Liên quan đến hai nhà máy thép Dana Ý, Dana Úc gây ô nhiễm và bức xúc nhiều năm nay, Bí thư Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho biết không thể để hai nhà máy lại và cho rằng ‘ngành luyện kim, sản xuất thép này không phải là ngành Đà Nẵng cần’.
Đà Nẵng không cần ngành sản xuất thép
Sáng 22.12, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã có buổi làm việc với chính quyền huyện Hòa Vang liên quan đến hai nhà máy thép Dana Ý, Dana Úc.
Tại buổi làm việc, ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho biết: Về hai nhà máy thép là Dana Ý và Dana Úc rộ lên từ tháng 12.2016, chính quyền đã tiếp dân nhiều lần rồi. Có 2 phương án: Một là, di dời hai nhà máy thì vướng hai việc là chưa có vị trí quy hoạch, thứ hai là kinh phí lớn. Còn phương án di dời dân trong bán kính nhỏ quá nên không hiệu quả, không đạt.
Nhận định về việc này, ông Trương Quang Nghĩa cho rằng không thể giải quyết bằng bài toán là có tiền di dân tái định cư không.
“Có thể vẫn phải di dân bởi vì đó là khu công nghiệp. Nhưng không thể để hai nhà máy lại. Tôi sẽ nói ý kiến này ra trước Ban Thường vụ và chắc chắn Ban Thường vụ cũng sẽ đồng tình. Ngành luyện kim, sản xuất thép này không phải là ngành Đà Nẵng cần. Tôi nói là chữ cần chứ chưa nói là ưu tiên. Đề nghị các đồng chí ở TP lưu ý, giải quyết rốt ráo một lần cho xong. Chứ không sẽ phá vỡ hết quy hoạch của các ngành sản xuất khác”, ông Nghĩa nói và nhận định đang tồn tại mâu thuẫn giữa sản xuất và nhu cầu của người dân.
“Không đảm bảo là phải dừng, nguyên tắc là như thế. Tiếng ồn là một, khói bụi là hai và nhất là trong năm có khi chỉ sản xuất được một mùa nào đó”.
Nhà máy thép Dana Ý gẫy ô nhiễm khiến người dân nhiều lần lên bao vây phản đối
“Ngành luyện kim người ta chỉ dành cho những vùng đất rộng rãi, không có cái gì khác để làm thôi. Đà Nẵng lại đi theo vệt truyền thống của thế giới, tức là các ngành công nghiệp nào là ô nhiễm về năng lượng, nước. Chính vì những thứ đấy mà các nước đổ sang các nước khác. Đà Nẵng chẳng có lý do gì để tồn tại và nhận ngành này. Đề nghị sở TN-MT có tiếng nói, quản lý môi trường, quản lý đô thị phải nói đến cái này. Cũng lưu ý trách nhiệm của Sở Xây dựng. Hiện chúng ta đang phải giải quyết hậu quả khá nặng nề từ phát triển nóng. Các chính sách kêu gọi đầu tư của chúng ta cũng đang phải giải quyết hậu quả. Giờ người ta nói là không thể lấy cái sai của TP mà bắt người dân chịu. Câu chuyện đất cát cấp giấy vừa rồi. Rồi chuyện quy hoạch, có cái mới có cái cũ. Cái mới thì chưa nằm trong cái tổng thể được quy hoạch rõ ràng và chúng ta cứ có nhà đầu tư là kêu gọi. Thậm chí là quyết định theo nhà đầu tư. Câu chuyện này vô cùng nguy hiểm”, Bí thư Đà Nẵng cho hay.
>>Quan ngại Quảng Nam nhưng Đà Nẵng lại có 2 nhà máy thép gây ô nhiễm
>>Chùm ảnh: Rác ngập ngụa ở bãi biển Đà Nẵng
>>Đà Nẵng: Cấp bách tìm nguồn vốn xử lý ô nhiễm môi trường nước
Sẽ có Nghị quyết riêng về công tác quy hoạch
Cũng theo ông Nghĩa, nếu cần kể cả nhiệm kỳ này để Đà Nẵng có được một chuẩn trong quản lý. Cần nguồn lực trong, ngoài nước rà soát lại quy hoạch phát triển KT-XH, không gian đô thị, đặc biệt là từ trung tâm đến huyện Hòa Vang.
“Chúng ta bây giờ quyết liệt bảo vệ môi trường biển. Đấy là các dự án trọng điểm nhưng mà ưu tiên, phải ngăn ngừa hết tất cả từ nay đến năm 2020 biển Đà Nẵng phải thật sự sạch, không được ô nhiễm”.
“Đặc biệt hết sức lưu ý môi trường sinh thái. Có môi trường biển trong lành nhưng phải có không khí từ các vạt rừng. Đà Nẵng hơn rất nhiều TP khác ở chỗ này. Chúng ta không biết giữ gìn, không biết phát triển lên là đến ngày đấy chúng ta phá vỡ hết. Kiểm soát, rà soát lại và điều chỉnh quy hoạch theo hướng đó. Triển khai các dự án trên nguyên tắc cái bé nằm trong quy hoạch cái lớn, đừng để từ cái bé rồi đi ra. Sau đây Thường vụ sẽ có Nghị quyết riêng về công tác quy hoạch”, ông Nghĩa thông tin.
Bí thư Đà Nẵng cũng đề nghị UBND, HĐND TP dành và ưu tiên nguồn lực để làm quy hoạch.
“Một số chuyên gia nói rằng quỹ đất nhà ở, tóm lại là bất động sản Đà Nẵng hiện nay đủ để giải quyết cho ba triệu dân. Chúng ta có phát triển quá nóng để thu tiền đất không? Chúng ta có quản lý cái đó để phục vụ thực sự cho phát triển dân kế không? Cần xem lại quản lý của chúng ta”.
Vị Bí thư cho rằng hiện, cơ sở hạ tầng Đà Nẵng đủ để đáp ứng các sự kiện lớn của cả nước. Nhưng lĩnh vực GD-ĐT, y tế cần quan tâm hơn. Cần có những bệnh viện, trường học mang đẳng cấp quốc tế ở Đà Nẵng.
Bài, ảnh: Lê Đình Dũng