Vào ngày 8.7 vừa qua, James G.Zumwalt, đại diện cho nhà xuất bản Fortis, Florida (Mỹ) sang Việt Nam ký mua bản quyền bản tiếng Anh của cuốn sách Gạc Ma – Vòng tròn bất tử về phát hành tại Mỹ và một số nước trên thế giới. Có mặt tại TP.HCM, ông James G.Zumwalt đã dành riêng cho báo Một Thế Giới cuộc trò chuyện và chia sẻ những cảm xúc của mình khi trở lại Việt Nam lần này.

Cựu binh Mỹ James G.Zumwalt nói về việc mua bản quyền sách Gạc Ma - Vòng tròn bất tử

10/07/2018, 11:32

Vào ngày 8.7 vừa qua, James G.Zumwalt, đại diện cho nhà xuất bản Fortis, Florida (Mỹ) sang Việt Nam ký mua bản quyền bản tiếng Anh của cuốn sách Gạc Ma – Vòng tròn bất tử về phát hành tại Mỹ và một số nước trên thế giới. Có mặt tại TP.HCM, ông James G.Zumwalt đã dành riêng cho báo Một Thế Giới cuộc trò chuyện và chia sẻ những cảm xúc của mình khi trở lại Việt Nam lần này.

Ông James G.Zumwalt trả lời phỏng vấn Báo điện tử Một Thế Giới - Ảnh: Tiểu Vũ

* Xin chào ông James G. Zumwalt. Chúng tôi là phóng viên của báo điện tử Một Thế Giới và rất vui được gặp ông ở Việt Nam. Chúng tôi được biết lần đầu tiên ông trở lại Việt Nam là năm 1994. Và lần trở lại này cảm xúc của ông có gì khác biệt so với lần đầu tiên?

- Trước khi đến Việt Nam, cảm xúc của tôi về cuộc chiến rất tệ, cho đến khi đến Việt Nam lần đầu, gặp gỡ những nhân chứng, tôi mới nhận ra rằng, cảm xúc của những người phía bên kia về cuộc chiến khác xa so với chúng tôi từng nghĩ.

Trong quân đội Mỹ, mỗi khi người lính được đưa ra chiến trường, họ phục vụ một một thời gian rồi được đưa đến chiến trường khác. Tôi cũng vậy, được đưa đến chiến trường Việt Nam 12 tháng. Đối với tôi đó là khoảng thời gian vô cùng tệ hại. Tôi thật sự ngạc nhiên và bị thuyết phục, thậm chí là ngưỡng mộ những người lính bên kia chiến tuyến khi được biết họ chiến đấu ròng rã suốt 4, 5 năm trên chiến trường.

Những cuộc gặp gỡ trò chuyện với những người lính mà tôi đã đối đầu trong cuộc chiến đã giúp cho tôi hiểu, đồng cảm và chia sẻ về hoàn cảnh những người lính phía bên kia nhiều hơn.

* Những cảm xúc và suy nghĩ của ông về người lính phía bên kia có được đồng đội của ông chia sẻ và đồng tình không?

- Tôi nghĩ là cũng còn tùy, những người bạn, người cùng chiến đấu với tôi ngày xưa ở chiến trường Việt Nam họ cũng quay lại Việt Nam và gặp lại những người từng đối đầu với họ trong chiến tranh. Tôi nghĩ họ có đồng cảm với tôi điều đó.

* Khi ông viết tất cả những cảm nhận của mình về cuộc chiến Việt Nam trong cuốn "Chân trần, chí thép" thì đã nhận những phản ứng của những người đồng đội cũ như thế nào?

- Lúc mà tôi bắt tay vào viết cuốn "Chân trần chí thép", tôi đã bị nhiều chỉ trích từ phía bạn bè và những cựu chiến binh đồng đội cũ. Họ nói rằng tôi đang cố gắng “đeo bộ mặt nhân từ” lên những người từng là kẻ thù của mình. Thật là dễ khi mà ghét một ai đó không hiện diện trước mặt mình. Nhưng tới khi mình nhận diện ra được họ cũng là những con người giống như mình thì sẽ dễ đồng cảm với những người từng là cựu thù của mình.

