Nhồi máu cơ tim cấp nặng có tỉ lệ tử vong rất cao và đặc biệt khi có biến chứng ngừng tuần hoàn.

Cứu sống cụ bà U80 đã ngưng tim từ tuyến trước

Phong Phạm | 14/05/2021, 11:43

Nhồi máu cơ tim cấp nặng có tỉ lệ tử vong rất cao và đặc biệt khi có biến chứng ngừng tuần hoàn.

Thời gian vừa qua Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ (BVĐKTƯCT) đã tiếp nhận nhiều trường hợp nhồi máu cơ tim cấp có biến chứng sốc tim, ngừng tuần hoàn. Và với sự phối hợp cấp cứu của các khoa trong bệnh viện đã mang lại cuộc sống mới cho người bệnh bằng sự chính xác, quyết đoán và năng lực chuyên môn của đội ngũ nhân viên y tế và sự cấp cứu ban đầu tốt của tuyến trước.

benh-nhan-on-dinh-tiep-xuc-tot-.jpg
Bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch - Ảnh: Phong Phạm

Mới đây nhất, các bác sĩ của BVĐKTƯCT đã cứu sống bệnh nhân nữ 78 tuổi ngưng tim từ tuyến trước do nhồi máu cơ tim cấp với tình trạng rất nặng. Đặc biệt bệnh nhân không có di chứng thần kinh sau cấp cứu ngừng tim. Bệnh nhân là bà L.T.B. (78 tuổi, ở Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh). Bà đang ở Vĩnh Long thì đột ngột đau ngực, mệt, khó thở và được đưa vào bệnh viện địa phương trong tình trạng ngưng tuần hoàn - hô hấp, tím tái toàn thân.

Bệnh nhân được tiến hành cấp cứu hồi sinh tim phổi thành công. Nhưng nhận thấy tình trạng bệnh nặng, vượt khả năng chuyên môn nên bệnh viện bên Vĩnh Long đã chuyển bệnh nhân đến BVĐKTƯCT cấp cứu vào lúc sáng 30.4. Khi đó bệnh nhân vẫn trong tình trạng rất nặng, mê, suy hô hấp phải thở máy, huyết áp thấp phải sử dụng vận mạch liều cao. Bệnh nhân được hồi sức tích cực với chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp biến chứng ngưng tim ngưng thở, đái tháo đường tuýp 2, toan chuyển hoá nặng. Sau hồi sức tích cực bệnh nhân được chỉ định chụp và can thiệp mạch vành cấp cứu.

Ê-kíp can thiệp do BS.CK1 Nguyễn Văn Nhiệm, BS Dương Hoàng Mẫn - khoa Tim mạch can thiệp đảm trách đã tiến hành hút huyết khối, can thiệp 1 stent động mạch vành phải với thời gian 30 phút. Chụp kiểm tra lại sau can thiệp: dòng chảy qua stent tốt. Nhưng sau can thiệp tình trạng bệnh nhân vẫn còn rất nặng nên được chuyển đến khoa Hồi sức tích cực - Chống độc để hồi sức nội khoa.

hinh-anh-dong-mach-vanh-phai-ban-tac-doan-gan-.jpg
dong-mach-vanh-phai-tai-thong-tot-sau-can-thiep.jpg
Hình ảnh động mạch vành trước và sau can thiệp - Ảnh: Phong Phạm

Quá trình hồi sức diễn ra rất khó khăn, bệnh nhân bị phù phổi, viêm phổi nặng, toan chuyển hóa, suy thận. Nhưng bằng năng lực chuyên môn và với những nỗ lực cao nhất, sau 12 ngày điều trị bệnh nhân đã ngưng được máy thở, các dấu hiệu sinh tồn ổn định và chuyển đến khoa Tim mạch can thiệp điều trị tiếp. Hiện bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, sinh tồn ổn, bớt đau ngực.

Theo BS.CK2 Phạm Thanh Phong- Phó giám đốc chuyên môn kiêm Giám đốc Trung tâm Tim mạch của BVĐKTƯCT: “Tỉ lệ ngừng tim đột ngột chiếm 15 % trên tổng số các trường hợp tử vong ở các nước phát triển. Với những bệnh nhân bị ngừng tim, dù cấp cứu ngừng tim thành công, tim đập trở lại, phục hồi được mạch huyết áp thì tỉ lệ sống sót cũng chỉ dưới 10 % - ngay cả những nước có hệ thống y tế hiện đại.

Một trường hợp ngưng tim luôn đặt ra rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết cho người bác sĩ tiếp nhận trong một khoảng thời gian rất hạn chế. Thứ nhất cần phải đánh giá nhanh và chính xác tình trạng của người bệnh sau một thời gian ngưng tim, tránh sự chậm trễ trong cấp cứu. Đồng thời, việc nhanh chóng tìm ra nguyên nhân ngưng tim cũng giúp ích rất nhiều trong việc điều trị đặc hiệu, nâng cao tỉ lệ sống sót. Các nguyên nhân thường gặp nhất bao gồm nhồi máu cơ tim cấp, bệnh cơ tim, rối loạn nhịp”.

Đối với các bệnh nhân được cứu sống sau ngừng tuần hoàn thường để lại di chứng tổn thương não rất nặng nề. Mức độ nhẹ là mất trí nhớ, liệt nửa người, co giật, động kinh. Mức độ nặng là liệt toàn thân, nằm tại chỗ, hôn mê (sống thực vật). Hậu quả sẽ làm tăng gánh nặng chăm sóc, chi phí lên gia đình và xã hội.

Theo BS Phong, bệnh nhân B. hiện không có di chứng thần kinh cho thấy kỹ thuật cấp cứu ngừng tuần hoàn đã được thực hiện tốt đã giúp cho đảm bảo tuần hoàn tối thiểu duy trì sự sống của các tạng. Việc cứu sống thành công bệnh nhân do nhiều yếu tố: sự phối hợp nhanh chóng, chặt chẽ giữa khoa Cấp cứu, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc và khoa Tim mạch can thiệp.

Một hệ thống liên hoàn cùng trình độ chuyên nghiệp đã mang lại những kết quả tốt đẹp dành cho người bệnh và gia đình họ. Và quan trọng không kém là cấp cứu ban đầu tốt, quyết định chuyển viện chính xác, nhanh chóng, bảo đảm an toàn trong lúc chuyển viện của tuyến trước.

Các bác sĩ khuyến cáo mọi người nói chung, đặc biệt người bệnh có tiền sử bệnh tim, khi xuất hiện đau tức ngực, khó thở cần đến ngay những cơ sở y tế khám, điều trị kịp thời. Cần đi khám tim định kỳ để phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh, có hướng điều trị, tránh các biến chứng nặng.

Bài liên quan
Cứu sống 2 bệnh nhân bị bệnh hiếm gặp chồi bướu thận xâm lấn đường dẫn máu về tim
Cả hai bệnh nhân có chồi bướu chít hẹp tĩnh mạch chủ cản trở máu về tim. Các bác sĩ đánh giá bệnh nhân khó có khả năng sống sót qua 2 tuần.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
3 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cứu sống cụ bà U80 đã ngưng tim từ tuyến trước