Khi những cải cách trong các lĩnh vực kinh tế của chính phủ đã bắt đầu chạm đến cái cốt lõi là pháp lý như trong thời gian vừa qua thì đã đến lúc Việt Nam cần bắn mũi tên cải cách thứ hai: cải cách mạnh mẽ hệ thống pháp luật.

Đã đến lúc bắn mũi tên cải cách thứ hai?

Nhàn Đàm | 24/07/2016, 11:20

Khi những cải cách trong các lĩnh vực kinh tế của chính phủ đã bắt đầu chạm đến cái cốt lõi là pháp lý như trong thời gian vừa qua thì đã đến lúc Việt Nam cần bắn mũi tên cải cách thứ hai: cải cách mạnh mẽ hệ thống pháp luật.

Ngay từ khi chính phủ mới bắt đầu tiến hành những bước đi đầu tiên trongcải cách kinh tế mang tính cấp bách, yếu tố sự va chạm về pháp lý đã ngay lập tức xuất hiện. Việc thực thi rà soát và gỡ bỏ khoảng 3.500 điều kiện kinh doanh trái phép và không phù hợp theo quy định của Luật doanh nghiệp của chính phủ đã chỉ ra một sự thậtrằng, trong suốt nhiều năm qua hơn 3.500 điều kiện kinh doanh trái phép đó đã tồn tại mà không gặp phải bất cứ một sự rà soát hay điều chỉnh nào.

Vấn đề không chỉ ở chỗ các quy định trong các bộ luật của Việt Nam đang chồng chéo lên nhau, gây khó khăn trong việc kiểm soát và hướng dẫn thực hiện, mà còn khiến cho việc kiểm tra và loại bỏ là điều rất khó thực hiện.

Một thực tế đáng báo độngtrong thời gian qua liên quan đến vấn đề luật pháp, đặc biệt là những bộ luật và quy địnhliên quan đến các lĩnh vực kinh tế, là công tác soạn thảo và thông qua các bộ Luật đang ngày càng có nhiều vấn đề.

Dễ dàng điểm qua một loạt các điều luật và quy định không hợp lý gây cản trở và khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp được ban hành hoặc dừng lại ở mức dự thảo lấy ý kiến trong thời gian qua, điển hình như quy định kiểm tra nồng độ formaldehyt trong sản phẩm dệt may ảnh hưởng đến các doanh nghiệp dệt may, điều 292 bộ luật hình sự về vi phạm trên mạng Internet bị cộng đồng khởi nghiệp phản đối; và gần nhất là dự thảo Luật phòng chống tham nhũng đề xuất kiểm tra và kê khai tài sản tư của các chức vụ lãnh đạo trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

Không chỉ dừng lại ở việc một số quy định và điều luật tỏ ra không phù hợp và cản trở hoạt động của các doanh nghiệp, mà ngay cả một số bộ luật cũng đang bị đặt dấu hỏi về chất lượng và khả năng điều chỉnh trong thực tế. Câu chuyện Quốc hội tạm hoãn thi hành bộ Luật hình sự 2015 vì có tới khoảng 90 lỗi sai sót vẫn còn đang là một vấn đề nóng hổi. Các bộ luật liên quan đến vấn đề điều hành nền kinh tế của chính phủ và nhất là đến nỗ lực cải cách nền kinh tế cũng không là ngoại lệ.

Tại hội thảo “Hệ thống pháp luật về đầu tư kinh doanh: Vướng mắc và kiến nghị” do Văn phòng chính phủ, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hôm 22.7, thậm chí đã có không ít tiếng nói đề xuất bãi bỏ hẳn luật Đầu tư vốn là một trong hai bộ luật nhận được nhiều sự kỳ vọng có thể giúp cải cách nền kinh tế bên cạnh luật Doanh nghiệp.

Theo quan điểm của một số chuyên gia tại hội thảo, luật Đầu tư đang khiến hệ thống pháp luật về kinh doanh tại Việt Nam trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Cụ thể, luật Đầu tư đã tạo ra một hệ thống chồng chéotrong cấp phép, như giấy đăng ký doanh nghiệp và giấy chứng nhận đầu tư trong khi về mặt kỹ thuật hoàn toàn có thể gộp chung. Ngoài ra, ngay tại hội thảo cũng đã rà soát được khoảng 50 luật với 150 điều luật thuộc diện cần sửa đổi theo kiến nghị của các doanh nghiệp.

Có thể thấy rõ một thực trạng ở Việt Nam hiện tại là: Các bộ luật đang tác động trực tiếp và đóng vai trò tạo hành lang cho phát triển kinh tế và hoạt động của các doanh nghiệp, nhưng sự thiếu hiệu quả và nhất là sự chồng chéo giữa các bộ luật đang khiến cho hành lang phát triển kinh tế trở nên rối rắm và mù mịt hơn bao giờ hết. Một khi hành lang pháp lý chưa được khai thông, thì sẽ khó có thể kỳ vọng con tàu kinh tế có thể chuyển bánh và di chuyển một cách yên ả.

Nguyên nhân chính của tình trạng này không chỉ nằm ở tư duy làm luật và soạn thảo luật, mà còn ở khâu thi hành và đánh giá hiệu quả. Tình trạng chồng chéo giữa các bộ luật khác nhau chủ yếu nằm ở khâu soạn thảo và thông qua, với việc Quốc hội đóng một vai trò lớn trong đó. Còn sự thiếu hiệu quả khi thi hành lại nằm ở khâu đánh giá hiệu quả và tổng kết sửa đổi.

Theo Bộ trưởng bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng khi trả lời phỏng vấn về dự thảo Luật hỗ trợ DNNVV, thì 80% các quy định của bộ Luật này không có cơ chế đánh giá và khảo sát hiệu quả khi thực hiện. Đây cũng là tình trạng chung cho rất nhiều bộ luật đã được ban hành tại Việt Nam nhiều năm qua, khi theo chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc thì hiện nay hầu hết các bộ luật đưa ra thi hành 4-5 năm mới có tổng kết, đánh giá và sửa đổi.

Một bộ luật đem ra thực thi nhưng không có cơ chế giám sát, đánh giá hiệu quả và tổng kết, sửa đổi thì đó chắc chắn sẽ là một bộ luật thiếu hiệu quả, do những điểm không phù hợp của nó không được phản ánh kịp thời để điều chỉnh.

Rõ ràng thực trạng đáng báo động này cần phải sửa đổi càng sớm càng tốt, trong bối cảnh cải cách nền kinh tế thì yêu cầu hàng đầu là phải có những bộ luật phù hợp và hiệu quả trong việc tạo hành lang pháp lý cần thiết cho phát triển kinh tế, chứ không phải những bộ luật đầy rẫy sai sót và bất hợp lý nhưng lại chậm trễ trong việc sửa đổi và điều chỉnh.

Nhàn Đàm (theo CafeF, The Saigon Times)
Bài liên quan
Huyện Trần Văn Thời (Cà Mau): Kinh tế phát triển, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch
Năm 2024, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của huyện Trần Văn Thời tiếp tục đạt nhiều kết quả khả quan, nhiều chỉ tiêu quan trọng đạt và vượt tiến độ so với kế hoạch.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
9 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đã đến lúc bắn mũi tên cải cách thứ hai?