Đà Nẵng luôn quảng cáo là thành phố môi trường sạch đẹp. Tuy nhiên, đi xa khỏi những nơi mà chính quyền quảng cáo, người ta sẽ thấy thất vọng với một thành phố ô nhiễm bị che giấu.

Đà Nẵng ô nhiễm: Dân phải nhắm mắt tắm biển bẩn

Lê Đình Dũng | 30/07/2016, 17:49

Đà Nẵng luôn quảng cáo là thành phố môi trường sạch đẹp. Tuy nhiên, đi xa khỏi những nơi mà chính quyền quảng cáo, người ta sẽ thấy thất vọng với một thành phố ô nhiễm bị che giấu.

Cả vịnh Đà Nẵng ô nhiễm

Khi mới lên nhậm chức, chuyến thị sát đầu tiên của Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh là bãi rác Khánh Sơn, bãi rác lớn nhất thành phố và cũng là đầu nguồn con sông Phú Lộc đổ thẳng ra vịnh Đà Nẵng. Lúc đó vị Bí thư trẻ phải thừa nhận môi trường ở đây thật sự ô nhiễm và nói đại ý rằng du khách đến Đà Nẵng là ở các khu vực trung tâm chứ nếu họ ra các vùng ven thế này thì sẽ không còn ấn tượng một thành phố môi trường sạch đẹp nữa.

Chẳng cần đâu xa, nếu du khách, người dân tắmtrên biển Mỹ Khê (mệnh danh là một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh) hãy vào trong vịnh Đà Nẵng vùng vẫy trên bãi biển đường Nguyễn Tất Thành thì sẽ thấy được môi trường ở thành phố này không như quảng cáo.

Không chỉ mùa hè này mà đã vài mùa hè qua, biển trong vịnh này luôn trong tình trạng ô nhiễm. Những dải nước ven bờ phần lớn trong tình trạng đen ngòm, khác hẳn gam màu xanh bên ngoài tầm 100m. Ai đi ngang về cạnh cửa sông Phú Lộc xả ra vịnh, luôn ngửi thấy mùi xú uế hôi thối thoảng trong gió biển. Những ngày nước đen nhiều, bạn mặc chiếc quần trắng xuống tắm biển, khi về sẽ là chiếc quần ố vàng. Nhiều người dân cho biết, sau khi tắm biển ở đây về cảm thấy ngứa ngáydù đã tắm rửa lại sạch sẽ. Trên cả bãi biển dài tầm 8km, rác thải, túi ni lon ngổn ngang ít khi được dọn dẹp.

Vệt nước đen kéo dài ở bờ biển Nguyễn Tất Thành xuất hiện thường xuyên, người dân tắm luôn có cảm giác ngứa ngáy.

Phần lớn khu vực biển này là người dân địa phương tắm và chơi thể thao. Muốn tắm ở biển sạch như ở Mỹ Khê phải đi đường xa nên người ta đành nhắm mắt mà sống chung.

Bà Nguyễn Thị Tý, một người dân ở P.Xuân Hà (Q.Thanh Khê, Đà Nẵng) cho hay: “Tôi sống ở bên biển nên thường xuyên đi tắm biển. Tuy nhiên những năm gần đây biển trong vịnh ô nhiễm quá, sợ bệnh tật nên tôi không đi nữa; mà ra ngoài biển Phạm Văn Đồng thì quá xa nên đành thôi”.

Nguyên nhân vịnh Đà Nẵng ô nhiễm được nhìn nhận là do các hệ thống xả thải nước sinh hoạt dân cư đều đổ trực tiếp ra không qua xử lý; đó là chưa nói các nhà máy, khu công nghiệp xả lén.

Đường Nguyễn Tất Thành dài tầm 8km ôm gần trọn vịnh Đà Nẵng phía bờ của hai quận Thanh Khê và Liên Chiểu. Có 29 ống xả nước thải sinh hoạt từ khu dân cư chỉa thẳng ra vịnh này. Dù là những ngày mùa hè, nước từ các ống này vẫn đều đặn chảy ra. Nghiêm trọng nhất là sông Phú Lộc, nơi thu gom nước từ các khu công nghiệp, khu dân cư trên địa bàn các quận Thanh Khê, Hòa Khánh, Liên Chiểu.

Chính quyền chăm lo cho biển nhà giàu, ruồng bỏ biển người nghèo?

Dường như chính quyền TP.Đà Nẵng chỉ quan tâm đến bờ biển có các resort, khách sạn trên đường Hoàng Sa, Trường Sa, nơi các khách du lịch các nơi đổ về. Còn trong vịnh Đà Nẵng, dù chính quyền cấp quận có kêu nhưng vẫn mãi chưa thấu.

Ông Phan Quang Khường, Trưởng phòng TN-MT Q.Thanh Khê nói rằng rất xót xa vì biển của địa phương mình bẩn thỉu, ngứa ngáy mà không được quan tâm giải quyết.

Nước từ các khu dân cư chảy thẳng ra vịnh Đà Nẵng bẩn thỉu, đen ngòm và hôi thối.

