Cúp quốc gia trên thế giới là mở rộng mọi đối tượng tham gia, nhưng ở Việt Nam, chính xác hơn là Cúp quốc gia của VPF chỉ cho phép 24 đội V-League và Hạng nhất tham dự. Đó là một ý tưởng “bóp chết” bản chất của Cúp quốc gia.

Cúp quốc gia của VPF: Hồn nghiệp dư, da chuyên nghiệp!

Đặng Hoàng | 03/04/2023, 19:42

Cúp quốc gia trên thế giới là mở rộng mọi đối tượng tham gia, nhưng ở Việt Nam, chính xác hơn là Cúp quốc gia của VPF chỉ cho phép 24 đội V-League và Hạng nhất tham dự. Đó là một ý tưởng “bóp chết” bản chất của Cúp quốc gia.

bongda.jpg
Khán đài loe ngoe người xem tại giải Cúp quốc gia

Sau phát biểu trước truyền thông của ông Vũ Tiến Thành, HLV CLB bóng đá TP.HCM, ví Cúp quốc gia do VPF tổ chức, điều hành như giải phường xã, Một Thế Giới đã phân tích rằng không có nơi nào như môi trường bóng đá Việt Nam (BĐVN) mà ở đó VPF lại “đẻ” ra cái luật “quái gở” đã và đang áp dụng ở Cúp quốc gia. Cụ thể là quy định “tréo ngoe” ở điều 8: Các trận đấu có CLB Hạng nhất thì các CLB V-League không được đăng ký cầu thủ nước ngoài thi đấu!

Công bằng nào cho các đội Hạng nhì, Hạng ba, sinh viên?

Trên mạng xã hội, đa số đều đồng tình với phát biểu của HLV Vũ Tiến Thành. Tuy nhiên, vẫn có thiểu số cho rằng “bóng đá luôn song hành cùng nhiều yếu tố kinh tế - xã hội, không thể ép các đội Hạng nhất bổ sung thêm cầu thủ ngoại, vì có thể khiến các đội bóng “gồng lên” để rồi sau đó có thể mất tích trên bản đồ BĐVN”. Quy định các đội bóng V-League không sử dụng ngoại binh khi đá Cúp quốc gia với các đội Hạng nhất cũng từ “tư tưởng sai lầm” từ đây mà ra.

Thế nhưng không có ý kiến phản đối chính thức nào được đưa ra. Các đội bóng V-League hiểu rằng họ cần chấp nhận một điều luật dù gây ảnh hưởng đến họ để giúp cuộc chơi “cân bằng” hơn, khi nhiều người nhận định: “Nếu các đội Hạng nhất không có cầu thủ ngoại mà phải đối đầu với 3 “Tây” của các đội V-League, có lẽ chỉ sau 2 lượt đấu là Cúp quốc gia biến thành sân chơi riêng cho các đội V-League”.

Nếu VPF nghĩ rằng cần tạo một sân chơi “cân bằng” ở Cúp quốc gia, vậy cân bằng nào cho giải đấu khi chỉ cho đội ở V-League và Hạng nhất tham dự? 

“Công bằng” nào khi không cho các đội đang chơi tại giải Hạng nhì, Hạng ba tham dự Cúp quốc gia dù các đội đó cũng là CLB bóng đá thi đấu trên đất nước Việt Nam, và đây là hệ thống giải do VFF tổ chức?

“Công bằng” ở đâu khi VPF không nghĩ đến các đội bóng sinh viên, trong khi miệng luôn nói phải phát triển bóng đá học đường!

Nhìn qua hai nước láng giềng Thái Lan, Campuchia (chưa cần nói đến các nền bóng đá châu Âu), các CLB ở giải hạng dưới luôn được chào đón tại sân chơi Cúp quốc gia vì giải đấu này có ý nghĩa là sân chơi trên khắp cả nước, không phải chỉ những đội bóng hạng cao mới được độc quyền thi đấu.

Quyền lợi cho tất cả các đội bóng, cho tất cả các địa phương được phép tranh tài tại Cúp quốc gia mới là công bằng. Còn VPF biến Cúp quốc gia thành nơi chỉ lèo tèo hơn hai mươi đội tham gia thì số lượng khác gì giải phong trào trong các phường, xã!

