Thế giới đang chứng kiến cuộc chạy đua tàu ngầm Mỹ-Trung Quốc, khi cách biệt kinh tế giữa hai cường quốc hàng đầu này ngày càng thu hẹp.

Cuộc chạy đua tàu ngầm Mỹ -Trung Quốc ngày càng quyết liệt

Một Thế Giới | 03/07/2015, 16:00

Thế giới đang chứng kiến cuộc chạy đua tàu ngầm Mỹ-Trung Quốc, khi cách biệt kinh tế giữa hai cường quốc hàng đầu này ngày càng thu hẹp.

Trong cuộc đọ sức về tiềm lực quân sự này, bất kể có bao nhiêu loại vũ khí mới ra đời, cuộc chạy đua tàu ngầm Mỹ-Trung Quốc sẽ mang tính quyết định, thậm chí xảy ra một cuộc chiến tranh ở châu Á- Thái Bình Dương giữa Mỹ và TQ.

So với Mỹ, một siêu cường đang là bá chủ các đại dương với hạm đội hùng mạnh đứng đầu thế giới, hải quân TQ non trẻ bị xem là thua kém về mọi mặt, từ số lượng cũng như chất lượng hạm đội cho đến kinh nghiệm tác chiến và những học thuyết về hải quân.

TQ trong hàng thế kỷ qua chưa khi nào được xem là một quốc gia có hạm đội mạnh, điều này khiến người TQ bị ám ảnh.

Hạm đội lớn cuối cùng trong lịch sử Trung Hoa gần nhất đã bị Nhật đánh chìm cách đây hơn một thế kỷ. Do đó, để cân bằng sức mạnh với hạm đội hùng mạnh của Mỹ, TQ chọn một hướng đi khác, đó là tàu ngầm.

Dự báo về cơ cấu hải quân TQ trong tương lai, chuyên gia hải quân James Fanell nêu:

Hạm đội hỗn hợp của hải quân sẽ gồm khoảng 99 tàu ngầm các loại, bốn tàu sân bay, 102 tàu khu trục và tàu chống hạm, 26 tàu hộ tống, 73 tàu đổ bộ và 111 tàu mang tên lửa.

Biên chế hạm đội hỗn hợp của TQ hiện có tổng cộng khoảng 300 tàu, và con số này sẽ được nâng lên thành 415 tàu vào năm 2030.

Số lượng tàu ngầm chiếm khoảng 1/4 đến 1/3 trong hạm đội hiện nay, cho thấy TQ đang ưu tiên cho loại vũ khí này.

Ở thời điểm hiện tại, mục tiêu của TQ là đóng mới khoảng 10 chiếc mỗi năm, biến nước này thành một trong những quốc gia sở hữu hạm đội tàu ngầm lớn nhất thế giới, thậm chí có phần vượt hơn Mỹ,  khi hải quân Mỹ hiện chỉ sở hữu khoảng hơn 70 tàu ngầm các loại.

TQ có lý do để lựa chọn tàu ngầm: chiến lược hải quân của nước này thiên về xu hướng phòng thủ, trong kịch bản phải đối đầu với hạm đội hùng mạnh của Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ trong khu vực.

Địa thế hai vùng biển được xem là cốt yếu của TQ là biển Đông và biển Hoa Đông rất thuận lợi cho việc sử dụng tàu ngầm hơn là các tàu chiến khác, đồng thời hạn chế đáng kể khả năng tác chiến của các tàu sân bay của Mỹ.

Một hạm đội tàu ngầm đa năng khi đó sẽ rất hữu dụng vừa trong việc tấn công hạm đội đối phương, vừa tiêu diệt các tàu tiếp vận và hậu cần của Mỹ, nhất là trong một vùng biển mênh mông thuận lợi cho tàu ngầm tác chiến và ẩn náu như Thái Bình Dương.

TQ đặt trọng tâm vào các lớp tàu ngầm sử dụng công nghệ động cơ đẩy không khí độc lập (AIP) chạy bằng điện hoặc diesel.