Ông Nguyễn Văn Tĩnh, Chủ tịch UBND Q.Thanh Khê đã có văn bản gửi lên chính quyền thành phố nhưng đến nay vẫn chưa nhận được câu trả lời. Trong công văn, ông Tĩnh cho hay tình trạng ô nhiễm môi trường trên biển Nguyễn Tất Thành không đảm bảo. Ô nhiễm môi trường nặng nhất là khu vực rặng dương liễu trên đoạn dài gần 1,6km do rác thải, xà bần tồn đọng nhiều. Trên bãi biển thì có 2 mương thoát nước ra. Một mương ở vị trí cuối đường Tôn Thất Đạm, có đặt một số bao cát để ngăn nước thải nhưng khi có mưa to bị nước cuốn trôi ra phía bãi biển, nước biển gần đó nổi bọt vàng. Một mương thoát ra từ cửa xả vị trí đối diện gara ô tô Tam Sinh bị tù đọng, ngập rác, nước có màu đen, hôi thối.

Clip mương xả nước thải từ khu dân cư phường Xuân Hà:

Chính quyền quận này cho hay đã nhiều lần tổ chức ra quân dọn bãi biển nhưng đâu vẫn vào đấy, không triệt để được.“Chiều dài bãi biển của quận khoảng 4,3 km mà có đến 4 cửa xả ra biển. Theo nguyên tắc phải có cống thu gom để xử lý nước thải sinh hoạt trước khi đổ ra biển nhưng họ lại để chảy thẳng ra. Trên thực tế, ở những cửa xả này đã có hệ thống hút nước thải tập trung về trạm xử lý nước thải Phú Lộc nhưng họ vẫn để xả thẳng”, ông Phan Quang Khường cho hay.

Ông này cũng cho hay, cùng 1 bãi biển nhưng việc phân cấp của thành phố không rõ ràng nên không phân trách nhiệm được cho ai quản lý và xử lý ô nhiễm. Cụ thể, Ban quản lýbán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng vẫn được giao quản lý biển Nguyễn Tất Thành nhưng chỉ xử lý rác 1 phần ở khu vực nhỏ, nơi có xây dựng cơ sở phục vụ người dân tắm biển.

Do đó, ông Khường đề xuất một là giao hẳn cho Ban quản lý,hoặc là quận để có trách nhiệm rõ ràng trong việc xử lý ô nhiễm môi trường.

Người dân Đà Nẵng ở các quận Liên Chiểu, Thanh Khê phải chịu sống với biển bẩn.

Trao đổi với Một Thế Giới, ông Mai Mã, Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng thừa nhận thỉnh thoảng có tình trạng nước thải sinh hoạt xả thẳng ra biển ở khu vực biển Nguyễn Tất Thành do "trời mưa"hoặc "mất điện".

Về kiến nghị đóng miệng các cống xả trong mùa hè, ông Mã nói đây là trách nhiệm của Ban quản lýbán đảo Sơn Trà hoặc của quận. Việc của công ty là thu gom nước, nếu nước thải chảy ra biển mà không thu gom được thì đó mới là lỗi của công ty.

Dù ông này luôn khẳng định kiểm soát chặt chẽ việc hút nước thải sinh hoạt để xử lý, không cho xả trực tiếp nhưng biển Nguyễn Tất Thành mùa hè này vẫn luôn trong tình trạng đen ngòm, hôi thối, nhiều rác rưởi, có bọt sủi.

Chưa biết chính quyền Đà Nẵng sẽ xử lý thế nào về tình trạng ô nhiễm ở biển Nguyễn Tất Thành nhưng chắc chắn người dân sẽ phải tắm biển nhớp nhúa thời gian dài nữa. Ngay cả việc phân cấp quản lý vẫn chưa được rạch ròi thì nói gì đến việc yêu cầu đơn vị nào đó chịu trách nhiệm. Và với kiểu quy hoạch đô thị chạy sau như thế này thì rác hiện hữu có thể nhặt được nhưng nước biển bị nhuốm đủ thứ chất độc từ khu dân cư chảy ra thì tẩy sạch bằng cách nào?

Ông Mai Mã: Toàn thành phố Đà Nẵng hiện có 5 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt, thu gom trên 50% lượng nước thải, chủ yếu là công nghệ xử lý bậc 1 với công suất 100 ngàn khối nước ngày đêm. Hiện thành phố đang nâng cấp nhà máy xử lý nước thải Phú Lộc lên bậc 2, đầu tư mới nhà máy xử lý nước thải Liên Chiểu, nâng cấp lên bậc 2 các nhà máy ở các quận khác. Hiện tại trên tuyến đường Hoàng Sa - Trường Sa, thành phố đang thi công tuyến cống bao từ nguồn tiền đầu tư của Ngân hàng Thế giới. Tại tuyến đường Nguyễn Tất Thành, thành phố cũng đang cho lập phương án xây dựng cống bao từ nguồn đầu tư của Jica.

Lê Đình Dũng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đà Nẵng ô nhiễm: Dân phải nhắm mắt tắm biển bẩn