Từ đầu tháng 6 các trường THPT chuyên có tỷ lệ cạnh tranh cao đã bắt đầu tổ chức kỳ thi tuyển sinh.
Tỷ lệ chọi cao ở các trường THPT chuyên
Trường THPT chuyên Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã bắt đầu tổ chức thi tuyển vào lớp 10 với 3 môn chính là: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh và môn chuyên mà thí sinh đăng ký. Từ ngày 29.5 đến 6.6, thí sinh sẽ bắt đầu tranh suất vào lớp 10 của 4 trường THPT chuyên có tỷ lệ cạnh tranh cao tại Hà Nội.
Số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển vào Trường THPT chuyên Khoa học xã hội và nhân văn là hơn 1.000 thí sinh. Trong khi đó, tại Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2022 tuyển 460 chỉ tiêu, trong đó tuyển 70 chỉ tiêu cho lớp chuyên Toán, 60 chỉ tiêu cho lớp chuyên Anh, các lớp chuyên còn lại 35 em/lớp. Trường THPT chuyên Ngoại ngữ (Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội) tuyển 500 chỉ tiêu cho hệ chuyên có học bổng (36 em), hệ chuyên (344 em), hệ không chuyên (120 em). Lịch thi dự kiến tổ chức vào ngày 4.6 với 3 bài thi gồm bài thi đánh giá năng lực môn Ngoại ngữ, bài thi đánh giá năng lực Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.
Trong khi đó Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) dự kiến tổ chức thi tuyển vào ngày 5 và 6.6. Năm nay trường tuyển 540 chỉ tiêu cho năm 2022. Mỗi khối lớp chuyên tuyển 90 em. Thí sinh dự thi 3 môn Ngữ văn, môn Toán (vòng 1) trong 120 phút và môn chuyên trong 150 phút. Còn các trường chuyên khác như THPT Amsterdam, THPT Chu Văn An, THPT chuyên Nguyễn Huệ và THPT Sơn Tây sẽ tuyển sinh tổng 2.380 học sinh vào lớp 10 với 64 lớp. Các lớp tuyển sinh gồm: hệ chuyên, hệ không chuyên và hệ song bằng tú tài (A- level).
Đây được coi là một trong những kỳ thi lớp 10 mang tính cạnh tranh và khốc liệt nhất trên cả nước khi có tới khoảng 52.000 thí sinh sẽ không có cơ hội vào các trường công lập. Trong khoảng 130.000 học sinh diện xét tốt nghiệp THCS năm học 2021-2022 ở Hà Nội, chỉ khoảng 60% số học sinh được tuyển vào trường THPT công lập, 21% số học sinh tuyển vào trường THPT tư thục, 10% số học sinh tuyển vào trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Còn lại 9% số học sinh tham gia học nghề. Điều này đồng nghĩa với việc các trường công lập sẽ tuyển khoảng 77.000 học sinh, khoảng 27.000 học sinh vào học các trường tư thục.
Có thành tích tốt mới dám đăng ký trường THPT chuyên
Đặt mục tiêu vào Trường THPT Amsterdam nên em Nguyễn Trung Dũng cho biết thời gian này em liên tục đi học thêm và ôn luyện đề thi từ các năm trước để kiến thức được tốt hơn. "Dù bố mẹ có khuyên em không nên gắng sức quá nhưng em muốn khi mình đã đặt ra mục tiêu thì cần hoàn thành. Em cũng đã ghi tên vào các trường THPT không chuyên khác nhưng vẫn có tỷ lệ chọi cao để tạo ra áp lực cho mình. Em muốn thử sức mình ở một môi trường học tập tốt hơn nên cần phải cố gắng nhiều".
