Bà Tô Thị Bích Châu – Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam TP.HCM cho biết nhiều cử tri đang nghi ngờ có tình trạng bảo kê, chống lưng, hoặc lợi ích nhóm trong việc lấn chiếm vỉa hè.

Cử tri TP.HCM nghi ngờ tình trạng bảo kê, lợi ích nhóm trong việc lấn chiếm vỉa hè

Phan Diệu | 05/07/2017, 06:29

Bà Tô Thị Bích Châu – Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam TP.HCM cho biết nhiều cử tri đang nghi ngờ có tình trạng bảo kê, chống lưng, hoặc lợi ích nhóm trong việc lấn chiếm vỉa hè.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5 HĐND TP.HCM khóa IX, chiều 4.7, các đại biểu HĐND TP đã thảo luận tại tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của TP và những vấn đề cử tri phản ánh.

Cử tri bức xúc ô nhiễm tại kênh Ba Bò

Đại biểu Nguyễn Thị Tố Trâm (quận Bình Tân) phản ánh, dự án kênh Ba Bò đầu tư hơn 1.000 tỉ đồng nhưng đến nay vẫn ô nhiễm. Trong khi đó, chính quyền hai địa phương là Bình Dương và TP.HCM cứ đổ lỗi cho nhau mà không tìm cách khắc phục.

“Cách đây 10 năm, dự án kênh Ba Bò được khởi động, người dân rất vui mừng, nhưng đến bây giờtình trạng ô nhiễm vẫn diễn ra. Vấn đề người dân đặt ra là tại sao dự án bỏ ra hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng nhưng vẫn không thể giải quyết vấn đề ô nhiễm cho người dân.

Khi báo chí hỏi, lãnh đạo Ban Quản lý dự án trả lời nguyên nhân là do nguồn nước thải từ các khu công nghiệp ở Bình Dương gây ra và không còn cách xử lý nào khác nếu Bình Dương không xử lý vấn đề nước thải, vì trách nhiệm xử lý thuộc về Bình Dương. Người dân đâu quan tâm lỗi của ai, họ chỉ cần biết làm sao cho hết ô nhiễm”, bà Tố Trâm bức xúc.

Theo bà Nguyễn Thị Tố Trâm, câu trả lời này của Ban Quản lý dự án kênh Ba Bò không thuyết phục, có phần vô cảm với nỗi khổ của người dân. Do đó, các ngành chức năng cần có giải pháp phối hợpxử lý tình trạng ô nhiễm để không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

Đồng quan điểm với bà Trâm, đại biểu Huỳnh Thanh Nhân (quận Thủ Đức) cho biết cử tri quận Thủ Đức đã nhiều lần kiến nghị về dự án kênh Ba Bò, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết quả. Vì vậy, ông Nhân mong lãnh đạo TP kiểm tra, đôn đốc để dự án sớm hoàn thành.

“Vấn đề quan trọng là sự phối hợp giữa Bình Dương và TP.HCM để quản lý được việc xả nước thải của các khu công nghiệp. Chúng ta phải bắt họ có hệ thống xử lý nước thải và có sự phối hợp chặt với chính quyền, nếu không sẽ lãng phí lớn khi mà nguồn vốn đầu tư quá nhiều", ông Nhân nói.

Yêu cầu Giám đốc các Sở phải đi họp HĐND TP

Trả lời về ý kiến này của cử tri, ông Hoàng Cảnh Dương - Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên - Môi trường TP), cho rằng hiện tạikênh Ba Bò tiếp nhận nước thải chủ yếu của khu vực tỉnh Bình Dương và phường Bình Chiểu (Thủ Đức, TP.HCM), trong đó có khu công nghiệp Sóng Thần 1 và 2. Thời gian qua, Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM đã làm việc với Sở Tài nguyên - Môi trường (TN - MT) tỉnh Bình Dương và đã có ký kết liên tịch thực hiện giám sát môi trường kênh Ba Bò.

“Hiện nay, khu công nghiệp Sóng Thần 1 và 2 đã lắp đặt hệ thống xử lý nước thải và hệ thống quan trắc tự động. Theo Sở TN – MT tỉnh Bình Dương, kết quả quan trắc tự động ở các khu công nghiệp này đều ổn”, ông Dương nhận định.

Ông Dương cũng thông tin, qua việc khảo sát, hai Sở nhận định tình trạng ô nhiễm kênh Ba Bò là do việc thoát nước của các khu dân cư ở Dĩ An, Thuận An (Bình Dương) và Bình Chiểu (Thủ Đức). Về vấn đề này, Bình Dương đã có dự án triển khai thu gom nước thải ở khu dân cư Thuận An và Dĩ An.

