Tình hình dịch bệnh bạch hầu đang diễn biến rất phức tạp tại các tỉnh miền Trung và Tây nguyên, số địa phương và số ca mắc bạch hầu liên tục gia tăng. Điều này không chỉ khiến cho ngành y tế mà người dân cũng cảm thấy rất lo lắng, bất an…
Bệnh bạch hầu bùng phát, Bộ Y tế ra công điện khẩn
Mở chiến dịch tiêm chủng diện rộng để ngăn chặn bệnh bạch hầu tại 4 tỉnh Tây Nguyên
Người mắc bệnh bạch hầu xin về nhà chờ... chết vì không được bảo hiểm y tế
Sau ca tử vong, Gia Lai phát hiện thêm 9 trường hợp mắc bệnh bạch hầu
3 người chết, 68 người mắc bệnh
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) tính tới ngày 8.7, tại khu vực Tây Nguyên ghi nhận 68 ca dương tính với bạch hầu. Đắk Lắk là tỉnh mới nhất ghi nhận ca mắc đầu tiên. Trong số các tỉnh có ca mắc bạch hầu, Đắk Nông là địa phương có số ca mắc cao nhất với 27 ca, kế đến là Gia Lai có 16 ca, Kon Tum có 24 ca; Đắk Lắk có1 ca.
Hiện đã ghi nhận 3 trường hợp tử vong. Đây là những người sống ở vùng sâu, vùng xa và là những ca bệnh mới xuất hiện lần đầu tại địa bàn (16 năm không xuất hiện ca bệnh bạch hầu) nhưng phát hiện muộn.
Đánh giá về tình hình bệnh bạch hầu hiện nay, bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia về dịch tễ học tại TP.HCM cho rằng dịch bệnh bạch hầu năm 2020 này không có gì đặc biệt hay khác thường so với các năm trước.
“Những năm 2018- 2019, các tỉnh miền Trung và Tây nguyên vẫn xuất hiện rải rác một vài ca bệnh bạch hầu. Tuy nhiên, năm 2020 này xuất hiện nhiều là do khi chúng ta phát hiện 1 ca mắc bạch hầu là lập tức xuống địa phương giám sát, cách ly, phếch hầu họng để làm xét nghiệm những trường hợp xung quanh và phát hiện nhiều người lành mang vi trùng. Đây không phải là những ca mắc bệnh bạch hầu, vì không có triệu chứng bệnh. Tuy nhiên, việc phát hiện những trường hợp người lành mang vi trùng chủ yếu là để giám sát, cách ly, tránh lây lan bệnh bạch hầu”, bác sĩ Khanh giải thích.
Theo bác sĩ Khanh, hiện nay bệnh bạch hầu đã thay đổi cấu trúc dịch tễ do trẻ em được chích ngừa, nên khả năng có vi khuẩn nhiều gây cho trẻ em không còn nữa. Trong khi đó, những trẻ lớn lên miễn dịch bị giảm xuống gặp phải cộng đồng tiêm ngừa thấp. Từ đó, 2 nhóm này lây qua lây lại và cuối cùng sẽ có người mắc bệnh bạch hầu.
Chính vì vậy, vấn đề hiện nay là cần phải tiêm nhắc lại vắc xin bạch hầu cho những trẻ lớn và người lớn. “Sau khi kết thúc tiêm mũi 3 vắc xin bạch hầu ở 18 tháng tuổi thì phải tiêm nhắc lại. Từ 4 tuổi đến 10 tuổi, cứ sau 5 năm phải tiêm nhắc 1 mũi; còn từ sau 10 tuổi thì cứ 10 năm tiêm nhắc lai 1 mũi. Với việc tiêm nhắc lại như trên sẽ đảm bảo miễn dịch lúc nào cũng đủ, không bị thiếu để có thể bị lây nhiễm bệnh bạch hầu”,bác sĩ Khanh cho biết.
Điều đáng lo ở bệnh bạch hầu, theo bác sĩ Khánh chính là triệu chứng rất dễ bị người bệnh bỏ qua, thường bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu chỉ bị sốt nhẹ và đau họng thoáng qua nên nhiều người không nghĩ đến bệnh này. Trong khi đó, bệnh bạch hầu biến chứng rất nhanh, có thể chỉ trong vòng 48 tiếng sau khi mắc bệnh đã bị biến chứng. Nguy hiểm nhất là biến chứng cơ tim, nhiễm độc, tổn thương đa cơ quan gây tử vong cao.
TS.BS Huỳnh Minh Tuấn – Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết, vi khuẩn bạch hầu lây truyền trực tiếp do hít phải chất tiết từ đường hô hấp của người bệnh (là các giọt nước nhỏ li ti phát ra từ đường hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện).Trong nhiều trường hợp khác, vi khuẩn trong chất tiết từ đường hô hấp của người bệnh có thể lây nhiễm và tồn tại trên bề mặt của các đồ vật xung quanh người bệnh từ vài ngày đến vài tuần; trong sữa, nước uống vi khuẩn sống đến 20 ngày; trong tử thi vi khuẩn sống được 2 tuần… Từ đó, vi khuẩn có thể lây nhiễm vào người lành và gây bệnh.Trong một số trường hợp hiếm gặp hơn, vi khuẩn có thể lây trực tiếp từ các sang thương trên da.Thời gian lây truyền từ cuối thời kỳ ủ bệnh hoặc ngay khi khởi phát bệnh, có thể kéo dài từ 2 đến 4 tuần.
