“Chồng tôi mắc bệnh tiểu đường nhiều năm, bị xuất huyết não dẫn đến tai biến nặng, mặc dù đã chạy chữa khắp các bệnh viện lớn nhỏ nhưng đều vô vọng, đành chở về nằm chờ chết. Cũng may được ông Sáu cứu chữa kịp thời nên bên tình đã tạm ổn, tất cả việc điều trị, ăn, ở, thuốc thang đều được miễn phí, thiệt công ơn này không biết đến khi nào vợ chồng tôi mới trả hết cho ông...”, bà Lan rưng rưng.

Cụ già 72 tuổi nuôi dưỡng, thuốc thang miễn phí cho hơn 20 người bệnh tật

Trung Tính | 19/09/2019, 07:56

“Chồng tôi mắc bệnh tiểu đường nhiều năm, bị xuất huyết não dẫn đến tai biến nặng, mặc dù đã chạy chữa khắp các bệnh viện lớn nhỏ nhưng đều vô vọng, đành chở về nằm chờ chết. Cũng may được ông Sáu cứu chữa kịp thời nên bên tình đã tạm ổn, tất cả việc điều trị, ăn, ở, thuốc thang đều được miễn phí, thiệt công ơn này không biết đến khi nào vợ chồng tôi mới trả hết cho ông...”, bà Lan rưng rưng.

Mang... người bệnh về nhà

Đến xã Thạnh Lộc, H.Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ, hỏi đường đến nhà ông Sáu Hả (Lê Văn Hả, SN 1947, ngụ ấp Tân Thạnh, xã Thạnh Lộc) thì hầu như ai cũng biết. Bởi việc làm thiện nguyện của cụ ông 72 tuổi này như đã lan tỏa khắp vùng. Mặc dù ở cái tuổi được cho là “gần đất xa trời”, thế nhưng cụ Hả hiện đã dang tay nuôi dưỡng hơn 20 người. Họ đều là người già neo đơn, không nơi nương tựa, người tàn tật, những hoàn cảnh khó khăn, những bệnh nhân khốn khổ đang mang chứng bệnh nan y không còn tiền chạy chữa,..

Hàng ngày, họ được cụ Hả chăm sóc, thuốc men, chăm lo việc ăn uống… Tất cả đều được miễn phí! Công việc này, cụ Hả đã làm suốt gần 20 năm qua, ngay từ khi cụ bắt đầu xin nghỉ công tác tại Trạm Y tế xã Thạnh Quới (nay là xã Thạnh Lộc, H.Vĩnh Thạnh). Và cũng trong thời gian này, hàng trăm người bệnh từ khắp các tỉnh thành đổ về cũng đều được ông chữa dứt bệnh bằng phương pháp Đông - Tây y kết hợp lại với nhau. Nhiều người còn mắc các chứng quái ác như khối u ác tính, ông cũng không chào thua, khi giúp nhiều người kéo dài thêm sự sống...

Cụ Hả cho biết, sau năm 1975, cụ là y tá tại trạm y tế ở địa phương, sau đó xin được đi học ngành Đông- Tây y tại mộttrường trung cấp ở TP.HCM. Học xong, cụ lại tiếp tục làm việc tại trạm y tế xã nhà... Đến đầu năm 2000, cụ xin nghỉ hưu non để nhường chỗ lại người trẻ mới ra trường. Khi còn làm việc, ông thường xuyên tiếp xúc với không ít bệnh nhân nghèo khó, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, và thấu hiểu nỗi lòng của họ khi bệnh mà không tìm được tiền chữa trị! Mỗi lần như vậy, ông thường cầu trời phật phù hộ cho mình mạnh khỏe, khi có điều kiện tốt, ông sẽ tập trung họ lại để chữa trị bệnh tật.

Ông Sáu Hả đang khám theo dõi về bệnh tình của bệnh nhân - Ảnh: Trung Tính

Và khoảng 1 năm sau khi nghỉ việc, ông đã “mang” được một vài người bệnh về nhà mình để tập trung chữa bệnh cho họ... Lúc đầu cả vợ và các con của ông đã kịch liệt phản đối, vì cho rằng việc làm của ông là điên rồ không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, sau đó cả vợ và 5 người con của ông họ đều “dịu” xuống, để mặc cho ông làm những việc mà ông cảm thấy thích và cũng để cho ông vui.

