Theo kiểm đếm, tổng cộng vỏ hầm Hải Vân có 321 vết nứt, trong đó có 275 vết nứt được đánh giá là an toàn với chiều rộng <2mm, 51 vết nứt còn lại được đánh giá là cần khảo sát chi tiết hơn. Các chuyên gia tư vấn Nhật Bản và Đức kiến nghị sửa chữa 8 vết nứt.
Vì sao nứt?
Trả lời báo điện tử Một Thế Giới, Ban QLDA hầm Hải Vân (Công ty cổ phần Đầu tư Đèo Cả) cho biết: “Các vết nứt bê tông vỏ hầm Hải Vân 1 xuất hiện ngay từ khi đưa hầm vào khai thác năm 2005 cho đến trước khi Công ty Đèo Cả nhận bàn giao quản lý vận hành từ Bộ GTVT ngày 22.11.2015.
Theo đơn vị khảo sát, đã phát hiện 321 vét nứt trong hầm Hải Vân 1
Về nguyên nhân nứt hầm, đơn vị này cho hay: “Vỏ hầm theo kết cấu NATM bằng bê tông không cốt thép là vỏ hầm không chịu lực mà chỉ chịu tải trọng bản thân. Như vậy vết nứt vỏ hầm có thể xuất hiện tại các khu vực chịu kéo, xuất hiện do chênh lệch biến dạng bề mặt bê tông trong và ngoài vỏ hầm khi có sự chênh lệch nhiệt độbên trong và bên ngoài vỏ hầm, xuất hiện do quá trình thi công, thủy hóa, congót của nội tại kết cấu bê tông, xuất hiện do độ ẩm, rung chấn của quá trình khai thác hầm”.
Theo phía Công ty Đèo Cả, trước khi tổ chức thi công mở rộng hầm phụ, vào năm 2016, công ty này đã thuê Công ty Tư vấn Alpin Technik (Cộng hòa liên bang Đức) thực hiện khảo sát vết nứt, đánh giá vỏ hầm bằng công nghệ camera quét ảnh tự động và phần mềm đánh giá Atis Viewer, áp dụng tiêu chuẩn DIN 1076 củaĐức.
Kết quả phát hiện tổng cộng vỏ hầm có 321 vết nứt trong đó có 275 vết nứt được đánh giá là an toàn với chiều rộng <2mm, 51 vết nứt còn lại được khảo sát chi tiết hơn.
Sau khi khảo sát chi tiết, tư vấn Nhật và Đức kiến nghị sửa chữa 8 vết nứt vỏ hầm Hải Vân và nhà đầu tư hoàn thành việc sửa chữa trong năm 2017. Các vết nứt phân bố rải rác dọc theo hầm và tập trung chủ yếu ở đầu hầm phía nam.
Các vết nứt, bong tróc trong hầm Hải Vân
Cũng theo nhà đầu tư, các vết nứt vỏ hầm Hải Vân đã được các cơ quan chức năng của Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ nhiều lần kiểm tra từ khi hầm đi vào vận hành đến nay và "đều được đánh giá không ảnh hưởng đến chất lượng công trình".
Đến nay, các vết nứt này thường xuyên được nhà đầu tư kiểm tra, quan trắc hằng ngày và kết quả cho thấy các vết nứt cũ thì không có sự phát triển, không xuất hiện thêm các vết nứt mới.
“Sau khi nhận bàn giao, chủ đầu tư đã thực hiện kiểm tra, khảo sát, sửa chữa vết nứt đảm bảo các yêu cầu của quy trình kỹ thuật, đảm bảo điều kiện vận hành; một số vết nứt khác bị bong sơn hai bên vết nứt gây mất mỹ quan. Hiện nay, công tác thi công đào hầm 2 đã vào sâu trong núimỗi đầu khoảng 2km vượt qua đoạn cửa hầm nhiều vết nứt khá xa”.
“Trong quá trình thi công đào hầm Hải Vân 2, các vết nứt được giám sát, quan trắc thường xuyên liên tục, kết quả cho thấy vết nứt không phát triển, không xuất hiện vết nứt mới theo đánh giá của Hội đồng Nghiệm thu nhà nước, theo dõi kiểm tra thường xuyên của Cục Quản lý đường bộ 3, Ban QLDA 85”, thông báo từ phía Công ty Đèo Cả cho hay.
Nổ mìn đào hầm phụ ảnh hưởng hầm Hải Vân 1 như thế nào?
Công ty Đèo Cả cho biết: Trong quá trình thi công mở rộng hầm lánh nạn thành hầm chính, biện pháp thi công của nhà thầu được phê duyệt luôn luôn duy trì sự thông suốt của hầm lánh nạn để đảm bảo công tác cứu hộ cứu nạn cho hầm Hải Vân 1 đang khai thác bên cạnh”.
