Chỉ trong vài năm ngắn ngủi, Hollywood đã thay đổi chóng mặt. Trong bối cảnh xuất hiện ngày càng đông các kênh truyền dữ liệu trực tuyến, công việc của các giám đốc phân phối phim hiện nay trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Cuộc chiến giành ngày ra mắt phim ngày càng khốc liệt tại Hollywood

Chí Thiện | 27/09/2019, 07:40

Chỉ trong vài năm ngắn ngủi, Hollywood đã thay đổi chóng mặt. Trong bối cảnh xuất hiện ngày càng đông các kênh truyền dữ liệu trực tuyến, công việc của các giám đốc phân phối phim hiện nay trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Nếu trong một thời đại khác, Jeff Goldstein – giám đốc mảng phân phối của Warner Bros sẽ dành phân nửa thời gian của mình để gặp gỡ và bàn luận với chủ sở hữu của các hệ thống rạp lớn nhất tại Mỹ nhằm giành được càng nhiều rạp càng tốt cho những bộ phim sắp ra mắt. Mặc dù vậy, nhiệm vụ lớn nhất của ông bây giờ là tham vấn đội ngũ của mình trong phòng kín để đưa ra lịch phát hành hợp lý.

Ngày nay, các studio lớn tại Hollywood không chỉ đấu đá lẫn nhau mà còn chống chọi trước sự lên ngôi của những kênh truyền dữ liệu trực tuyến như Netflix. Bên cạnh đó, việc Disney nuốt chửng nhiều thương hiệu giải trí lớn và hãng sản xuất phim cũng khiến sự cạnh tranh trở nên gay gắt hơn bao giờ hết. Với kho vũ khí gồm Marvel, Pixar, Lucasfilm và mới đây là Fox, Disney chính là “ông vua không ngai” hiện nay và sở hữu rất nhiều đặc quyền.

Jeff Goldstein và The Rock

“Bạn cần phác họa được bức tranh tổng thể về những gì đang diễn ra trên thị trường. Hằng ngày, tôi dành ra hàng giờ chỉ để nói về ngày tháng. Riết rồi nó giống như ma trận cờ vua vậy”, Goldstein nói và nhìn vào một tờ lịch điện tử dày đặc các bộ phim Hollywood chuẩn bị ra mắt từ nay cho đến năm 2022, thậm chí hơn thế nữa.

Giống các đồng nghiệp của mình tại những hãng phim khác, Goldstein chịu trách nhiệm giới thiệu các bộ phim mới của Warner Bros tới khán giả. Thế nhưng, khi những gã khổng lồ trong lĩnh vực truyền dữ liệu trực tuyến tham gia vào không gian làm phim thì cuộc chơi đã hoàn toàn thay đổi. Nó phức tạp hơn, đòi hỏi tầm nhìn và chiến lược tốt hơn. Giờ đây, số lượng rạp và doanh thu phòng vé không còn là thành tích duy nhất đáng để quan tâm nữa.

Kyle Davies – giám đốc phân phối của Paramount nói: “Bạn liên tục tìm kiếm một ngày ra mắt lý tưởng. Thế nhưng ngay cả khi đã tìm được ngày tốt nhất, bạn vẫn tự hỏi liệu có ngày nào khác tốt hơn không. Bạn không bao giờ ngừng suy nghĩ về nó”.

Kyle Davies - giám đốc phân phối của Paramount

Khán giả ngày nay có nhiều lựa chọn hơn cho khâu giải trí. Khi ấn định ngày ra mắt, các giám đốc phân phối không chỉ quan tâm những studio khác sẽ tung ra phim gì cùng thời điểm mà còn phân vân liệu Netflix có tung ra mùa mới của Stranger Things hay game Call of Duty có phát hành phần mở rộng hay không.

Hệ thống rạp đã không còn là nơi duy nhất khán giả có thể thưởng thức bộ môn nghệ thuật thứ 7. Với Netflix, Amazon hay Hulu, họ có thể thưởng thức hàng giờ những bộ phim yêu thích tại bất kỳ nơi nào mà đòi hỏi chỉ một cú nhấn chuột cùng khoản phí chỉ bằng 2 tấm vé cho mỗi tháng.

“Công nghệ phát triển đã cho người tiêu dùng nhiều phương thức giải trí hơn. Họ có quyền quyết định sẽ xem ở đâu và bằng cách nào. Chúng tôi cạnh tranh không chỉ giữa các studio mà còn trong không gian trực tuyến”, Goldstein nói.

