Tại buổi tiếp xúc với đoàn đại biểu quốc hội, nhiều cử tri quận 2, quận 9 và Thủ Đức bày tỏ băn khoăn về thủ tục hành chính, sửa đổi giấy tờ sau khi sáp nhập 3 quận thành TP Thủ Đức.
Cử tri lo ngại chuyện đổi giấy tờ khi lập TP Thủ Đức
Ngày 7.10, tổ đại biểu quốc hội TP.HCM đã có buổi tiếp cử tri quận 2 trước kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV. Tại buổi tiếp xúc, cử tri Lê Trọng Thư, phường Thảo Điền cho rằng chủ trương thành lập TP Thủ Đức là đúng, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM cũng như cả nước. Tuy nhiên, đề án TP Thủ Đức trong TP.HCM đã được ấp ủ nhiều năm qua nhưng đến lúc này mới đưa ra thực hiện, phải chăng thành phố đang có sự vội vàng, quá gấp rút khi thực hiện đề án quan trọng này. Cụ thể, đề án chưa được phổ biến, tuyên truyền rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân 3 quận; các biện pháp xử lý ảnh hưởng đối với người dân sau khi sáp nhập ra sao cũng chưa rõ.
Đồng quan điểm, cử tri Nguyễn Hải Triều, phường Thạnh Mỹ Lợi cũng băn khoăn về việc thay đổi giấy tờ hành chính sẽ bị ảnh hưởng ra sao sau khi sáp nhập. Theo ông Triều, chính bản thân ông làm giấy chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng một năm nay chưa làm xong. Giấy tờ nhà đất quan trọng nhưng chính quyền giải quyết chậm trễ. Đây là cản trở khiến người dân không muốn lập thành phố mới vì rất ngại phải đi làm lại giấy tờ.
Cũng với vấn đề này, tại buổi tiếp xúc cử tri quận 9 diễn ra sáng 6.10, ông Lê Thanh Tùng, phường Tân Phú cho rằng ngoài việc tuyên truyền cho người dân về chủ trương sáp nhập, cũng cần giải đáp thắc mắc của người dân về các giấy tờ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, giấy tờ nhà đất… có bị ảnh hưởng khi sáp nhập hay không. Ngoài ra, cử tri Lê Thanh Tùng cũng cho rằng TP.HCM cần chú trọng phát triển hạ tầng giao thông tổng thể, mạnh dạn giải tỏa, đền bù để chỉnh trang bộ mặt đô thị. Muốn vậy phải dành riêng quỹ đất cho tái định cư. Đồng thời phải ngăn chặn các đại gia bất động sản đón đầu, thâu tóm đất đai trong đô thị, để dành đất đó cho nhà nước phát triển các công trình, dự án văn minh.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Dung, phường Tăng Nhơn Phú A nói rằng đã có nhiều ý kiến của các cấp lãnh đạo thành phố về sự cần thiết cũng như những triển vọng, tương lai của việc sáp nhập ba quận thành TP Thủ Đức. Tuy nhiên, trong các ý kiến đó, người dân chưa thấy được sự khác biệt căn bản về việc thành lập một thành phố trong thành phố. Điều này có ưu việt gì cho việc thu hút đầu tư cũng như tạo cơ hội cho các quận 2, 9, Thủ Đức trong tương lai?
Tương tự, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Thủ Đức diễn ra chiều 6.10, một trong những nội dung được nhiều cử tri đề cập là các giải pháp để TP Thủ Đức sẽ vận hành hiệu quả sau khi được thành lập, giúp nâng cao đời sống của người dân.
TP mới sẽ giảm bớt phiền hà cho người dân
Trả lời kiến nghị của cử tri, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Phan Nguyễn Như Khuê nói rằng những yêu cầu đặt ra của cử tri là hoàn toàn xác đáng. Ông Khuê cho biết việc thành lập TP Thủ Đức không phải là trở lại với huyện Thủ Đức trước đây. Sau chặng đường phát triển được tách ra từ huyện Thủ Đức, từng quận có định hướng phát triển, tạo được ưu thế để thành lập một thành phố trong thành phố. Trước đây, TP.HCM cũng đã có định hướng phát triển các đô thị vệ tinh. Hiện tại, MTTQ các cấp của TP.HCM đang tiến hành giám sát về nội dung thông tin cung cấp cho cử tri để hiểu những thành tố, ưu thế khi thành lập TP Thủ Đức.
Ông Khuê cũng nhất trí với ý kiến của cử tri là ngay từ bây giờ không chỉ giải quyết các vấn đề còn tồn tại mà phải có giải pháp về quản lý về quy hoạch, xem xét cơ cấu sử dụng đất, tính toán bộ máy cán bộ. Điều này giúp thành phố mới được thành lập vận hành tốt, không gặp những trở ngại.
Ngoài ra, UBND TP.HCM đang tiếp tục hoàn thành nâng cao đề án. TP.HCM đang tiếp thu ý kiến, góp ý các sở, ngành thành phố; bộ, ban, ngành trung ương và Chính phủ; đồng thời tiếp thu ý kiến cử tri 3 quận và một số nơi khác.
“Việc thành lập TP Thủ Đức đi đôi với những đề án ngắn cần xem xét những yếu tố giảm bớt phiền hà cho nhân dân. Ví dụ liên quan đến hộ khẩu, chứng minh nhân dân, sắp xếp số nhà…, đề nghị MTTQ thông qua các kênh của mình cần tiếp tục lắng nghe ý đồng thuận, hiến kế, góp ý của người dân để đề án được hoàn thiện hơn”, ông Khuê nói.