Cúng tất niên là nghi lễ quan trọng đánh dấu một năm sắp qua và chào đón năm mới tốt đẹp hơn.

Cúng tất niên Tết Nguyên đán cần những gì?

Đan Thuỳ (Tổng hợp) | 20/01/2023, 08:41

Cúng tất niên là nghi lễ quan trọng đánh dấu một năm sắp qua và chào đón năm mới tốt đẹp hơn.

Cúng tất niên là gì?

Lễ cúng tất niên là phong tục lâu đời và mang đậm nét đẹp văn hóa, bản sắc truyền thống của người Việt, với ý nghĩa hoàn tất năm cũ và chào đón năm mới. Các gia đình báo cáo lên bề trên những gì được - mất trong năm nay, về những gì chưa làm được và mong muốn năm sau sẽ hoàn thành tốt. Đây cũng là dịp để mọi người hưởng thụ, nghỉ ngơi và tận hưởng thành quả của cả năm qua. 

tat-nien-la-gi-nhung-net-doc-dao-khi-an-tat-nien-.jpeg

Lễ cúng tất niên cũng là lúc để gia đình và người thân đoàn tụ sau những tháng ngày lặn lội mưu sinh, tạm thời gác lại những áp lực, cùng nhau tận hưởng không khí đoàn viên ấm áp.

Cúng tất niên vào ngày nào?

Thông thường, lễ cúng tất niên được tổ chức vào ngày cuối cùng của năm âm lịch (tức là ngày 30 tháng chạp, thường gọi là ngày 30 Tết, một số năm thiếu thì sẽ được tổ chức vào ngày 29 Tết). Năm nay, ngày 30 Tết sẽ rơi vào thứ bảy ngày 21.1.2023 dương lịch.

Tuy nhiên, một số gia đình tổ chức cúng tất niên sớm hơn, có thể là ngày 26, 27, 28 hoặc 29 tháng chạp. Nhìn chung, thời gian tốt nhất để cúng tất niên vẫn là 2 ngày cuối cùng của năm cũ.

Để cúng tất niên, các gia đình cần chuẩn bị mâm cơm thật tươm tất để dâng lên gia tiên và những người đã khuất trong gia đình. Sau khi hạ lễ, mọi người sum vầy bên mâm cơm. Bên cạnh ý nghĩa gia đình đoàn tụ, bữa cơm tất niên còn là nghi thức tiễn biệt năm cũ, sửa soạn đón năm mới. Sau bữa cơm tất niên, mọi người chuẩn bị cúng giao thừa, tiễn năm cũ và đón mừng năm mới.

Mâm cúng tất niên cần có gì?

Trong mâm cúng tất niên, hương và đèn là 2 vật không thể thiếu. Hương tượng trưng cho các vì sao, kết nối giữa âm với dương, còn đèn tượng trưng cho Mặt trăng, Mặt trời nên thường trên bàn thờ sẽ có đủ 2 cây đèn. Tùy theo văn hóa tín ngưỡng của từng gia đình, văn hóa từng vùng miền, địa phương mà có thêm những vật khác nhau để tượng trưng cho tấm lòng của gia đình, cầu tài, cầu lộc hay cầu bình an trong gia đạo.  

Một lễ không nên thiếu trong mâm cúng tất niên là mâm ngũ quả, gồm 5 loại khác nhau, mỗi loại tượng trưng cho một ước nguyện của gia chủ, thông qua tên gọi và màu sắc. Mâm này không được dùng hoa quả xanh hay hoa quả giả bằng nhựa, các loại quả đều phải là loại ăn được và thông dụng, đẹp mắt, không bị sâu hoặc dập. Mâm ngũ quả cần được đặt 2 bên bàn thờ, không được đặt ở trước bát hương.

Các món ăn trên mâm cỗ mặn sẽ được làm thịnh soạn hơn so với ngày thường và tùy thuộc vào văn hóa vùng miền sẽ có những món khác nhau.

mam-cung-ngay-30-tet.jpeg

Theo phong tục, mâm cỗ tất niên phải được chuẩn bị kỹ lưỡng với những món không thể thiếu là thịt gà, thịt lợn, giò, chả quế, xôi gấc, bánh chưng, thịt chân giò hầm măng, miến nấu lòng gà, bát bóng thẻ, mọc nấm thả, canh, dưa muối, nem...

Mâm cỗ tất niên ở miền Trung về cơ bản cũng giống với miền Bắc, nhưng nhiều địa phương có thêm gà bóp rau răm, bánh mật, bánh phồng tôm, chả Huế, đĩa cá chiên, rau xào…

Ở miền Nam bởi đặc điểm thời tiết nóng, vậy nên mâm cúng tất niên có phần khác với người miền Bắc và miền Trung. Cỗ cúng bao gồm bánh tét, canh măng, thịt kho tàu, thịt lợn luộc, nem, giò chả, củ cải ngâm nước mắm, dưa giá, củ kiệu…

Văn khấn tất niên 

Con kính lạy Hoàng thiên, Hậu thổ, chư vị Tôn thần.

Con kính lạy ngài Kim niên Đương cai Thái Tuế chí đức tôn thần.

Con kính lạy các ngài Bản cảnh Thành hoàng chư vị đại vương.

Con kính lạy ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa tôn thần.

Con kính lạy các ngài Ngũ phương, Ngũ thổ, Long mạch, Tài thần, Bản gia Táo quân, cùng tất cả các vị thần linh cai quản trong xứ này.

Con kính lạy chư gia Cao tằng tổ khảo, Cao tằng tổ tỷ, Tiên linh nội ngoại họ… 

Hôm nay là ngày 30 tháng chạp năm… (âm lịch).

Tín chủ (chúng) con là… Tuổi…

Ngụ tại… 

Trước án kính cẩn thưa trình: Đông tàn sắp hết, năm kiệt tháng cùng, xuân tiết gần kề, minh niên sắp tới.

Chúng con cùng toàn thể gia quyến sắm sanh phẩm vật hương hoa, cơm canh thịnh soạn, sửa lễ Tất niên, dâng cúng Thiên Địa tôn thần, phụng hiến Tổ tiên, truy niệm chư linh.

Theo như thường lệ tuế trừ cáo tế, cúi xin chư vị tôn thần, liệt vị gia tiên, bản xứ tiền hậu chư vị hương linh giáng lâm án tọa, phủ thùy chứng giám, thụ hưởng lễ vật, phù hộ toàn gia lớn bé trẻ già bình an thịnh vượng, bách sự như ý, vạn sự tốt lành, luôn luôn mạnh khỏe, gia đình hòa thuận.

Thành tâm bái thỉnh, cúi xin chư vị tôn thần và gia tiên nội ngoại chứng giám phù hộ độ trì.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ông Phan Đức Trung: 'Khung pháp lý cho tài sản ảo là bài toán khó'
1 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ông Phan Đức Trung, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), cho biết việc ban hành một chính sách hoàn chỉnh cho tài sản ảo (VA) và nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo (VASP) phù hợp vào thời điểm này là một bài toán khó.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cúng tất niên Tết Nguyên đán cần những gì?