ phần của các NH này để thao túng hoạt động, phục vụ cho mục đích cá nhân.

Bằng việc thâu tóm, nắm giữ cổ phần, chi phối, điều hành hoạt động NH thông qua các vị trí chủ chốt (đều do Lan tuyển dụng và giao nhiệm vụ cụ thể) tại SCB nên trong hoạt động cho vay, SCB chủ yếu phục vụ mục đích cá nhân của bà Lan.

Kết quả điều tra xác định Trương Mỹ Lan đã trực tiếp chỉ đạo các bị can tại SCB, Vạn Thịnh Phát, đơn vị thẩm định giá tài sản đảm bảo thực hiện các thủ đoạn, như tạo lập khách hàng vay vốn khống, thuê/nhờ người đứng tên tài sản, tạo lập hồ sơ vay vốn khống, đưa tài sản đảm bảo được định giá trị để tạo bộ hồ sơ đúng như quy định nhằm che giấu, đối phó với các cơ quan thanh tra, nhưng thực chất là để “rút ruột” SCB.

vtp-1696065148684-1696072494813-16960724952121523283884.jpg
Bị can Trương Mỹ Lan (trái) và Trương Huệ Vân khi bị bắt - Ảnh: Bộ Công an

Cụ thể, cơ quan điều tra xác định được hầu hết các khoản vay của Trương Mỹ Lan – Tập đoàn Vạn Thịnh Phát được giải ngân trước và thực hiện hợp thức sau. Ngoài ra, trong số 875 khách hàng vay vốn đứng tên 1.284 khoản vay đều được Trương Mỹ Lan chỉ đạo nhóm người tại Vạn Thịnh Phát thành lập, thuê hoặc nhờ người đứng tên.

“Như vậy, nhóm Vạn Thịnh Phát đã thành lập hàng nghìn pháp nhân, thuê/nhờ hàng nghìn cá nhân làm đại diện pháp luật, đứng tên cổ đông, ký hồ sơ vay vốn, đứng tên tài sản đảm bảo để hợp thức việc rút tiền của SCB”, kết luận nêu rõ.

Theo kết luận điều tra, sở dĩ “kho” pháp nhân, cá nhân này ngày càng phình to bởi có như vậy thì khi kiểm tra thông tin tín dụng trên CIC sẽ không có dư nợ lớn; còn nếu sử dụng cá nhân cũ, khi thực hiện rà soát sẽ thấy đứng tên các khoản vay rất lớn, không đủ điều kiện lập được hồ sơ vay vốn.

Cơ quan điều tra còn kết luận: “Để thực hiện được hành vi rút tiền, chiếm đoạt tiền từ SCB thông qua thủ đoạn vay còn có sự tiếp tay của những bị can tại nhiều công ty thẩm định giá. Họ thông đồng với các bị can tại SCB để phát hành Chứng thư Thẩm định giá hợp thức hồ sơ vay vốn của nhóm Trương Mỹ Lan – Tập đoàn Vạn Thịnh Phát”.

Theo kết luận, ngoài việc sử dụng công ty “ma”… Trương Mỹ Lan và đồng phạm còn sử dụng tài sản đảm bảo chưa đủ điều kiện pháp lý, nâng khống giá trị lên nhiều lần sử dụng để rút vốn vay của SCB; hoán đổi rút tài sản có pháp lý, có giá trị để bán nhằm rút ruột SCB.

Trương Huệ Vân làm theo chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan

Theo kết luận điều tra, Trương Huệ Vân - Tổng giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (cháu ruột của Trương Mỹ Lan) được bà Lan tin tưởng giao cho quản lý nhiều công ty khác nhau có hoạt động kinh doanh thuộc tập đoàn.

Cụ thể, trong quá trình điều hành các công ty, Huệ Vân được bà Lan chỉ đạo thành lập các pháp nhân mới, sử dụng phương án kinh doanh liên quan đến hoạt động của Công ty cổ phần Lavifood (phương án khống về mua bán nông sản) để phối hợp với NH SCB lập hồ sơ vay vốn nhằm lấy tiền sử dụng vào mục đích khác nhau.