Không giống Trung Dũng, em Nguyễn Thiện Nhân (Q.Cầu Giấy) cho biết bản thân em mặc dù rất thích Trường THPT chuyên Amsterdam hoặc Chu Văn An nhưng vẫn không dám hy vọng mình đỗ bởi lẽ tỷ lệ chọi ở các trường này rất cao, thậm chí còn cao hơn cả các trường ĐH tuyển sinh. "Xác định đăng ký vào trường Amsterdam chỉ có thể là các bạn có thành tích tốt ở kỳ thi quốc gia. Nếu chưa có thành tích tốt thì ít nhất khả năng ngoại ngữ phải cực tốt thì mới có hy vọng đỗ tại các trường này. Chính vì thế, em chuyển hướng sang thi các trường THPT chuyên Sư phạm và Chu Văn An, có tỷ lệ chọi thấp hơn 1 chút. Nếu có trượt đi nữa thì cũng hy vọng đỗ vào Trường THPT Cầu Giấy để học tập, vừa gần nhà lại vừa sức mình hơn. Thời gian này em khá mệt mỏi vì ôn luyện liên tục, nhưng cũng phải cố gắng vì biết đây là kỳ thi có áp lực cao nhất của học sinh nên không thể buông lỏng việc học".
Dù không đặt mục tiêu quá cao ở các trường chuyên có tỷ lệ chọi cao nhất nhì Hà Nội, nhưng đa số học sinh THCS đều mong muốn có một điểm số tốt để có thể được lựa chọn vào các trường THPT công lập trên địa bàn. Chính vì thế việc học thêm, chạy đua với thời gian đã trở nên căng thẳng khi tháng 6 tới gần. Nhiều học sinh thời gian này đăng ký học ở nhiều lò luyện thi một lúc, chỉ tranh thủ 1-2 tiếng đồng hồ nghỉ ngơi. Thậm chí nhiều em phải chạy tới 4-5 địa điểm ôn luyện để hy vọng có điểm số tốt hơn ở kỳ thi vào lớp 10 lần này.
Theo cô giáo Nguyễn Mỹ Hảo (Trường THCS Nghĩa Tân), năm nay nhà trường có khoảng 30 - 40% học sinh đăng ký vào các trường THPT chuyên trên địa bàn Hà Nội. Ngoài ra các em cũng có đăng ký các trường THPT công lập có tỷ lệ chọi cao như Phan Đình Phùng, Trần Phú, Yên Hòa, Cầu Giấy... "Nhìn chung học sinh học lực khá và giỏi đều đăng ký ở các trường tốp đầu, còn học sinh trung bình lựa chọn ở các khu vực xa nhà hơn một chút với hy vọng đỗ dù đi xa nhưng sẽ giảm được áp lực về tiền bạc học phí cho bố mẹ".
Tại Trường THCS Đống Đa, cô Đinh Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng cho biết, kể từ cuối tháng 4 trường đã hoàn thành kế hoạch dạy học cho học sinh lớp 9 và bắt đầu bước vào giai đoạn ôn tập. “Hiện nay đang là giai đoạn tăng tốc để về đích. Do đó, nội dung ôn tập thường theo chuyên đề và luyện các dạng đề thi vào lớp 10. Điều này nhằm rèn luyện cho học sinh kỹ năng và làm quen với việc phân bổ thời gian trong quá trình làm bài. Để đảm bảo hỗ trợ kịp thời cho từng đối tượng học sinh, Trường THCS Đống Đa cũng phân loại học sinh theo năng lực để có giải pháp phù hợp nhất".
Kỳ thi vào THPT ở các trường chuyên Hà Nội đã chính thức bắt đầu, với tỷ lệ chọi khá cao nên năm nay học sinh cần phải cố gắng nhiều hơn nữa để đạt được ước mơ của mình. Mặc dù năm nay Hà Nội đã giảm môn thi xuống còn 3 môn, giảm áp lực cho học sinh, nhưng tỷ lệ cạnh tranh của học sinh để "tranh suất" vào lớp 10 tại các trường THPT công lập chưa bao giờ hạ nhiệt.