Nêu rõ vấn đề chất vấn trước Quốc hội, nhưng đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy và đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đều cho biết mình chưa hài lòng về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng.
Vì sao dự án hạt nhân Ninh Thuận bị dừng?
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) về trách nhiệm của các bộ, ngành về dự án trọng điểm quốc gia, Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư hiện nay chỉ có dự án quan trọng quốc gia.
Do vậy, việc chuẩn bị báo cáo sơ bộ gửi trước Quốc hội cũng dựa trên nhóm vấn đề này và để xác định được trách nhiệm của các bộ, ngành cần phải nêu lại các quy định trách nhiệm của các bộ, ngành đối với từng loại dự án này, nằm ở các quy định pháp luật nào và được xác định ra sao.
Riêng với các dự án quan trọng quốc gia, trách nhiệm của Bộ KH-ĐT là chức năng Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước; thực hiện công tác giám sát; huy động và phân bổ các nguồn vốn đầu tư, tham mưu phân bổ các nguồn vốn đầu tư và thực hiện các dự án nếu sử dụng NSNN.
Theo ông Dũng, trong giai đoạn 2011 - 2015 Bộ có tổ chức thẩm định một dự án quan trọng quốc gia là sân bay Long Thành, đã báo cáo Quốc hội và vừa qua có thẩm định dự án đường cao tốc Bắc Nam....
Chưa hài lòng với trả lời của Bộ trưởng, Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đưa biển tranh luận. Đại biểu nói, trong báo cáo Bộ trưởng gửi đại biểu Quốc hội phần thì trích dẫn các văn bản quy phạm pháp luật, phần thì viện dẫn các văn bản pháp luật, thậm chí viện dẫn không đúng.
Ví dụ như Bộ trưởng vừa nói dự án đường cao tốc Bắc - Nam, nhưng dự án này ngày 30.5.2017 Chính phủ mới có Tờ trình trình Quốc hội chứ Quốc hội chưa thông qua nên không thể gọi là trách nhiệm trong việc thực hiện dự án.
"Ở đây tôi muốn hỏi cụ thể trách nhiệm của Bộ trong thực hiện dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận như thế nào mà vừa qua chúng ta có Nghị quyết tạm dừng. Và Bộ trưởng có cam kết gì để khắc phục hạn chế", bà Thúy nhấn mạnh.
Vì sao thu hút FDI vào nông nghiệp thấp?
Giải đáp câu hỏi của đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) về việc thu hút vốn FDI vào nông nghiệp còn thấp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng do đặc thù đất đai nhỏ lẻ, manh mún, khó áp dụng ngay khoa học kỹ thuật vào các mô hình; nguồn lực hạn chế. sự kết nối giữa doanh nghiệp, người dân và các nhà đầu tư chưa bền vững là nguyên nhân chưa thể thu hút mạnh dòng vốn FDI vào nông nghiệp.
"Thực chất, lợi thế so sánh trong lĩnh vực nông nghiệp giữa các địa bàn đối với các nhà đầu tư nước ngoài chưa hấp dẫn. Hiện mới chỉ có khoảng 0,9% vốn FDI vào nông nghiệp và các dự án trước đây chủ yếu thất bại", Bộ trưởng nói.
Nêu giải pháp cho tình trạng này, Bộ trưởng Dũng kiến nghị phải mở rộnghạn điền, tích tụ ruộng đất lớn hơn và có quy hoạch nguồn nguyên liệu ổn định và rõ ràng. Cùng với đó là hỗ trợ kết nối giữa các doanh nghiệp lớn, hình thành chuỗi; đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nông nghiệp công nghệ cao…
Bộ trưởng cũng chia sẻđang sửa Nghị định 210 về hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có các ưu đãi, cơ chế, chính sách áp dụng cho cả doanh nghiệp nước ngoài với lĩnh vực nông nghiệp trong khuôn khổ pháp luật cho phép.
Về quan điểm thu hút vốn FDI, Bộ trưởng khẳng định sẽ hướng đến các ngành công nghệ cao, công nghệ mới thân thiện với môi trường, ít sử dụng tài nguyên, ít sử dụng năng lượng và ít sử dụng lao động nhất; không tập trung vào những lĩnh vực gia công; đồng thờicó những chính sách để chống chuyển giá của nước ngoài và khuyến khích chuyển giao công nghệ.
Không có cơ chế xin - cho
Về câu hỏi của đại biểuHoàng Quang Hàm về việc phân bổ vốn chậm có phải do Luật đầu tư công, do cơ chế xin - cho, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đãtrả lời thay cho Bộ trưởng KH-ĐT rằng:
“Các công trình quan trọng quốc gia là do Quốc hội quyết. Đường cao tốc Bắc Nam, hay dự án chống ngập TP.HCM, đều phải là Quốc hội, nhưng các hồ sơ đều chưa đầy đủ nên chưa thể xem xét ở kỳ họp này. Việc chậm là do chỗ này. Trách nhiệm của Bộ KH-ĐT là do chậm trình Quốc hội".