“Bệnh bạc hầu là một bệnh rất nguy hiểm. Trong các thể bệnh nặng, người bệnh thường có tình trạng nhiễm khuẩn nhiễm độc rất nặng, ngoại độc tố bạch hầu ngoài gây tổn thương tại chỗ là giả mạc còn gây nhiễm độc thần kinh, viêm cơ tim, có thể dẫn đến tử vong trong vài ngày đến 1 tuần. Tỉ lệ tử vong từ 5 đến 10%..,”, bác sĩ Tuấn cho biết thêm.
Sẽ có khoảng 4,7 triệu người được tiêm vắc xin bạch hầu
Trước tình hình đó, chiều 9.7, Bộ Y tế đã tổ chức “Lễ phát động Chiến dịch tiêm vắc xin phòng chống dịch bạch hầu” tại 4 tỉnh Tây Nguyên. Đây là chiến dịch tiêm vắc xin phòng chống bệnh bạch hầu, trước hết thực hiện ở 4 tỉnh Tây Nguyên bao gồm Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông với đối tượng là tất cả những người từ 2 tháng tuổi trở lên. Theo đó, trẻ từ 2 tháng tuổi đến 18 tháng tuổi tiêm 1 mũi vắc xin 5 trong 1; trẻ từ 19 tháng tuổi đến 48 tháng tuổi tiêm 1 mũi vắc xin DPT ( bạch hầu, ho gà, uốn ván) và người từ 48 tháng tuổi trở lên tiêm 2 mũi vắc xin Td ( uốn ván, bạch hầu), mỗi mũi cách nhau 1 tháng.
GS.TS Nguyễn Thanh Long - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết để khẩn trương kiểm soát dịch bệnh bạch hầu tại khu vực Tây Nguyên; Bộ Y tế đã triển khai quyết liệt các biện pháp đáp ứng phòng chống dịch như: cử đội cơ động chống dịch xuống hỗ trợ địa phương, tăng cường giám sát, phát hiện các trường hợp bệnh, các trường hợp tiếp xúc, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc và điều trị dự phòng cho người dân trong khu vực có nguy cơ.
“Một trong biện pháp phòng chống dịch bạch hầu hiệu quả nhất và căn cơ nhất đó là tiêm vắc xin bạch hầu để phòng chống dịch toàn diện và mang tính bền vững. Hiện Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch tiêm vắc xin phòng chống dịch bạch hầu tại 4 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông. Mục tiêu chung của kế hoạch là đảm bảo ít nhất 90% các đối tượng từ 2 tháng tuổi trở lên đến 40 tuổi tại 4 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông được sử dụng vắc xin chứa thành phần bạch hầu đảm bảo an toàn”, ông Long chia sẻ.
Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong 5 tháng đầu năm 2020 tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin trong tiêm chủng mở rộng thấp, chưa đạt tiến độ theo kế hoạch, trong đó tỷ lệ vắc xin DPT-VGB-Hib cho trẻ dưới 1 tuổi (34,6%), tỷ lệ tiêm vắc xin DPT mũi 4 cho trẻ 18 tháng tuổi (28,4 %).
Số liệu trên cho thấy, tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin chứa thành phần bạch hầu cho trẻ thấp. Do vậy, để khống chế dịch bệnh bạch hầu, đảm bảo duy trì miễn dịch cộng đồng, việc triển khai chiến dịch tiêm các vắc xin phòng chống dịch bạch hầu tại khu vực Tây Nguyên là cần thiết. Đây là bước đi quan trọng để chủ độngphòng chống dịch bạch hầu tại khu vực Tây Nguyên, giảm tỷ lệ mắc, tử vong do bệnh bạch hầu tại đây.
Theo đó, chiến dịch tiêm chủng bắt đầu được triển khai từ tháng 7.2020. Chiến dịch này được thực hiện tại các điểm tiêm cố định và các điểm tiêm lưu động. Tại trạm y tế sẽ tiến hành tiêm chủng cho đối tượng là trẻ 2 tháng trở lên và thực hiện tiêm vét. Tại các điểm lưu động sẽ thực hiện tiêm chủng cho đối tượng sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận.
Dự kiến, trong chiến dịch này sẽ tiêm chủng khoảng 120.446 liều vắc xin 5 trong 1; 279.608 liều vắc xin DPT; và 10.111.461 liều vắc xin Td. Như vậy gần 4,7 triệu đối tượng tại 4 tỉnh này sẽ được tiêm các mũi vắc xin khác nhau để phòng chống dịch bạch hầu.
Hồ Quang