“Sau khi hoàn thành giai đoạn 2, hầm lánh nạn được mở rộng thành hầm chính, khi đó hầm Hải Vân sẽ bao gồm 2 ống hầm giao thông chạy song song được thông ngang với nhau bởi 15 ngách thông ngang phân bố đều dọc hầm. Trong trường hợp trong một hầm có sự cố, tai nạn giao thông thì hầm còn lại sẽ có vai trò là hầm cứu nạn, đảm bảo an toàn và bền vững lâu dài. Việc thiết kế vận hành 2 ống hầm giao thông song song là hình thức đảm bảo an toàn và phổ biến trên thế giới cũng như tại Việt Nam, hầm đường bộ Đèo Cả, hầm Cổ Mã cũng có thiết kế tương tự”.
Hầm cứu nạn đang được nổ mìn khoan mở rộng để đưa vào khai thác song song với hầm Hải Vân 1 hiện nay
Nhiều chuyên gia cho rằng việc thi công nổ mìn để mở rộng hầm cứu nạn tạo ra rung chấn làm nứt hầm chính đang khai thác hiện nay, phía Đèo Cả cho rằng: “Trong quá trình thi công nổ mìn đào hầm Hải Vân 2, nhà thầu các gói thầu thi công hầm đã hợp đồng với Hội Kỹ thuật nổ mìn Việt Nam thực hiện quan trắc tốc độ rung chấn hầm Hải Vân 1 khi nổ mìn đào hầm Hải Vân 2. Các kết quả đo đạc tốc độ rung chấn từ tháng 3.2017 đến nay đều nằm trong phạm vi cho phép (<31.75mm/s theo QC02-2008/BCT, giá trị giới hạn không ảnh hưởng tới an toàn kết cấu công trình)”.
“Ngoài ra, theo yêu cầu của Hội đồng Nghiệm thu nhà nước, Ban QLDA hầm Hải Vân yêu cầu nhà thầu bổ sung quan trắc xem xét sự phát triển của vết nứt hầm Hải Vân 1 trong quá trình nổ mìn thi công hầm Hải Vân 2. Phạm vi quan trắc từ ngang tâm nổ ra hai đầu hầm với chiều dài bán kính 250m. Báo cáo kết quả quan trắc vết nứt của nhà thầu và tư vấn giám sát cho thấy các vết nứt không phát triển, không xuất hiện vết nứt mới”, thông báo nêu.
Chủ đầu tư cũng cho hay, theo chỉ đạo của Bộ GTVT, các vết nứt tiếp tục được các cơ quan quản lý nhà nước và Công ty Đèo Cả theo dõi, kiểm soát và sẽ được thực hiện sơn lại các vết sơn bong tróc vào thời điểm thích hợp. Dự kiến khi kết thúc công tác đào thông hầm phụ trong đầu năm 2019 tới, Công ty Đèo Cả sẽ kiến nghị Bộ GTVT xem xét, chấp thuận và triển khai thực hiện đảm bảo mỹ quan công trình.
Cục Quản lý đường bộ 3 nói gì?
Trước tình hình hầm Hải Vân xuất hiện chằng chịt các vết nứt, vào tháng 7.2018, Cục Quản lý đường bộ 3 đã tổ chức đoàn kiểm tra hiện trạng và chỉ ra nguyên nhân.
Theo biên bản kiểm tra tại hiện trường, chưa thấy xuất hiện vết nứt mới hai bên thành hầm, tuy nhiên trong quá trình vệ sinh rửa thanh hầm cộng thêm tác động của nước và hóa chất thấm vào làm một số vị trí bong tróc lớp sơn thành hầm và khói bụi bám vào bề mặt làm bê tông tại các vị trí này có màu đen làm gây mất mỹ quan. Ngoài ra, có một số vị trí do xe va quẹt, tai nạn trong hầm gây nên vết xước, bong tróc lớp sơn.
Đối với các vị trí đã xuất hiện vết nứt đang theo dõi quan trắc, chưa nhận thấy sự phát triển vết nứt kéo dài qua các vị trí đã được đánh dấu tại hai đầu; bề mặt các tem thạch cao không xuất hiện vết nứt.
Đánh giá về nguyên nhân xuất hiện các vết nứt, bong tróc, đoàn kiểm tra cho rằngdo thời gian sơn từ khi hầm đưa vào quản lý, vận hành cho đến nay đã quá thời hạn (hơn 12 năm). Ảnh hưởng môi trường trong hầm do nhiệt độ, khói bụi, lưu lượng xe cao…
Đoàncủa Cục Quản lý đường bộ 3 và các đơn vị liên quan kiểm tra các vết nứt trong hầm Hải Vân vào tháng 7.2018
Các bên thống nhất kết quả nêu trên để làm cơ sở Cục Quản lý đường bộ 3 báo cáo kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét cho xử lý các vết nứt và sơn lại các vị trí bong tróc sơn cách tâm nổ theo quy định, đặc biệt phạm vi đầu hầm phía nam.