* Xin ông chia sẻ cơ duyên của mình khi tiếp cận cuốn sách Gạc Ma - vòng tròn bất tử? Cảm giác đầu tiên của ông khi đọc xong cuốn sách đó?

- Lần đầu tiên tôi biết đến sự kiện Gạc Ma là năm 2014, lúc đó tôi được tiếp cận qua một đoạn video clip. Sau khi xem xong tôi lập tức viết một bài báo về vụ thảm sát mà thế giới chưa từng biết đến. Đến thời điểm này thì cuốn sách đã được ra đời tôi rất là vui. Tôi nghĩ không chỉ tôi mà toàn bộ người dân Việt Nam cần phải biết chính xác những gì đã xảy ra trong sự kiện đó.

James G.Zumwalt, là một nhà quan sát, một cây viết bình luận chính trị quân sự hàng đầu trên các trang báo Mỹ - Ảnh: Tiểu Vũ

* Hiện nay, tình hình Biển Đông vẫn vô cùng phức tạp. Gần đây báo Mỹ liên tục đăng tin về việc TQ lắp đặt tên lửa, leo thang quân sự ở Biển Đông, đe dọa an ninh và ổn định của khu vực. Tuy nhiên, các phản ứng của Mỹ dường như chưa đủ mạnh mẽ nên nhiều người hoài nghi về chính sách của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương. Ý kiến của ông về vấn đề này, liệu Mỹ có cần thể hiện thái độ cứng rắn hơn nữa?

- Trong vấn đề này nó có hai phương diện. Đầu tiên là vấn đề chính sách của Mỹ đối với các hành động leo thang quân sự ở Biển Đông. Đó là chính sách của Mỹ ở thời ông (Barack) Obama và chính sách thời ông (Donald) Trump.

Dưới thời ông Obama thì giới chức quân sự Mỹ luôn luôn cảnh báo rằng phải ra sức ngăn chặn những hành động ngày càng leo thang của Trung Quốc ở biển Đông. Tuy nhiên, thời điểm đó Tổng thống Obama khá miễn cưỡng khi đưa ra những quyết định liên quan.

Cho đến tận ngày cuối nhiệm kỳ, Tổng thống Obamo mới ra chiến dịch Tự do hàng hải (FONOPS). Theo đó, tàu chiến của Mỹ sẽ tiến gần những hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc chiếm đóng. Về mặt lý thuyết, người Mỹ cũng không công nhận những hòn đảo đó nằm trong lãnh hải của Trung Quốc.

Cho đến cuối nhiệm kỳ của ông Obama thì chính sách đó mới được duyệt. Và bây giờ, dưới thời của ông Trump thì chính sách đó được thực hiện mạnh mẽ hơn. Một hành động khác của ông Trump quyết liệt hơn với Trung Quốc bằng cách đưa lực lượng quân sự của Mỹ lên đảo Đài Loan.

Một động thái khác là Bộ Quốc phòng Mỹ lên tiếng với Trung Quốc về những hành động quân sự trên biển Đông là vi phạm luật pháp quốc tế. Nhưng theo tôi, nó không tác động gì nhiều đến chính sách của Trung Quốc trên biển Đông.

Hiện nay Trung Quốc là “ông kẹ” trên biển Đông rồi, các quốc gia có tranh chấp chủ quyền trên biển Đông rõ ràng yếu hơn về tiềm lực quân sự so với Trung Quốc.

Điều mà Trung Quốc muốn là họ sẽ đàm phán với từng quốc gia riêng lẻ về tranh chấp chủ quyền trên biển Đông nhằm dễ bề “chia để trị”.

Theo quan điểm của tôi thì các quốc gia trong khu vực cần cùng lên tiếng và thành lập một khối chung, có tiếng nói chung để đối đầu với Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh hải. Đó cũng chính là điều Trung Quốc lo sợ nhất.

Trung Quốc luôn sẽ đẩy mạnh việc bành trướng trên Biển Đông. Một ví dụ rất cụ thể là việc họ xây đảo nhân tạo, tiếp theo là tiến hành quân sự hóa các đảo. Hiện tại Trung Quốc cũng đã xây dựng sân bay trên các đảo.