Thậm chí, tại Nhật Bản, các đội trường đại học cũng được thi đấu tại Cúp quốc gia, giúp sân chơi này được sự chú ý của cả xã hội. Đó đích thực là một giải đấu của cả quốc gia, khác hẳn với Cúp quốc gia của VPF lèo tèo khán giả, truyền thông lác đác cũng như không có nhà tài trợ!

VPF mắc từ sai lầm này đến sai lầm khác

Chỉ có môi trường BĐVN dưới sự điều hành, tổ chức của VPF mới sử dụng 2 chữ “cân bằng”, thay vì khắp nơi trên thế giới là 2 chữ “công bằng”.

Khái niệm “cân bằng” hơn ở Cúp quốc gia với việc không được sử dụng cầu thủ ngoại là cực kỳ ấu trĩ. Trong khi V-League cho phép đăng ký cầu thủ nước ngoài thi đấu là để thể hiện tính chuyên nghiệp của giải đấu như với thông lệ của quốc tế. Việc khống chế các cầu thủ nước ngoài thi đấu trong đội hình ở con số 3 là để tạo cơ hội cho các cầu thủ Việt Nam cọ xát, nâng cao trình độ khi thi đấu với các cầu thủ nước ngoài.

Nhưng Cúp quốc gia lại đi ngược với V-League khi quy định các đội V-League không được dùng ngoại binh khi đối đầu với các đội Hạng nhất. Vậy tính chuyên nghiệp ở đâu tại Cúp quốc gia? Các cầu thủ Việt Nam ở giải Hạng nhất đâu có cơ hội học hỏi để phát triển chuyên môn khi không được thi đấu, cọ xát với các ngoại binh! Đây cũng là cách VPF gián tiếp làm lụi tàn sự phát triển chuyên môn của các cầu thủ Hạng nhất.

Riêng các CLB V-League tốn không ít kinh phí để có 3 cầu thủ nước ngoài, vậy mà VPF lại có quy định nghiệt ngã không cho ngoại binh ra sân thi đấu. Điều này không chỉ khiến cho các CLB V-League bị lãng phí tiền bạc mà còn làm giảm sức mạnh của các đội. Đó là lý do vì sao Một Thế Giới luôn nhấn mạnh: VPF không quan tâm đến quyền lợi của các CLB!

Khi giải đấu Cúp quốc gia đã không cho cầu thủ nước ngoài thi đấu, có nghĩa là VPF đã tự cắt bỏ tính chuyên nghiệp của giải đấu. Nói chính xác hơn, VPF đang “nghiệp dư hóa” Cúp quốc gia!

VPF thật quái gở! Tại sao?

Tại vòng 2 Cúp quốc gia Nhật Bản 2022, khi đội đang chơi ở J-League Cerezo Osaka gặp đội trường Đại học Kansai, Osaka vẫn tung ra sân ngoại binh Bruno Mendes để đá với các cầu thủ sinh viên.

Osaka tôn trọng đối thủ, tôn trọng giải đấu và tất nhiên tôn trọng khán giả, người hâm mộ bóng đá. Ngược hoàn toàn với Cúp quốc gia của VPF.

Với các đội hạng dưới, chắc chắn cũng không muốn đối thủ của họ, những đội bóng hạng trên “chấp người”. Vì nếu thắng, các đội hạng dưới chẳng vinh quang gì, mà nếu thua thì cũng chẳng học hỏi được gì!

***

Thế nhưng, với quy định “chặt chân, chặt tay” các đội V-League ở Cúp quốc gia của VPF, thì Cúp quốc gia sẽ vĩnh viễn chỉ dành cho các đội V-League và Hạng nhất. Bởi để giữ quan điểm cố chấp đi đến quyết định sai lầm của VPF, thì nếu mở rộng đối tượng tham dự Cúp quốc gia là các đội Hạng nhì, Hạng ba, thậm chí là sinh viên... thì các đội hạng cao có khi không được đủ người để đá với đội hạng dưới trước quy định “cân bằng” không giống ai của VPF!

VPF đã đi từ sai làm này đến sai lầm khác. Dù có tên gọi là Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, nhưng thực chất VPF chỉ có “da” chuyên nghiệp, còn “hồn” là nghiệp dư!

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cúp quốc gia của VPF: Hồn nghiệp dư, da chuyên nghiệp!