Ông John Kerry cho biết Việt Nam có thể tiết kiệm hàng chục tỉ USD và làm cho dân chúng hạnh phúc hơn. Việt Nam đang có vị trí thuận lợi để phát triển năng lượng sạch hơn bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ J.Kerry: Nên nhanh chóng từ bỏ nhiệt điện than

Trí Lâm | 11/01/2018, 14:14

Ông John Kerry cho biết Việt Nam có thể tiết kiệm hàng chục tỉ USD và làm cho dân chúng hạnh phúc hơn. Việt Nam đang có vị trí thuận lợi để phát triển năng lượng sạch hơn bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới.

          

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2018 đang diễn ra tại Hà Nội sáng nay 11.1, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết năm 2007 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 18 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó nhấn mạnh cần quan tâm phát triển năng lượng sạch, phát triển năng lượng mới, năng lượng tái tạo và phát triển năng lượng gắn chặt với bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo phát triển năng lượng bền vững.

Ông Bình cho rằng để vượt qua giai đoạn thách thức nhập siêu năng lượng cần có giải pháp căn cơ để giảm dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, nhất là dầu khí. Theo đó, việc đa dạng hóa hệ thống năng lượng phải dựa vào nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới và song song với phát triển hạ tầng năng lượng cần đẩy mạnh phát triển năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.

Theo ông Bình, các nguồn nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt là nguồn năng lượng không tái tạo, việc sử dụng nhiều năng lượng hóa thạch làm gia tăng hiệu ứng nhà kính diễn biến khí hậu gây ô nhiễm môi trường nên việc nghiên cứu và đưa vào sử dụng các nguồn năng lượng xanh thay thế có khả năng tái tạo như năng lượng gió, mặt trời, điện nhiệt hay sinh khối là nhu cầu tất yếu.

“Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển ngành này nhờ bờ biển dài, khí hậu nhiệt đới gió mùa, cường độ bức xạ mặt trời lớn, nhiều cánh đồng gió tiềm năng… Để phát huy được cần sớm có cơ chế chính sách mang tính đột phá, đón đầu, nâng tỷ lệ sử dụng năng lượng xanh…" .

Ông John Kerry, cựu Ngoại trưởng Mỹ, Chủ tịch danh dự Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie cho rằng năng lượng của Việt Nam vẫn phụ thuộc vào than đá, nhưng than đá là một trong những tài nguyên bẩn nhất, gây tác động tiêu cực cho thế giới. Ví dụ như Hà Nội năm 2017 đã có ngày ô nhiễm không khí ở dưới chuẩn quốc tế và Việt Nam đã có hơn 23.000 người mắc các bệnh hô hấp, ung thư và bệnh phổi… do ô nhiễm gây ra.

"Việt Nam hiện có tới 26 nhà máy điện than, 45% tổng năng lượng của Việt Nam là nhiệt điện than, khí, nhưng đây là năm 2018 rồi, Việt Nam không thể sử dụng nguồn lực này 30 năm nữa khi thế giới đang quay lưng lại. Trong khi đó, Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi về bức xạ mặt trời lớn, gió và sinh khối. Nếu Việt Nam gia tăng sử dụng điện than, tôi cho rằng đây không phải là quyết định thông thái”, ông John Kerry nói.

Cựu ngoại trưởng cũng cho rằng năng lượng than đá không phải là rẻ so với mặt trời, sức gió và sinh khối bởi nó kéo theo chi phí về giao thông vận tải, đất đai, tác động tiêu cực đến cộng đồng, không khí... “Trung Quốc đang là quốc gia lớn nhất về phát triển kinh tế năng lượng mặt trời, họ thoái lui và tránh xa điện than trong những năm vừa rồi. Các nước trong khu vực như Malaysia, Indonesia, Ấn Độ cũng phát triển năng lượng tái tạo của họ gấp đôi vào năm 2022”.

Ông John Kerry cho biết Việt Nam có thể tiết kiệm hàng chục tỉ USD và làm cho dân chúng có thể hạnh phúc hơn. Việt Nam đang có vị trí thuận lợi để phát triển năng lượng sạch hơn bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới.

“Một nhà máy nhiệt điện than cần 6 năm để xây dựng, trong khi điện mặt trời chỉ cần 1 năm để triển khai”, ông John Kerry nói và cho rằng Việt Nam cần cân nhắc bài toán kinh tế toàn diện.

“Tôi biết các nhà lãnh đạo Việt Nam hướng đến năng lượng mặt trời, tuy nhiên chìa khóa đầu tư, cơ chế tài chính như thế nào thì cần có kế hoạch rõ ràng. Chúng ta cần chấp nhận năng lượng tái tạo. Đây không phải là sự lựa chọn dễ dàng, nhưng nó không có gì ghê gớm cả mà nó là cách đơn giản, bảo vệ con người, môi trường để Việt Nam tốt hơn”, ông Kerry nói.

Đề cập việc Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, ông John Kerry nhấn mạnh nhiều thống đốc bang đã đưa ra những tuyên bố khác hẳn với Tổng thống Mỹ. “Cam kết ở cấp độ địa phương, họ khẳng định không rút khỏi các cam kết của Hiệp định Paris và còn làm tất cả một cách có trách nhiệm với mọi người dân thế giới”.

Theo ước tính của ông Kerry, tính đến nay Mỹ đã thiệt hại khoảng 350 tỉ USD do thiên tai, hàng trăm tỉ USD chi trả cho vấn đề ứng phó liên quan đến môi trường, biến đổi khí hậu.

Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương chia sẻ Việt Nam đang xây dựng thêm nhiều nhà máy điện than, nhưng với tư duy cởi mở, Việt Nam có thể điều chỉnh cần thiết với xu thế phát triển công nghệ tái tạo, năng lượng tái tạo để cùng quốc tế bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu vì Việt Nam vốn là nước nhạy cảm với biến đổi khí hậu và đang rất quan tâm đến vấn đề này.

Hoài Phong

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
3 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cựu Ngoại trưởng Mỹ J.Kerry: Nên nhanh chóng từ bỏ nhiệt điện than