Trung Quốc đang có nhiều chiến lược lâu dài, Biển Đông chỉ là bước khởi đầu. Những kế hoạch của Trung Quốc đều ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu. Ví dụ Trung Quốc đang giúp cho Pakistan xây dựng một hải cảng. Điều đó đồng nghĩa với việc tạo điều kiện cho họ có mặt ở đây. Và họ cũng đang thực hiện chiến lược tương tự trên nhiều quốc gia khác.

Một động thái khác trong chính sách gây ảnh hưởng của Trung Quốc trên phạm vi toàn cầu là thông qua Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Ở LHQ, mỗi quốc gia dù nhỏ hoặc lớn đều có quyền bỏ một lá phiếu. Việc Trung Quốc đầu tư nhiều tỉ đô la vào các quốc gia khác nhau là nhằm mua chuộc những lá phiếu ủng hộ họ.

Tôi vô cùng lo lắng vì chính sách tôi vừa nói của Trung Quốc có thể sẽ kéo dài. Bởi vì vừa qua, Quốc hội Trung Quốc thông qua đề xuất sửa đổi hiến pháp, bao gồm xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ với chức danh chủ tịch nước và phó chủ tịch nước, qua đó nhà lãnh đạo Tập Cận Bình chính thức được trao cơ hội để có thể tiếp tục nắm quyền lâu dài.

Điều quan trọng là tôi mong Việt Nam nhanh chóng nhận ra Trung Quốc đang chơi một ván bài có nhiều mặt. Biển Đông là một mặt trong số đó và còn rất nhiều mặt khác đang diễn ra ở nhiều nơi.

* Thưa ông, trong lúc Trung Quốc đang cố gây ảnh hưởng lớn trên biển Đông thì chính quyền Mỹ đang bày tỏ ý định rút quân khỏi châu Á, cụ thể là Nhật Bản và Hàn Quốc. Điều này gây ra lo lắng cho các đồng minh của Mỹ ở khu vực này. Ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

- Điều nay liên quan đến việc giải giới vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Nếu như ông Trump thành công trong việc đàm phán với Triều Tiên về việc quốc gia này ngừng toàn bộ chương trình hạt nhân của họ thì Triều Tiên không còn là mối đe dọa như trước nữa. Việc không duy trì lực lượng quân sự ở Hàn Quốc và Nhật Bản là hợp lý.

Sau chiến tranh thế giới thứ 2, Nhật Bản có cam kết là chỉ dùng quân đội để phòng vệ mà thôi. Chính vì vậy họ phải dựa vào lá chắn hạt nhân của Mỹ ở châu Á. Cho đến nay người Nhật đã thay đổi, họ mạnh lên rất nhiều và có thể tự bảo vệ mình.

Tôi nghĩ việc Mỹ rút quân ra khỏi Nhật Bản không đáng lo ngại hơn việc rút quân khỏi Hàn Quốc, tôi cho rằng mối nguy về hạt nhân của Triều Tiên sẽ không thay đổi.

Mỹ đang đóng quân ở nhiều nơi, sẽ tiêu tốn rất nhiều chi phí quốc phòng. Việc ông Trump cho rút quân khỏi Nhật và Hàn Quốc nhằm cắt giảm một phần chi phí đó.

Mọi thứ còn phải chờ kết quả Triều Tiên có quyết định hủy các chương trình vũ khí hạt nhân hay không. Mối đe dọa không chỉ từ Triều Tiên mà còn có cả Iran nữa.

* Còn đối với các toan tính quân sự của Trung Quốc ở châu Á thì theo ông Mỹ sẽ đưa ra chính sách gì ?

- Người Trung Quốc dường như khá rõ về sự do dự của Mỹ trong việc đưa ra các chính sách đối với họ dưới thời ông Obama. Nhưng đến nay với Tổng thống Trump thì khác, ông Trump sẽ quyết liệt hơn. Trung Quốc đang trong giai đoạn thăm dò những chính sách của Mỹ đối với họ trong nhiệm kỳ ông Trump. Do vậy, Trung Quốc chỉ từng bước đưa ra những hành động nhỏ để nắm phản ứng của Mỹ.