Tuy nhiên, hiện nay nước thải của các khu dân cư chưa có giải pháp xử lý nhưng đối với các khu dân cư có các cơ sở sản xuất nằm xen kẽ,Bình Dương sẽ tăng cường kiểm soát. Đối với khu công nghiệp Sóng Thần 1 và 2, bên cạnh việc quan trắc tự động, cần tăng cường kiểm tra để đảm bảo việc đấu nối hệ thống thu gom nước thải.

Chưa hài lòng với nội dung trả lời trên của đại diện Sở TN – MT, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nói rằng TP đã đầu tư rấtnhiều tiềnđể cải tạo kênh Ba Bò ở quận Thủ Đức nhưng người dân vẫn phải chịu đựng mùi hôi thối.

“Một đống tiền đã được bỏ ra để cải tạo kênh Ba Bò ở quận Thủ Đức mà người dân vẫn phải chịu đựng mùi hôi thối. Bây giờ ngồi đây bàn giải pháp thì thấy không bức xúc đâu, nhưng nếu như nhà mình ở ngay tại kênh Ba Bò thì chắc chúng ta sẽ bức xúc hơn bởi người dân ở hàng giờ, hàng ngày ở đây”, bà Tâm nói.

Bà Tâm cũng đặt nghi vấn về việc đánh giá nước gây ra mùi hôi chủ yếu là do nước sinh hoạt trong dân. “Sở đã lấy mẫu nước để xét nghiệm và xác định mùi hôi xuất phát từ chất gì, phát thải từ đâu chưa? Theo dõi kết quả quan trắc tự động như thế nào, không thể đặt hệ thống quan trắc tự động rồi là an tâm”, bà Tâm hỏi.

Trả lời câu hỏi của Chủ tịch HĐND TP, đại diện Sở TN – MT nói:“Chị Tâm hỏi sâu quá, Sở chưa kịp nắm vấn đề này để trả lời”.

Tỏ ra không hài lòng với lời phân trần này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu Giám đốc Sở TN – MT phải báo cáo vấn đề này tại phiên thảo luận sáng 5.7. Ông Phong nói rằng việc các Sở họp HĐND TP mà cử chuyên viên đi dự, trả lời những vấn đề lớn là không được. Chính vì vậy, Chủ tịch UBND TP yêu cầu là tất cả các giám đốc sở phải đi dự họp HĐND TP, chỉ trừ trường hợp bận công tác nước ngoài hoặc bệnh. Mặc dù vậy, trong thời gian họp HĐND TP, ông Phong sẽ không giải quyết cho đi nước ngoài.

Cử tri nghi ngờ tình trạng bảo kê vỉa hè

Cũng tại kỳ họp này, bà Tô Thị Bích Châu – Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam TP.HCM cho biết nhiều cử triđang nghi ngờ có tình trạng bảo kê, chống lưng, hoặc lợi ích nhóm trong việc lấn chiếm vỉa hè.

Theo bà Tô Thị Bích Châu, những giải pháp về lập lại trật tựvỉa hè, lòng lề đường trên địa bàn có chuyển biến tích cực nhưng chưa đồng bộ giữa nói và làm. Dư luận rất đồng tình chủ trương này nhưng cách làm của TP thiếu kiên quyết.

Nguyên nhân là do một số nơi chưa thực hiện đủ trách nhiệm; đồng thời sự phối hợp giữa các địa phương chưa chặt chẽ, nhất là địa bàn giáp ranh. Ngoài ra, TP chưa xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu.

"Người kinh doanh đang nhìn thái độ của chính quyền và có xu hướng tái chiếm vỉa hè, lòng đường kinh doanh. Dư luận nghi ngờ có sự chống lưng, bảo kê việc khai thác, sử dụng vỉa hè, lòng đường", bà Châu nói.

Trước thực trạng này, bà Tô Thị Bích Châu đề nghị các quận huyện rà soát cụ thể những tuyến đường, vỉa hè, có tham khảo ý kiến người dân tại chỗ để quyết định kẻ vạch sơn phù hợp. Đặc biệt, cần xem các vạch sơn đã kẻ là chuẩn mực, kỷ cương quản lý xã hội của chính quyền.

Kết quả thấp hơn kỳ vọng

Báo cáo tại cuộc họp về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm, Phó chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm cho biết kinh tế TP tiếp tục tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ; công tác quản lý đô thị có chuyển biến tích cực. Thời gian qua, lãnh đạo TP đã tập trung giải quyết các bức xúc về kinh tế - xã hội, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, ông Liêm thừa nhận rằng môi trường kinh doanh tuy có cải thiện nhưng chưa đạt yêu cầu, phát triển thị trường gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng chủ yếu dựa vào đóng góp của yếu tố vốn và lao động.

Kết quả giải quyết những bức xúc của nhân dân về ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường, quá tải bệnh viện chưa đạt yêu cầu đặt ra, tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp trên nhiều lĩnh vực.

Phan Diệu
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
5 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cử tri TP.HCM nghi ngờ tình trạng bảo kê, lợi ích nhóm trong việc lấn chiếm vỉa hè