Sau nhiều cơn mưa vài tuần nay, khu vực 40 biệt thự trái phép trên bán đảo Sơn Trà đang sạt lở chảy bùn đỏ xuống biển. Nghe tin mà giật mình thon thót.
Tôi không phải là người Đà Nẵng nhưng rất có thiện cảm với Đà Nẵng. Không hẳn vì có nhiều bạn bè đáng yêu ở đó mà “Yêu em Đà Nẵng” (Lê Minh Quốc). Tình cảm này bắt đầu từ bài thơ “Đôi mắt sáng nhìn lên” (Hoài Hương) chuyền tay nhau trong phong trào đấu tranh của sinh viên Sài Gòn trước 1975, mà mãi sau này tôi mới biết tác giả. Năm kia, tôi còn có dịp ăn tối và hàn huyên với lãnh đạo “thành phố đáng sống nhất Việt Nam”. Biết thêm nhiều chuyện về Đà Nẵng, tôi càng trân quý tình người tình đất ở đây.
Gần đây, tình cảm này đang bị lung lay và thử thách. Một thành phố đáng sống với bao điều tốt đẹp đang bị những đám mây xám xịt ám ảnh. Ai cũng biết, không có thiên đường trên trái đất. Nơi nào cũng có mặt trái của cuộc sống. Đà Nẵng không là ngoại lệ. "Nhân nào thì quả đó" nhưng mấy cái “quả” gần đây ở Đà Nẵng là những chuyện khó hiểu và bất thường.
Báo chí cho biết “Bán đảo Sơn Trà, “Mắt thần Đông Dương” trong chiến tranh và hiện nay là “Lá phổi thành phố” đang bị 17 dự án ồ ạt xây dựng bủa vây”. Chuyện tày đình như vậy mà cả hệ thống chính quyền không hay biết. Mãi đến khi một người dân câu cá, thấy Sơn Trà bị bức tử nên quá bức xúc, lấy điện thoại ghi lại và đưa lên Facebook. Lãnh đạo thành phố giật mình và ra lệnh dừng dự án vì chưa có giấy phép. 40 biệt thự đang xây dựng trái phép bị xử phạt 40 triệu đồng. Còn hơn “Chuyện những người thích đùa” (Aziz Nesin). Tôi không tin là chuyện động trời như vậy mà qua mắt được dàn lãnh đạo được tiếng là năng nổ và cầu thị như Đà Nẵng. Có chăng, biết mà làm ngơ vì nói ra thiệt thân hoặc bị lợi ích nhóm làm mờ mắt.
Khoảng 2 tuần trước, báo chí còn phanh phui “Cả quần thể 6 căn nhà hoành tráng dành cho chuyên gia nước ngoài (chủ yếu là Trung Quốc) xây dựng không phép ở quận Cẩm Lệ”. Nhà xây chui, còn khách ở lậu, cứ như Đà Nẵng vô chủ. Còn tổ hợp và căn hộ khách sạn Centre Coast (quận Sơn Trà) xây hơn 10 tầng nhưng khi kiểm tra cũng không có giấy phép. Rồi chuyện biệt phủ trên đèo Hải Vân của một cựu quan chức thành phố, lằng nhằng chuyện tháo dỡ dù vi phạm mười mươi…
Đó chỉ là những việc điển hình. Nếu không có báo chí và người dân phát hiện thì thành phố phải chăng “giả mù không thấy, giả điếc không nghe”? Lẽ nào thành phố lại hoàn toàn tê liệt trước các sai phạm rất lớn và có chủ đích như vậy? Dù là do năng lực quản lý quá kém hoặc có sự thỏa hiệp ngấm ngầm, cả hai đều khó mà chấp nhận, đặc biệt là với Đà Nẵng - thành phố tôi yêu. Những người yêu mến Đà Nẵng như tôi còn có phần bất ngờ trước một số thông tin đồn thổi về tài sản “khủng” hoặc việc sử dụng phương tiện nhập nhằng về nguồn gốc của người này người khác.
Lâu nay, biết tôi yêu Đà Nẵng hơi quá, nhiều bạn bè cũng góp ý. Thậm chí chỉ ra những bất cập, những điều chưa hoàn hảo ở Đà Nẵng. Tôi vẫn không thay đổi tình cảm vì tôi biết những khiếm khuyết đó có thể chấp nhận được. Nhưng lần này thì bất ngờ và có phần thất vọng.
Rất mừng là khi dư luận và xã hội lên tiếng, lãnh đạo thành phố đã cầu thị lắng nghe và giải quyết kịp thời. Quan trọng hơn là làm sao những vấn nạn nhức nhối này không còn tái diễn tại Đà Nẵng - thành phố tiên phong với những điều tốt đẹp. Rất yêu Đà Nẵng nhưng tôi cứ giật mình thon thót khi đọc những thông tin không vui về thành phố.
Trần Trung Dân