Làng biển Nam Ô (Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng) đánh dấu và gắn liền với quá trình Nam tiến, mở đất, lập làng của các thế hệ trước nhưng nay chính quyền đã cho doanh nghiệp vào phá dỡ làm dự án.

Đà Nẵng: Phá hồn làng cổ, quên thời tiền nhân?

Lê Đình Dũng | 28/03/2018, 19:34

Làng biển Nam Ô (Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng) đánh dấu và gắn liền với quá trình Nam tiến, mở đất, lập làng của các thế hệ trước nhưng nay chính quyền đã cho doanh nghiệp vào phá dỡ làm dự án.

          

Làng cổ gắn liền với quá trình Nam tiến của dân tộc

Vào ngày 22.3.2014, Chủ tịch đương thời UBND TP.Đà Nẵng Văn Hữu Chiến ký quyết định phê duyệt điều chỉnh tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết 1/500 khu du lịch sinh thái Nam Ô trong đó tác động đến khu miếu bà Liễu Hạnh, miếu Âm Hồn và lăng Ông Ngư. Sau ngần ấy năm, người ta mới nhìn ra đã sắp mất một làng cổ độc nhất giữa Đà Nẵng.

Dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô có diện tích 36,6ha được UBND TP.Đà Nẵng phê duyệt tại quyết định số 1756/QĐ-UBND ngày 22.3.2014, chủ đầu tư là Công ty CP Trung Thủy.

Khu đất được giao cho Công ty CP Trung Thủy làm dự án có ranh giới phía nam giáp khu dân cư hiện trạng và đường Nguyễn Tất Thành, phía bắc giáp song Cu Đê, phía đông giáp biển, phía tây giáp khu dân cư hiện trạng và đường Nguyễn Lương Bằng.

Sau ngần ấy năm triển khai, đến nay dự án cơ bản đã hoàn thành việc giải phóng mặt bằng và trong giai đoạn thiết kế thi công.

Phối cảnh dự án của Tập đoàn Trung Thủy thể hiện việc lấy trọn làng cổ và ghềnh Nam Ô làm dự án nghỉ dưỡng

Theo quyết định của chính quyền Đà Nẵng vào năm 2014, dự án này lấy trọn làng Nam Ô đoạn chạy dọc ven biển, lấy nguyên ghềnh Nam Ô với khu rừng nguyên sinh có từ hàng trăm năm nay.

Thể theo nguyện vọng của chủ đầu tư, vào cuối năm 2017, Sở Xây dựng Đà Nẵng đã xin ý kiến của các sở ngành văn hóa liên quan đến việc di dời miếu Âm Hồn, miếu bà Liễu Hạnh và lăng Ngư Ông tại dự án này.

Ngày 29.11.2017, Sở Văn hóa-Thể thao (VH-TT) Đà Nẵng đã có công văn đáp lại Sở Xây dựng không đồng ý với việc di dời các di tích này tại vị trí hiện trạng trong làng Nam Ô về mặt tiền đường Nguyễn Tất Thành.

Sở VH-TT Đà Nẵng khẳng định: “Lăng Ngư Ông, miếu Âm Hồn, miếu bà Liễu Hạnh đã đánh dấu và gắn liền với quá trình Nam tiến, mở đất, lập làng của các thế hệ trước; nếu chuyển đến vị trí mới sẽ làm mất đi giá trị nguyên gốc của công trình”.

“Mặt khác, lăng Ngư Ông được xây dựng từ năm 1823, kết cấu, mô-típ kiến trúc cổ truyền thống (vi kèo, tứ linh, tứ quý…) được trùng tu, bảo tồn qua nhiều đời. Đặc biệt trong khuôn viên lăng có một giếng Chăm cổ-nơi người Chăm và người Việt sau này thường đến lấy nước ngọt mỗi khi ra khơi và một ngôi mộ cá Ông gắn liền với tâm linh cư dân địa phương”.

Các nhà dân bị đập phá, để lại trơ trọi các đình, miếu

Giếng Chăm cổ có từ thời Champa

“Với giá trị lịch sử, văn hóa, tâm linh hiện có, Sở VH-TT đề nghị Sở Xây dựng tham mưu UBND TP giữ lại hiện trạng các công trình trên; đồng thời chỉ đạo Công ty CP Trung Thủy Đà Nẵng lưu ý trong quá trình triển khai phải đảm bảo sự hài hòa trong tổng thể dự án để bảo tồn và phát huy giá trị các công trình này”, văn bản do Giám đốc Sở VH-TT Đà Nẵng Huỳnh Văn Hùng ký nhấn mạnh.  

Cùng thời gian này, Trung tâm Quản lý di sản văn hóa Đà Nẵng cũng đã có văn bản gửi lên Sở VH-TT Đà Nẵng bổ cứu thêm về các giá trị quý báu đang có tại làng Nam Ô.