 So với các tàu ngầm hạt nhân vốn gây ra nhiều tiếng ồn do phải liên tục bơm nước để làm mát lò phản ứng hạt nhân, các tàu ngầm phi hạt nhân sử dụng công nghệ AIP hoạt động êm và thầm lặng hơn, thuận lợi hơn trong việc tấn công và đột kích các tàu ngầm hạt nhân vốn nặng nề và di chuyển chậm.

Sự cơ động của các tàu ngầm phi hạt nhân sử dụng công nghệ AIP cũng khiến nó dễ dàng săn lùng và tiêu diệt các tàu vận tải và tiếp tế của địch.

Điều này đang đặt ra một thách thức lớn đối với hải quân Mỹ, khi học thuyết hải quân Mỹ  vẫn đặt các tàu ngầm hạt nhân vào vị trí xương sống trong hạm đội tàu ngầm.

Biên chế hiện nay của hải quân Mỹ có tới khoảng 55 tàu ngầm hạt nhân với giá thành khoảng từ 1 đến 3 tỷ USD mỗi chiếc, trong khi chi phí đóng một tàu ngầm phi hạt nhân sử dụng công nghệ AIP chỉ khoảng từ 100 – 300 triệu USD.

 Ở thời điểm hiện tại, Mỹ và TQ đều có khả năng chi khoảng 5 đến 15 tỷ USD mỗi năm cho việc đóng tàu ngầm.

Và nếu Mỹ vẫn tiếp tục tăng cường các tàu ngầm hạt nhân, trong khi TQ tăng cường các tàu ngầm phi hạt nhân AIP, thì số lượng tàu ngầm TQ trong tương lai có thể hơn Mỹ ít nhất 3 lần.

Một cuộc chiến tàu ngầm tổng lực nếu diễn ra, khi đó sẽ là một bất lợi nghiêm trọng với hải quân Mỹ.

Mỹ có quá ít tàu ngầm hộ tống để đảm bảo an toàn cho các tàu ngầm hạt nhân của mình trước cuộc tấn công quy mô lớn của hạm đội tàu ngầm phi hạt nhân TQ, vốn được coi là khắc tinh của các tàu ngầm hạt nhân.

Điều này có thể buộc Mỹ phải thay đổi học thuyết hải quân trong việc sử dụng tàu ngầm, và buộc nước này phải thay thế dần các tàu ngầm hạt nhân cồng kềnh và có chi phí sản xuất và bảo dưỡng quá cao.

Thay vào đó sẽ tăng cường các tàu ngầm phi hạt nhân AIP sử dụng diesel hoặc dùng điện.

Với mức đầu tư khoảng từ 5 đến 15 tỷ USD hàng năm chỉ cho lĩnh vực tàu ngầm, Mỹ có thể huy động được một hạm đội tàu ngầm từ 1.000 đến 2.000 chiếc chỉ trong vòng 10 năm, trong trường hợp một cuộc chạy đua cần thiết diễn ra.

Ở công nghệ đóng tàu ngầm, Mỹ cũng đang có nhiều lợi thế hơn hẳn so với TQ, khi Mỹ đang nắm hầu hết các công nghệ tiên tiến nhất, còn TQ vẫn đang phải đặt mua các lớp tàu ngầm hạng nặng của Nga để bù đắp cho sự thiếu hụt về công nghệ.

Đến thời điểm hiện tại, cả hai lớp tàu ngầm Quing và Yuan mà TQ đóng được là lớp Quing đều là những mẫu tàu ngầm hạng nhẹ.

Thậm chí các quốc gia đồng minh của Mỹ ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương như Hàn Quốc hay Nhật Bản, được xem là sở hữu công nghệ đóng tàu ngầm cao hơn TQ khá nhiều.

Hàn Quốc có lớp tàu ngầm  Chang Bogo Type 209, còn Nhật đang sở hữu công nghệ Soryu – lớp tàu ngầm được đánh giá là hàng đầu thế giới hiện nay, vượt trội hơn cả những mẫu tàu ngầm nổi danh của Đức.

Nhàn Đàm (theo Next Big Future)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cuộc chạy đua tàu ngầm Mỹ -Trung Quốc ngày càng quyết liệt