Theo nhà báo Bethany Allen-Ebrahimian của trang Axios, sự cạnh tranh của Mỹ - Trung trong thập kỷ tới sẽ được định hình không phải bởi đối đầu quân sự mà bởi năng lực kinh tế nhằm đạt được kết quả địa chính trị.
Điều này có thể tạo nên cuộc “chạy đua vũ trang kinh tế”. Hai quốc gia nỗ lực tạo ra nhiều công cụ kinh tế sáng tạo và mạnh mẽ hơn, đồng thời cố gắng mở rộng phạm vi ảnh hưởng kinh tế của mình.
Loạt công cụ hiện hành
Ngay từ bây giờ Mỹ - Trung đã triển khai hàng loạt biện pháp có chủ đích nhằm ngăn cách các ngành công nghiệp và mặt hàng trọng yếu của nhau, đồng thời trừng phạt hành vi mà mỗi nước không chấp nhận.
Gần đây nhất Trung Quốc áp đặt hạn chế xuất khẩu với một số khoáng sản đất hiếm rất quan trọng với hoạt động sản xuất chip tiên tiến, sau khi Mỹ cùng đồng minh hạn chế xuất khẩu chip tiên tiến cho Trung Quốc.
Chính phủ hai nước cũng xây dựng cơ chế mới để gây áp lực với đối thủ. Luật chống lại trừng phạt nước ngoài (được thực thi từ năm 2021) của Trung Quốc mở rộng số công cụ pháp lý mà giới chức nước này có thể sử dụng nếu doanh nghiệp Trung Quốc là mục tiêu bị trừng phạt.
Năm ngoái, Mỹ ban hành Đạo luật Ngăn chặn cưỡng bức lao động người Duy Ngô Nhĩ, cấm tất cả mặt hàng nhập khẩu từ Tân Cương - trừ phi đơn vị nhập khẩu chứng minh được chuỗi cung ứng của họ không dùng lao động bị ép buộc. Washington cũng có một danh sách trừng phạt cá nhân và thực thể Trung Quốc vi phạm nhân quyền ngày càng dài. Họ còn cân nhắc một sắc lệnh hành pháp sẽ sàng lọc các khoản đầu tư ra nước ngoài vì lo ngại an ninh quốc gia.
Giới lãnh đạo Trung Quốc thì tăng cường kiểm soát việc tiếp cận nền kinh tế khổng lồ của nước này, loại bỏ quyền tiếp cận của những cá nhân, doanh nghiệp hay chính quyền có phát ngôn hay hành động không phù hợp với lợi ích Trung Quốc. Họ hy vọng số doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi hạn chế thương mại sẽ vận động chính phủ Mỹ nới lỏng chính sách.
Vì sao lại “chạy đua vũ trang kinh tế”?
Nhà báo Allen-Ebrahimian cho rằng cả Mỹ và Trung Quốc đều nhận định cái giá của biện pháp gây áp lực kinh tế thấp hơn xung đột quân sự.
Mỹ không mong muốn bị kéo vào một cuộc chiến lâu dài khác nữa. Ký ức về nỗi sợ hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh hằn sâu vào tâm trí và ai cũng hiểu một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa hai cường quốc vũ trang hạt nhân có thể gây ra thảm họa.
Phía Trung Quốc không hy vọng chiến tranh với Mỹ nổ ra trước khi quân đội nước này được chuẩn bị đầy đủ.
Diễn biến sắp tới
Theo nhà báo Allen-Ebrahimian cả hai quốc gia sẽ cố gắng kêu gọi đồng minh cùng đối tác về phe mình. Mỹ có nhiều đồng minh hơn nên có thể đạt được nhiều tiến bộ hơn.