Báo Guardian ngày 7.4 đưa tin ông Luiz Inacio Lula da Silva, cựu Tổng thống Brazil cố thủ trong một trụ sở công đoàn ngành luyện kim, không chịu trình diện cảnh sát để thụ án 12 năm tù vì tội tham nhũng.
Ngày 5.4, thẩm phán Liên bang Sergio Moro đã phát lệnh bắt ông Lula (ông cho phép dùng tên tắt này) và trát bắt buộc ông phải trình diện cảnh sát thành phố Curitiba trong vòng 24 giờ, tức trước 17 giờ ngày 6.4 (3 giờ sáng 7.4, giờ Việt Nam).
Án tù 12 năm vì ông Lula nhận hối lộ là căn hộ cao cấp
Trong phán quyết, Thẩm phán Moro quyđịnh rõ không được còng tay ông Lula, và phải có một xà lim để nhốt riêng ông ở Curitiba, nơi xét xử ông Lula hồi năm 2017về việc ông “ăn hối lộ” 1,1 triệu USD, cụ thể là nhận một căn hộ hạng sang ở khu bãi biển ngoại ô Sao Paulo, và chi phí nâng cấp tòa nhà này rất cao, do công ty xây dựng OAS trả để hối lộ, đổi lại việc ông giúp OAS trúng những quả thầu với Tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras.
Cùng ngày 5.4, Tòa án Tối cao Brazil đã bác đề nghị của ông Lula là được tự do cho đến khi đơn kháng cáo của ông hết hiệu lực, mở đường cho việc bắt ông Lula.
Nhưng ông Lula cố thủ trong trụ sở công đoàn luyện kim ở thành phố Sao Paolo, có hàng trăm người ủng hộ nhiệt tình bảo vệ ông. Thủ lĩnh công đoàn ngành luyện kim Jorge Nazareno nói: “Chúng tôi ở đây để chứng minh giai cấp công nhân sẽ chống cự vụ tấn công vào nền dân chủ”.
Ông Lula, 72 tuổi, không phát biểu trước người ủng hộ, gần 24 giờ sau khi ông đến trụ sở này, nhưng ông xuất hiện ngoài cửa sổ để vẫy chào. Đây là nơi ông từng bắt đầu sự nghiệp chính trị hồi gần 40 năm trước, khi ông lãnh đạo các cuộc đình công toàn quốc, giúp kết thúc chế độ độc tài quân sự (từ năm 1964-1985).
Như vậy là một cuộc đối đầu với chính quyền, có thể kéo dài qua hết tuần này. Cảnh sát Sao Paolo từ chối cho biết họ có tính chuyện xông vào trụ sở bắt ông Lula hay không. Hành động này có thể kích động ẩu đả giữa cảnh sát với người ủng hộ ông. Căng thẳng đã leo thang khi các cuộc biểu tình phản đối và ủng hộ ông Lula diễn ra trên khắp Brazil. Tại thành phố Sao Paulo (lớn nhất Brazil) cũng như tại Rio de Janeiro, hàng ngàn người đã xuống đường biểu tình ủng hộ việc thi hành án đối với ông Lula.
Các cuộc đàm phán giữa cảnh sát liên bang với nhóm trợ lý của ông Lula vẫn được tiến hành, nhằm thu xếp để ông đầu hàng, theo hai người biết chuyện cho Guardian biết. Họ yêu cầu giấu tên và nói ông sẽ không trình diện trước ngày 7.4.
Thủ lĩnh Gleisi Hoffman của đảng Công nhân nói ông Lula sẽ dự lễ sáng 7.4 tại trụ sở công đoàn, để kỷ niệm ngày sinh của người vợ quá cố Marisa. Ông phủ nhận tin ông đàm phán để vị cựu thủ lĩnh của đảng nộp mình với cảnh sát.
Nhóm bảo vệ ông Lula ra thông báo, cho biết họ đã gởi đơn đến Ủy ban nhân quyền LHQ, đề nghị các biện pháp tạm thời để chặn trát bắt. Đơn cáo buộc có sự thiên vị và vi phạm quyền suy đoán vô tội của ông Lula. Họ nói vụ xét xử cựu Tổng thống đã được phán quyết nhanh hơn bất kỳ vụ xét xử nào khác.
Các vụ xét xử này liên quan chiến dịch chống tham nhũng “Rửa xe” do Thẩm phán Moro chỉ huy. Hàng chục chính khách và lãnh đạo doanh nghiệp từ lâu được cho là “đứng trên pháp luật” vì từng được miễn truy tố hình sự khi họ tham nhũng.
Người chống ông Lula hoan nghênh phán quyết của Tòa án tối cao liên bang, ca ngợi đó là một thắng lợi trước nạn tham nhũng và nạn miễn trừ xét xử các chính khách tham nhũng.
Nhưng người ủng hộ ông Lula lên án phán quyết bỏ tù ông Lula là tấn công vào nền dân chủ. Đêm trước khi có phán quyết, một tướng Brazil viết Twitter, xem ra dọa nạt Tòa án tối cao liên bang. Lời lẽ của ông tướng khiến nhiều người bị sốc, vì Brazil đã từng có quá khứ 20 năm sống dưới chế độ độc tài quân sự.
"Kế hoạch A, B, C đều là Lula"
Phán quyết mới nhất của Tòa án tối cao liên bang đã cắt đứt hy vọng tái tranh cử tổng thống của ông Lula, vốn sẽ tổ chức vào tháng 10.2018. Cánh tả không có ứng cử viên nổi bật nào để nắm lại quyền lực, tiếp sau sự mất uy tín của đương kim Tổng thống Michel Temer.
Theo luật bầu cử Brazil, một ứng viên bị cấm làm tổng thống trong 8 năm, sau khi bị tuyên phạm tội hình sự. Trong quá khứ rất hiếm có ngoại lệ, và nếu ông Lula chính thức nộp đơn tranh cử, thì Tòa án tối cao liên bang sẽ có quyền quyết định cuối cùng.
Khi ông Lula đã bị loại, cơ hội trúng cử sẽ tăng cho một ứng cử viên nào ủng hộ kinh tế thị trường, theo các nhà phân tích và các đối thủ chính trị của ông.
Nhưng chuyên gia an toàn lao động Cassio Goncalves thuộc Công đoàn luyện kim nói ông và các đảng viên Xã hội không có giải pháp thay thế trong cuộc chạy đua vào chức tổng thống Brazil: “Chúng tôi không có phương án nào khác. Kế hoạch A, B,C đều là Lula, vì ông ấy vô tội. Ông ấy sẽ là tổng thống của chúng tôi”.
Các thăm dò dư luận cho thấy ông Lula vẫn còn được lòng dân, và số người được hỏi nói bản án buộc tội ông tham nhũng chỉ nhằm ngăn không cho ông tham gia cuộc bầu cử tổng thống.
Ông Lula từng là công nhân xí nghiệp hoạt động công đoàn có uy tín, và phong cách bình dân, dễ gần của ông cùng những diễn văn hùng hồn đã giúp lòng dân hứng khởi, giúp ông thắng 2 nhiệm kỳ tổng thống (từ năm 2003 đến năm 2011).
Ở vai trò lãnh đạo, ông Lula có công chuyển đổi nền kinh tế Brazil khi ông làm tổng thống (2003-2010), giúp hàng triệu người nghèo lên đời thành giai cấp trung lưu. Ông mãn nhiệm với tỉ lệ tín nhiệm cao “chọc trời” 83 %, theo chữ của Reuters. Ông còn được cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama ca ngợi là “chính khách bình dân nhất trái đất”.
Bích Ngọc (theo Reuters)