Theo trung tâm này, trong cuộc họp giữa Hội đồng di sản văn hóa quốc gia và UBND TP.Đà Nẵng diễn ra vào ngày 23-24.11.2017, ông Nguyễn Thế Hùng, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa đã có ý kiến nên giữ lại toàn bộ di sản văn hóa làng biển Nam Ô gồm các lăng thờ Ông, miếu thờ, giếng Chăm cổ… để bảo tồn vì Đà Nẵng rất ít di sản văn hóa so với các địa phương khác ở miền Trung.

Cũng theo trung tâm: “Xét thấy lăng Ông Nam Ô được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 4 (1823), đáp ứng được các tiêu chí để xếp hạng di tích cấp thành phố theo quy định tại khoản 10, điều 1, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ban hành ngày 18.6.2009; nên nếu UBND TP có quyết định không di dời các công trình này, trung tâm sẽ thực hiện hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích”.

Sự thức tỉnh muộn màng

Có lẽ, Tập đoàn Trung Thủy sẽ vẫn êm đềm làm dự án và làng cổ Nam Ô sẽ mất đi hết giá trị văn hóa nếu không có sự phản kháng kịp thời của người dân.

Trưa 20.3, hàng chục người dân Nam Ô tập trung bên ngoài khu vực dự án Lancaster Nam Ô Resort & Spa của Tập đoàn Trung Thủy để phản đối chủ đầu tư lập hàng rào chắn vì cho rằng việc này đã bít lối ra biển của họ. Một số người dân không giữ được bình tĩnh đã tháo gỡ biển báo cấm và đập phá hàng rào chắn, bất chấp sự ngăn cản của lực lượng bảo vệ và sự có mặt của công an.

Tập đoàn Trung Thủy rào chắn, hạn chế đi lại vào trong dự án trước khi bị người dân phản ứng

Sau ‘giọt nước tràn ly’ này, các cấp chính quyền Đà Nẵng mới vào cuộc quyết liệt. Ngày 22.3.2018, Bí thư Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã xuống thực tế tại dự án và có những chỉ đạo cụ thể.

Ngày 23.3, sau khi xin ý kiến của Thường trực Quận ủy, UBND quận Liên Chiểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy và thống nhất báo cáo lãnh đạo thành phố nhiều kiến nghị theo hướng cứu vãn cho làng Nam Ô.

Theo đó, chính quyền quận này đề xuất 6 kiến nghị. Cụ thể, về ranh giới dự án phía tiếp giáp với mặt nước biển, đề nghị UBND thành phố quy hoạch điều chỉnh theo Luật Biển và chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy.

Về dải đất dọc theo đường Nguyễn Tất Thành nối dài khoảng 6.300m2, đề nghị UBND thành phố thu hồi và cho chủ trương sử dụng vào mục đích quy hoạch mở rộng nút giao thông, xây dựng cơ sở trưng bày Làng nghề nước mắm Nam Ô và các sản phẩm của ngư dân.

Về tuyến đường bê tông hiện trạng rộng 4m, dài 1,7km giáp ranh giữa dự án và khu dân cư chỉnh trang (do Công ty Trung Thủy đã thi công) đề nghị UBND thành phố quy hoạch mở rộng thành đường 5,5m, có vỉa hè và hệ thống thoát nước để tạo không gian cách ly, hình thành tuyến phố, làm đẹp cảnh quan và tạo cơ hội cho người dân buôn bán, làm dịch vụ, chuyển đổi ngành nghề.

Bãi đá ở Nam Ô

Làng cổ Nam Ô với khu rừng nguyên sinh trên gềnh đá, xa xa là dãy núi Hải Vân

Rừng nguyên sinh trên ghềnh Nam Ô. Người dân làng kể rằng, thời Mỹ chiếm đóng, người dân đánh kẻng tụ tập lên phản đối khi lính Mỹ định cho phá khu rừng này. Còn dân làng từ xa xưa đến nay có hẳn một lệ là không được ai chặt phá dù một cành cây trong rừng

Riêng phần diện tích trên ghềnh Nam Ô, đề nghị UBND thành phố phê duyệt với mục đích tôn tạo phục vụ du lịch sinh thái, hạn chế tối đa việc chặt phá cây rừng nguyên sinh, làm thay đổi hiện trạng, vì đây là khu rừng được người dân Nam Ô tự giác bảo vệ nguyên vẹn từ nhiều đời nay (việc tác động mạnh đến tự nhiên trong khu vực này sẽ có nguy cơ phản ứng tiêu cực từ cộng đồng).

Về lối xuống biển, đề nghị UBND thành phố quy hoạch tại 2 vị trí: tại di tích dinh Âm Hồn và miếu bà Liễu Hạnh hiện nay.

Về hình thức xây dựng tường rào xung quanh dự án, đề nghị thiết kế thoáng kết hợp hàng rào mềm, tránh cảm giác chia cắt không gian cảnh quan chung trong khu vực.

Bài, ảnh: Lê Đình Dũng

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
8 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đà Nẵng: Phá hồn làng cổ, quên thời tiền nhân?