“Sau khi tách chia đất cho các con, tôi còn hơn 2.000m2. Được bạn bè, đồng đạo hỗ trợ, tôi đã xây dựng lên những căn phòng, mỗi phòng có diện tích từ 30-40m2, đóng giường và mua một số trang thiết bị cần thiết để bắt đầu công việc. Bước đầu chỉ 2-3 bệnh nhân, dần dà nhiều người biết đến, đến nay tôi đã xây dựng được hơn 20 phòng để chăm sóc cho 21 người già neo đơn, người tàn tật, người bệnh nan y. Người lớn tuổi nhất là ông cụ 92 tuổi, người nhỏ nhất nay cũng trên dưới 40. Những người vào cơ sở này, là từ các quận, huyện lân cận của TP.Cần Thơ, một số tỉnh như Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh…”, ông Sáu nói.

Theo ông Sáu, những người vào đây đều phải tuân theo quy tắc là dùng thực phẩm chay. Hàng tháng, ông gói gém chi phí ăn uống, thuốc men cho hơn 20 người mà ông đang nuôi dưỡng cũng khoảng trên dưới 10 triệu đồng. Số tiền này, ông đi vận động những người có lòng hảo tâm mà ông quen biết. Và ông phải đi khám bệnh và chích thuốc dạo, kiếm thêm. “Hễ ai gọi điện kêu, hoặc tới chỗ rước thì tôi đi liền. Những người dư giả thì người nhà họ cho thêm tiền, cho gạo... coi như ủng hộ cơ sở”, ông Sáu cho hay.

Biết ơn vị ân nhân

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (60 tuổi, ngụ TX.Bình Minh, Vĩnh Long) cho hay, giờ thì chồng bà là ông Lê Văn Giao (63 tuổi) đã đi đứng và ăn cơm lại như bình thường, sau gần 45 ngày được ông Sáu Hả điều trị tại cơ sở của ông. Ngoài căn bệnh tiểu đường đã mắc hơn 10 năm qua, hồi đầu năm 2019, ông Giao bỗng lăn ra co giật dữ dội. Ông được người nhà đưađến một số bệnh viện ở Vĩnh Long, TP.Cần Thơ, được bác sĩ chẩn đoán là bị xuất huyết não, cần phải điều trị với chi phí rất cao. Gia đình cố chạy vạy, vay mượn để lo chạy chữa cho ông Giao, nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Tài sản có giá trị trong nhà đã lần lượt đội nón ra đi...

Một người già neo đơn nhiều bệnh tật được ông Sáu thường xuyên quan tâm, chăm sóc - Ảnh: Trung Tính

“Cũng may là hồi tháng 6 vừa qua, có đứa cháu từ Kiên Giang xuống thăm, nói rằng có nghe được tin ông Sáu chữa bệnh miễn phí cho người nghèo”, bà Lan kể. Gia đình đã tìm mọi cách mới xin được số điện thoại của ông Sáu, bấm gọi vào số di động để trình bày thì được ông Sáu nhận lời điều trị. Điều bất ngờ là ngay sau đó, ông Sáu còn chạy xe cấp cứu từ thiện vượt gần trăm cây số đến để rước miễn phí. Lên đó, ông Sáu sắp xếp cho ông Giao căn phòng nằm điều trị hàng ngày. Chính ông Sáu là người thăm khám, thuốc men chữa trị, nuôi ông Giao gần 45 ngày...

“Tôi cảm phục công việc của ông Sáu. Được cứu chữa kịp thời nên bệnh tình của chồng tôi cũng đã tạm ổn. Việc đi lại, nói chuyện... dần ổn định nên ông cho chồng tôi về để nhường chỗ lại cho người bệnh khác. Không chỉ riêng chồng tôi mà có đến hàng chục người ở đó đều được ông chữa bệnh. Từ điều trị, ăn, ở, thuốc thang đều được miễn phí. Thiệt, công ơn này không biết đến khi nào vợ chồng tôi mới trả hết cho ông Sáu”, bà Lan trải lòng.