Ngoài thực hiện yêu cầu trên của bà Lan, Vân còn chỉ đạo nhân viên tại 4 công ty có hoạt động kinh doanh thuộc Vạn Thịnh Phát phối hợp với SCB lập hồ sơ vay vốn để sử dụng vào hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh của các công ty thua lỗ nên Vân sử dụng tiền từ nhiều khoản vay khác nhau của các pháp nhân, cá nhân tại SCB để trả nợ cho những khoản vay này.

Theo cơ quan điều tra, Huệ Vân nhận thức được sai phạm của bản thân trong quá trình làm việc theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan.

van-thinh-phat-scb-truy-na-.jpeg
Các bị can đang bị truy nã - Ảnh: Bộ Công an

Trong vụ án này, bị can Chu Nap Kee Eric (hay Chu Lập Cơ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Times Square) là chồng của bà Trương Mỹ Lan, đã cùng bà Lan tham gia điều hành các hoạt động của công ty và triển khai dự án Tòa nhà Times Square với chức năng khu liên hợp văn phòng, khách sạn, căn hộ cao cấp, trung tâm thương mại và công trình dịch vụ.

Đối với công trình này, ông Chu Lập Cơ khai bản thân đồng ý để Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thực hiện các thủ tục đầu tư, cấp phép xây dựng, huy động vốn, vay vốn SCB để thực hiện.

Do đó, năm 2009 – 2012, Cơ thống nhất với vợ về việc sử dụng tài sản quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trong tương lai tại dự án Tòa nhà Times Square do Công ty Times Square sở hữu để đảm bảo cho khoản vay đứng tên các cá nhân, tổ chức do Lan chỉ định nhằm có tiền đầu tư dự án Times Square và sử dụng cho mục đích riêng của bà Lan.

Sau đó, Cơ với vai trò là Chủ tịch HĐQT đã ký các biên bản họp Đại hội đồng cổ đông, Nghị quyết chấp thuận việc thế chấp, bảo lãnh cho những khoản vay do Lan chỉ đạo tại SCB. Đến năm 2017, do các khoản nợ đến hạn nên ông Cơ tiếp tục ký Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông của Công ty Times Square, để đảm bảo đối với dự nợ hơn 35.000 tỉ đồng theo danh sách khách hàng khống của SCB.

Chu Lập Cơ khai nhận ký các thủ tục bảo lãnh khoản vay theo chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, không có quan hệ với các cá nhân đứng tên vay vốn, chỉ ký khống các thủ tục.

Theo cơ quan điều tra, hành vi của bị can Chu Lập Cơ đã gây thiệt hại hơn 39.000 tỉ đồng (cả tiền gốc và lãi) của SCB. Ông Cơ khai dự án xây dựng tòa nhà Times Square cũng được hình thành từ nguồn vốn vay của ngân hàng SCB và những khoản tiền trả nợ cũng lấy từ ngân hàng này.

Trong vụ án này, bị can Trương Huệ Vân bị đề nghị truy tố tội “Tham ô tài sản”, ông Chu Lập Cơ bị đề nghị truy tố tội “Vi phạm hoạt động của ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.

Bài liên quan
Bà Trương Mỹ Lan bị đề nghị truy tố 3 tội danh
Liên quan đến vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị liên quan, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan bị đề nghị truy tố 3 tội danh.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Phu nhân dự chương trình Xuân quê hương tại Ba Lan
11 phút trước Theo dòng thời sự
Tối 17.1, giờ địa phương, tại thủ đô Warsaw, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân đã dự chương trình “Xuân quê hương Ất Tỵ 2025,” chung vui với cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
CQĐT làm rõ thủ đoạn ‘rút ruột’ SCB của bà Trương Mỹ Lan