Stranger Things là một trong những niềm tự hào của Netflix khi thu hút nhiều khán giả và sở hữu lượng fan trung thành

Sự thay đổi kể trên thể hiện khá rõ trong cơ cấu phân bổ doanh thu phòng vé. Chỉ vài năm trước, Hollywood chỉ có 2 mùa phim quan trọng là mùa hè và Giáng sinh. Mùa thu thường dành cho phim nghệ thuật và những tháng đầu năm thì bị đánh giá là “không phù hợp để ra mắt phim”. Điển hình như Black Panther công chiếu tháng 4 hay Venom vào tháng 10 đã phá vỡ nhiều kỷ lục phòng vé trước sự ngạc nhiên của các nhà chuyên môn.

“Bây giờ, chúng tôi sử dụng toàn bộ ngày trong tờ lịch. Bạn có thể thấy phim được công chiếu mọi ngày trong năm”, Smith Smith – giám đốc phân phối của Sonycho biết.

“Chúng tôi đã phá vỡ mọi nguyên tắc về ngày phát hành”, Jim Orr – giám đốc phân phối của Unisersal cho biết. “Bạn phải sử dụng toàn bộ 52 tuần và điều đó buộc chúng tôi phải nhìn ra ngoài chiếc hộp. Trong nhiều tình huống tưởng chừng không có hi vọng, chúng tôi đã tìm thấy thành công lớn”.

Jim Orr – giám đốc phân phối của Unisersal

Giám đốc phân phối thường là bộ mặt của các bộ phim. Một phần công việc của họ là duy trì mối quan hệ với báo chí. Điều đó có nghĩa là nếu phim thành công trong tuần đầu, họ sẽ tận hưởng chiến thắng và chia sẻ sự tự hào với phóng viên vào sáng Chủ nhật. Nếu không, họ sẽ giải thích những nguyên nhân dẫn đến thất bại mà không chỉ đích danh đạo diễn hay diễn viên. Đó là một nhiệm vụ không hề dễ dàng.

Đằng sau hậu trường, các giám đốc phải xem xét bộ phim nào xứng đáng nhận được nhiều rạp ngay từ đầu. Nó đòi hỏi một cuộc trao đổi cẩn thận giữa ba bộ phận “thần thánh” chịu trách nhiệm cho một bộ phim: phân phối, tiếp thị và sản xuất.

Các giám đốc phân phối sẽ đưa ra dự đoán cho doanh thu phòng vé tại thị trường nội địa dựa trên kinh nghiệm, bản năng và tình hình ngoài rạp lúc ấy. Theo truyền thống, họ sử dụng các con số trong quá khứ để làm tài liệu tham khảo. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng độ tin cậy của chúng đã giảm đáng kể.

Trên thực tế, có rất nhiều bộ phim cần đến 2-3 năm để hoàn thành kể từ khi nó nhận được cái gật đầu của nhà đầu tư. Trong bối cảnh thị trường thay đổi liên tục như ngày nay, điều này đôi khi mang đến rất nhiều trở ngại cho khâu tiếp thị và phân phối.

Điển hình như Where’d You Go, Bernadette của đạo diễn Richard Linklater với sự tham gia của Cate Blanchett. Nó được bật đèn xanh vào năm 2013 khi The Hunger Game: Catching Fire là bộ phim có doanh thu phòng vé cao nhất tại Mỹ. Sau 6 năm, Where’d You Go, Bernadette chính thức ra rạp nhưng ở giai đoạn mà các bộ phim dựa trên tiểu thuyết dành cho thiếu niên đã bị khán giả ngó lơ. Kết quả, nó chỉ thu về được 9,3 triệu USD so với kinh phí sản xuất 18 triệu USD.

“Đã từng có một khoảng thời gian mà bạn có thể sử dụng các bộ phim ra mắt 5 năm trước để so sánh”, Smith nói. “Trong thế giới ngày nay, 1-2 năm là quá lắm rồi. Thị trường đã thay đổi. Con người cùng thói quen của họ cũng vậy”.

Mai Thảo (theo The Hollywood Reporter)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghệ thông tin là ngành luôn ‘khát nhân lực’
1 giờ trước Khoa học - công nghệ
Ngày 28.3, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cùng Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) đã tổ chức hội thảo chia sẻ về xu hướng ngành công nghệ thông tin và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cuộc chiến giành ngày ra mắt phim ngày càng khốc liệt tại Hollywood