Với giọng nói tiếng được tiếng không, do đôi môi chập dính vào nhau, anh Nguyễn Tuấn Linh (41 tuổi, quê Thốt Nốt, Cần Thơ) cho biết, giờ anh coi ở đây như căn nhà thứ 2, coi ông Sáu như người thân ruột thịt. Anh đã sống tại cơ sở này hơn 15 năm. Gia cảnh khó khăn, mẹ mất từ năm anh còn rất nhỏ, anh phải sống với mẹ sau. Đến năm 18 tuổi, sau 1 cơn sốt, anh đã mất hoàn toàn khả năng đi lại, được chẩn đoán là mắc chứng sốt bại liệt và bệnh uốn ván não, khập khễnh não... Rồi anh phải làm bạn với chiếc xe lăn từ đó.

“Mình không được nguyên vẹn, lại phải sống cùng mẹ ghẻ, đôi khi có những lời lẽ không biết là vô tình hay cố ý mà nghĩ đến nước mắt cứ trào ra... Một thời gian sau, mình về sống cùng cô ruột, thế nhưng lúc ấy lời lẽ của mấy đứa em - con người cô, lại khiến mình phải suy ngẫm. Đúng thật mình là kẻ ăn bám mà”, anh Linh rưng rưng.

Và anh được người thân giới thiệu vào đây gặp ông Sáu. “Khi được ông Sáu gật đầu cho ở lại, tôi có cảm giác vui - buồn lẫn lộn. Và những ngày tháng qua, tôi thấy mình rất thoải mái, được ông Sáu chăm sóc như con cháu. Tôi cảm thấy ấm lòng. Con xin cảm ơn ông Sáu đã tái tạo lại cuộc sống của con”, anh Linh quay qua nhìn ông chủ cơ sở mà nước mắt cứ rưng rưng.

Anh Nguyễn Tuấn Linh đã gắn bó với ông Sáu và cơ sở của ông hơn 10 năm qua - Ảnh: Trung Tính

Ông Nguyễn Phi Hùng (SN 1942, ngụ xã Bình Giang, Hòn Đất, Kiên Giang) có gia cảnh cũng rất bi thương, mang trong người chứng bệnh thiếu máu não, sống cùng con trai ở quê nhà. Nhưng con ông luôn đi theo tàu biển làm thuê suốt. Bệnh tình ngày càng trở nặng, ông được người quen chỉ dẫn, và tìm đến đây xin được ở lại trong suốt 1 năm qua, được ông Sáu chữa trị miễn phí, căn bệnh của ông đã thuyên giảm rất nhiều...

Ông Đỗ Văn Phường, Chủ tịch hội Chữ thập đỏ xã Thạnh Lộc, cho biết, đây là cơ sở tự phát do ông Hả lập ra. Đến thời điểm hiện nay vẫn chưa thể công nhận về mặt pháp lý vì còn thiếu nhiều cơ sở vật chất. Phó chủ tịch UBND xã Thạnh Lộc, ông Đỗ Hồng Phúc, thì nói, tuy nhiênchính quyền rất hoan nghênh và ghi nhận tinh thần cũng như việc làm thiện nguyện của ông Sáu Hả.

“Trong thời gian tới, địa phương sẽ tham mưu các ngành chức năng, khảo sát hướng dẫn ông hoàn tất các thủ tục cần thiết để được công nhận. Việc khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, người khó khăn, địa phương thấy cần thiết và ý nghĩa nhằm giúp người bệnh trong và ngoài huyện phần nào giảm bớt khó khăn về nỗi lo chi phí trong việc khám chữa bệnh”, ông Phúc nói.

Vị y sĩ già này còn cho biết, phần đất làm cơ sở này, ông lo sau này mình trăm tuổi già rồi cũng không có người kế vị để lo cho người bệnh như ông. Vì vậy, ông cũng đang tìm người chung ý chí, luôn đồng cảm, sẵn sàng san sẻ không tính toán vụ lợi để sau này ông có thể an tâm mà về với ông bà...

Trung Tính
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
một giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cụ già 72 tuổi nuôi dưỡng, thuốc thang miễn phí cho hơn 20 người bệnh tật