* Việc Mỹ rút khỏi hiệp định thương mại TPP khiến cho nhiều nước châu Á cảm thấy lo ngại. Họ cho rằng chính quyền Mỹ chỉ chú trọng bảo vệ lợi ích của họ và không chia sẻ lợi ích với các đồng minh ở châu Á. Ông nghĩ sao về quan điểm này?

- Khi nhậm chức tổng thống Mỹ, ông Donald Trump đưa ra khẩu hiệu: “Làm cho nước Mỹ trở lại vĩ đại”. Với khẩu hiệu đó, ông Trump muốn cho cả thế giới biết rằng các quốc gia còn lại phải có trách nhiệm với chính họ. Một ví dụ dễ thấy nhất là ông Trump đang cắt giảm những chi phí cho NATO, bởi trong các khoản đóng góp cho khối này, Mỹ là nước đứng đầu. Chính vì vậy, ông Trump đưa ra chính sách rút khỏi những hiệp định thương mại hoặc những khoản đầu tư không cần thiết cho các nước khác để giúp Mỹ an toàn hơn về tài chính. Khi nước Mỹ trở lại vĩ đại, thì các quốc gia đồng minh cũng phải tự có trách nhiệm với chính mình.

* Mỹ và Trung Quốc đang khai chiến trên mặt trận thương mại. Với vai trò một nhà quan sát, một cây viết bình luận chính trị quân sự hàng đầu trên các trang báo Mỹ, ông có nghĩ rằng cuộc chiến đó có ảnh hưởng gì đến tình hình trên biển Đông hiện nay?

- Cuộc chiến thương mại cũng chỉ là một trong nhiều cuộc chiến khác giữa Mỹ và Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng, Tổng thống Trump đang tìm nhiều cách để đối đầu với Trung Quốc, ví dụ Mỹ đang làm việc với Đài Loan để cho phép Mỹ đưa quân tới hòn đảo này. Hành động đó giống như ông Trump đang gửi một thông điệp cho Trung Quốc là Mỹ luôn sẵn sàng.

* Trong tương lai, ông có dự định viết một cuốn sách nào khác liên quan đến chủ đề Việt Nam không? Nếu có, xin ông chia sẻ một số thông tin?

- Hiện tại, lịch làm của tôi khá bận rộn. Mỗi tuần tôi phải viết nhiều bài báo cho nhiều tờ báo ở Mỹ. Chính vì vậy, tôi không đủ thời gian để vừa viết báo và viết sách. Tuy nhiên tôi đang có một vài ý tưởng. Hy vọng trong thời gian tới tôi sẽ viết một cuốn sách về Việt Nam

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

James G. Zumwalt xuất thân trong một gia đình có truyền thống binh nghiệp. Cha ông là Đô đốc Elmo R. Zumwalt, Tư lệnh hải quân Mỹ tại Việt Nam và sau này là Tham mưu trưởng hải quân Mỹ. Trong vai trò chỉ huy hải quân Mỹ tại Việt Nam, bắt đầu vào năm 1968, tư lệnh Elmo Zumwalt đã phát động chiến dịch rải chất độc da cam dọc các bờ sông ở miền Nam để lại hậu quả nặng nề cho đất nước và người dân. Nhiều chiến binh Mỹ trở về từ cuộc chiến cũng bị phơi nhiễm chất độc này, trong đó có người con trai cùng tên Elmo R. Zumwalt III của ông - qua đời năm 1988 vì ung thư. Sau chiến tranh, đô đốc Zumwalt đã trở lại Việt Nam để thúc đẩy các hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh. Ông cũng là người ủng hộ quyết định bình thường hóa quan hệ Mỹ - Việt của Tổng thống Bill Clinton.

Bản thân James G.Zumwalt là một nhà quan sát, một cây viết bình luận chính trị quân sự hàng đầu trên các trang báo Mỹ. Ông cũng là tác giả của cuốn sách Chân trần, chí thép gây chấn động dư luận Việt Nam và Mỹ khi sách xuất bản vào tháng 8.2011. Trong quá khứ James G.Zumwalt từng là Trung tá Thủy quân Lục chiến Mỹ tham chiến tại Việt Nam.

Anh Tú - Tiểu Vũ - Tú Viên (thực hiện)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
8 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cựu binh Mỹ James G.Zumwalt nói về việc mua bản quyền sách Gạc Ma - Vòng tròn bất tử