Hội đồng xét xử cho biết bị cáo Nguyễn Văn Minh hiện già yếu nên được cho phép ngồi khi khai báo.

Cựu Chủ tịch Tổng công ty 3/2 già yếu, được ngồi khi khai tại tòa

Nhã Thanh | 15/08/2022, 09:36

Hội đồng xét xử cho biết bị cáo Nguyễn Văn Minh hiện già yếu nên được cho phép ngồi khi khai báo.

Ngày 15.8, TAND TP.Hà Nội mở phiên tòa xét xử cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam và 27 đồng phạm trong vụ án kinh tế, tham nhũng xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương TNHH một thành viên (Tổng công ty 3/2).

tran-thanh-liem(1).jpg
Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 20 ngày - Ảnh: T.A (chụp màn hình)

Vắng mặt 2 bị cáo

Trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm và 20 bị cáo khác bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

3 bị cáo bị truy tố về tội “Tham ô tài sản”, gồm Võ Hồng Cường (Chủ tịch HĐQT Công ty Hưng Vượng), Trần Đình Như Ý (Chủ tịch HĐTV Công ty Phát Triển), Nguyễn Thục Anh (con gái bị cáo Nguyễn Văn Minh).

3 bị cáo bị truy tố cả 2 tội danh trên, gồm Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương), Trần Nguyên Vũ (Tổng giám đốc Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương) và Huỳnh Thanh Hải (Phó tổng giám đốc Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương).

toan-canh.jpg
Các bị cáo tại phiên tòa - Ảnh: T.A (chụp màn hình)

Thực hành quyền thực hành công tố tại phiên tòa là 4 kiểm sát viên thuộc Viện KSND TP.Hà Nội. Tính đến thời điểm hiện tại đã có gần 60 luật sư bào chữa cho các bị cáo, bảo vệ cho những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

Trong vụ án này, TAND TP.Hà Nội xác định bị hại là Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (CTCP). Những đơn vị có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, bao gồm Tỉnh ủy Bình Dương, Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương, UBND tỉnh Bình Dương, Sở Tài chính tỉnh Bình Dương, Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Bình Dương…

Trong phần làm thủ tục phiên tòa, HĐXX cho biết bị cáo Đỗ Thị Thanh Thúy (cựu Kế toán trưởng Tổng công ty 3/2) có đơn xin vắng mặt tại phiên tòa vì mới sinh con. Bị cáo Phạm Văn Cành có đơn xin xét xử vắng mặt vì sức khỏe yếu.

Ngoài ra, luật sư Đinh Anh Tuấn (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đại Dương - đề nghị triệu tập Phó thủ trưởng cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương, ông Vũ Minh Sang (cựu Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Dương).

Để đảm bảo quyền tiếp cận hồ sơ bào chữa của các bị cáo, các luật sư mong HĐXX cho phép bị cáo được tiếp cận ý kiến bào chữa của luật sư sau khi đã được gửi công khai đến VKS và HĐXX.

Theo ý kiến của VKS, vì phiên tòa diễn ra nhiều ngày, nếu HĐXX thấy cần thiết có thể tiến hành tiếp tục triệu tập.

hdxx.jpg
Chủ tọa phiên tòa đọc quyết định đưa vụ án ra xét xử - Ảnh: T.A (chụp màn hình)

Gây thất thoát hơn 761 tỉ đồng

Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương (còn có tên Tổng công ty 3/2) là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, do Tỉnh ủy Bình Dương làm chủ sở hữu. Tất cả tài sản của tổng công ty được giao quản lý, sử dụng đều thuộc sở hữu nhà nước, do vậy toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty 3/2 phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật hiện hành đối với doanh nghiệp nhà nước.

Phó chủ tịch UBND tỉnh ký ban hành Quyết định số 2631/QĐ-UBND và Quyết định số 48/QĐ-UBND về việc giao khu 43ha và 145ha cho Tổng công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương theo hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất. Theo quy định của pháp luật về đất đai, giá đất để thu tiền sử dụng đất đối với Tổng công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương được áp dụng tại thời điểm giao đất nêu trên.

dan-giai.jpg
Các bị cáo được dẫn giải tới phiên tòa

Tuy nhiên, các bị cáo tại Cục Thuế tỉnh Bình Dương và các bị cáo thuộc Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương đã tham mưu, đề xuất cho áp dụng đơn giá là 51.914 đồng/m2 theo Quyết định số 5853/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Dương ban hành từ ngày 27.12.2006 để tính thu tiền sử dụng đất đối với Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương.

Theo cáo trạng, bị cáo Trần Văn Nam, khi đó là Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương với chức trách, nhiệm vụ được phân công biết rõ nội dung đề xuất áp đơn giá đất bình quân năm 2006 để thu tiền sử dụng đất theo các quyết định giao đất năm 2012 và 2013 là trái với quy định của pháp luật, vẫn ký ban hành công văn về việc thu tiền sử dụng đất cho Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương, cùng các bị cáo nêu trên đã gây thất thoát cho Nhà nước hơn 761 tỉ đồng.

z3643959211402_0b7998585224c91b9515dafe65cc547d(1).jpg
Bị cáo Nguyễn Văn Minh được dẫn giải tới tòa

Đưa công ty sân sau vào thực hiện dự án

Cũng theo cáo trạng, trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, bị cáo Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch HĐQT Tổng công ty 3/2) với động cơ vụ lợi đã sắp xếp đưa một công ty do mình làm chủ tịch và một công ty của con gái tham gia liên doanh thực hiện dự án tại khu đất 145ha.

VKS xác định Nguyễn Văn Minh đã cố ý vi phạm các quy định pháp luật, vi phạm điều lệ, quy chế quản lý tài chính; không thực hiện việc định giá các khu đất này theo quy định mà tự ý định giá nhằm phục vụ cho mục đích chuyển nhượng trái phép các dự án đầu tư trên các khu đất, không dựa trên cở sở pháp lý nào, không có báo cáo và không được Tỉnh ủy Bình Dương phê duyệt.

Ngoài ra, với mục đích tạo nguồn tiền để hoàn ứng khoản tiền lớn do đã sử dụng trước đó trái nguyên tắc tài chính, và tạo điều kiện cho 2 công ty sân sau có quyền lợi của cá nhân và người thân trong gia đình, Nguyễn Văn Minh đã ban hành chủ trương, quyết định và chỉ đạo cùng các bị cáo, trong đó có Nguyễn Thục Anh (con gái của bị cáo Minh) thực hiện hành vi chiếm đoạt hơn 815 tỉ đồng, gây thiệt hại cho Tổng công ty 3/2.

Bài liên quan
Phiên tòa xét xử cựu Bí thư Bình Dương Trần Văn Nam sẽ diễn ra trong 20 ngày
TAND TP.Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam cùng 27 bị cáo khác vào ngày 15.8 tới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
9 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cựu Chủ tịch Tổng công ty 3/2 già yếu, được ngồi khi khai tại tòa