Hầm Hải Vânvới chiều dài 6,28km là hầm đường bộ dài nhấtĐông Nam Á, xuyên quađèo Hải Vân, nằm trênquốc lộ 1Anối liền tỉnhThừa Thiên-Huếvới thành phố Đà Nẵng ở miền TrungViệt Nam. Hầm khởi công xây dựng vào ngày27.8.2000 và được khánh thành vào ngày 5.6.2005. Tổng chi phí cho toàn bộ dự án hầm đường bộ Hải Vân là 127.357.000USD.
Sau gần 5 năm xây dựng, công trình hầm đường bộ Hải Vân đã hoàn thành với đường hầm chính dài gần 6,3km, hầm phụ chạy song song dài gần 6,3km, hầm thông gió dài 1,9km, 3 hầm lọc bụi tĩnh điện cùng với 15 hầm ngang, tạo thành một hệ thống đường hầm hoàn chỉnh có tổng chiều dài khoảng 15,1km.
Theo báo cáo của đơn vị vận hành hầm Hải Vân,mỗi ngày đêm trung bình có hơn 10.000 lượt xe lưu thông qua hầm Hải Vân. Trong dịp lễ, tết lưu lượng xegia tăng đột biến lên 14.000-15.000 lượt xe /ngày đêm
Từ ngày 1.1.2016, dự án được bàn giao cho Công ty cổ phần Đầu tưĐèo Cả quản lý vận hành.
Dự án mở rộng hầm Hải Vân giai đoạn 2 được Bộ GTVT phê duyệt năm 2016, gồm hai giai đoạn với tổng mức đầu tư hơn 7.200 tỉ đồng. Giai đoạn 1 sửa chữa, nâng cấp hầm Hải Vân 1 và cải tạo đoạn tuyến quốc lộ 1 qua đèo Hải Vân (hiện đã hoàn thành nghiệm thu). Giai đoạn 2 mở rộng hầm lánh nạn hiện tại thành hầm giao thông (hầm Hải Vân 2) với quy mô 4 làn xe; mở rộng cầu, đường dẫn quy mô 4 làn xe.
Hiện tại, hầm Hải Vân 2 đã đào và gia cố được hơn 1,9km đầu phía bắc; đầu phía nam đã đào và gia cố được hơn 1,4km. Biện pháp thi công mở rộng hầm Hải Vân 2 được sử dụng là nổ mìn.
Các đợt quan trắc, xử lý vết nứt ở hầm Hải Vân
Năm 2014, sửa chữa 3 vết nứt tại các vị trí Km2+715; Km3+643 và Km7+840. Đến nay trên bề mặt tấm sợi Tyfo sau sửa chữa của 3 vị trí này không xuất hiện nứt trở lại.
Tháng 5.2015, Công ty TNHH Giao thông vận tảithực hiện kiểm tra, quan trắc, đánh giá kết cấu hầm chính hầm Hải Vân.
Kết quả kiểm tra đánh giá như sau: Vỏ hầm có nhiều vết nứt (209 vết), chiều rộng vết nứt lớn nhất là 3mm; kết quả đo dao động cho thấy vỏ hầm đảm bảo khả năng chịu lực; cường độ và chất lượng bê tông vỏ hầm ở mức tốt, bê tông vỏ hầm đồng nhất.
Ngày 29.12.2015, Hội đồng Tư vấn độc lập ghi nhận vỏ hầm Hải Vân có vết nứt, lớp sơn matit tường hầm đã cũ, mờ, bong tróc tại nhiều vị trí và đề nghị lắp đặt gạch men thành hầm.
Công ty Tư vấn Alpin technik (Đức) đã được thuê thực hiện khảo sát vết nứt, đánh giá vỏ hầm bằng công nghệ camera quét ảnh tự động và phần mềm đánh giá Atis viewer, áp dụng tiêu chuản DIN 1076 của CHLB Đức. Kết quả cho thấy hầu hết các vết nứt trên bề mặt hầm đều <2mm theo hướng ngang hoặc 1,5mm theo hướng dọc.
Tổng cộng vỏ hầm có 321 vết nứt trong đó có 275 vết nứt được đánh giá là an toàn với chiều rộng <2mm, 51 vết nứt còn lại được đánh giá là cần khảo sát chi tiết hơn. Ngoài ra có rất nhiều vết nứt xuất hiện do bong tróc của lớp sơn chứ không ăn sâu vào kết cấu vỏ hầm. Tư vấn khảo sát kết luận các vết nứt hiện có trên bề mặt bê tông vỏ hầm Hải Vân không làm ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của kết cấu vỏ hầm. Tuy nhiên, tư vấn Nhật và Đức kiến nghị sửa chữa 8 vết nứt vỏ hâm Hải Vân và nhà đầu tư đã thi công sửa chữa xong trong giai đoan 1 của dự án. Ngày 29.8.2017, Hội đồng Nghiệm thu nhà nước đã nghiệm thu hoàn thành giai đoan 1 của dự án.
Bài, ảnh: Lê Đình Dũng