Các bộ vẫn thích “ôm” việc
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) không đồng tình với quan điểm của Bộ trưởngDũng về trách nhiệm phân bổ ngân sách của địa phương. Theo bà, không thể có chuyện chưa điều chỉnh được thì tùy từng địa phương áp dụng. Áp dụng pháp luật là phải nghiêm minh, thống nhất và đồng bộ. Quyết định đầu tư công là dùng ngân sách nhà nước nên không thể tùy tiện nơi nào muốn làm kiểu gì cũng được.
Theo bà cần rà soát toàn bộ Luật Đầu tư công để phân cấp mạnh hơn nữa. Hiện nay đang là phân cấp ngược kéo về Bộ KH-ĐT nhiều hơn trước đây. Điều này là không hợp lý trong khi các địa phương đang rất khó khăn và lúng túng.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cũng không đồng tình khi Bộ trưởng Dũng cho rằng “trách nhiệm trong phân bổ vốn chậm thuộc về các địa phương, chứ không có trách nhiệm của Bộ KH-ĐT”.
Vấn đề này, Bộ trưởngDũng nhắc lại việc các dự án ở địa phương do HĐND hoặc ủy quyền cho Thường trực HĐND quyết định. Tuy nhiên, thực tế nó ảnh hưởng đến các địa phương, Bộ sẽ báo cáo để điều chỉnh. Tinh thần chung là chúng tôi cũng muốn hài hòa tạo mọi chủ động cho các địa phương.
Bộ trưởng Dũng cũng khẳng định tinh thần của Luật Đầu tư công không đi ngược với việc phân cấp lại cho địa phương và cũng không phải cố gắng để kéo về cho Bộ KH-ĐT. Những cái thuộc về ngân sách nhà nước thì buộc phải làm công tác thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Bởi vì chính nó làm phát sinh nợ đọng xây dựng và đầu tư dàn trải.
Luật Đầu tư công đưa ra để khác phục tình trạng này. Trước khi quyết dịnh phải khẳng định xem có nguồn hay không. Bộ KHĐT đang làm công việc thẩm định lại nguồn và khả năng cân đối với những dự án sử dụng ngân sách trung ương. Còn lại của địa phương thì vẫn thuộc thẩm quyền của địa phương thẩm định và không có chuyện nguồn vốn của địa phương mà đưa lên trung ương.
Tuy nhiên, bà Quyết Tâm cho biết chưa đồng tình với phần trả lời của Bộ trưởng và sẽ chất vấn Phó thủ tướng vào buổi chiều.
Đề cập đến vấn đề này, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cũng thừa nhận việc giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, không phân bổ hết dự toán. "Chúng ta có tiền mà không tiêu hết được". Phó thủ tướng cho rằng có nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng nguyên nhân chủ quan là chính. Dù thuộc thẩm quyền bộ nào thì cũng có phần trách nhiệm của Chính phủ. "Chính phủ nhận trách nhiệm trước Quốc hội để làm tốt hơn thời gian tới".
Theo đó, các Bộ, ngành đang mất nhiều thời gian rà soát ưu tiên để cắt giảm, nên làm chậm thời gian giải ngân; nhiều quy định của Luật Đầu tư công còn cải trở việc giải ngân. Trong khi đó, các Bộ, ngành cũng "giằng xé rất nhiều trong lựa chọn; có trình trạng việc nào cũng muốn làm, khiến cắt giảm dự án khó khăn; việc phân công, phân cấp ủy quyền cho địa phương chưa quyết liệt”.
"Thẳng thắn mà nói là còn tình trạng thích ôm việc của một số Bộ, ngành. Một số Bộ thấy việc gì cũng quan trọng, việc gì cũng to để Bộ làm. Một số cán bộ nhũng nhiễu, yếu kém năng lực chưa được xử lý nghiệm”.
Chất vấn bộ trưởng, đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) nêu rõ: Theo báo cáo của bộ KH-ĐT, tuyến đường cao tốc Bắc-Nam sẽ làm trên 1.370 km, với tổng mức đầu tư 312.435 tỉđồng và suất đầu tư đường cao tốc là trên 12 triệu USD/km. Các chuyên gia quốc tế cũng đã tính suất đầu tư bình quân là 12 triệu USD sau khi trừ chi phí.
Ông so sánh, Trung Quốc có nhiều điều kiện tương đồng nhưng chi phí là 5 triệu USD, Mỹ và các nước châu Âu hơn 3 triệu USD/km. Như vậy, chi phí làm đường cao tốc 4 làn xe của Việt Nam cao gấp 2-4 lần các nước, nhưng chất lượng lại không bằng.
"Đường sắt cao tốc của ta thì suất đầu tư cũng 50 triệu USD, cao hơn các nước rất nhiều, gấp 2,5 lần của Thái Lan. Vậy bộ trưởng làm thế nào để trong điều kiện nguồn lực còn khó khăn, giảm suất đầu tư ở đường bộ, đường sắt?".
Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đã giải trình vấn đề này và cho rằngBộ GTVT và Bộ Xây dựng đang xem xét, tính toán. Trong đầu tư, giá thành phụ thuộc vào nhiều vấn đề. Đường 6 làn xe là 200 tỉ đồng/km chưa tính giải phóng mặt bằng.Ở Việt Nam có những khu vực có những mức giá khác nhau, miền núi, trung du, đồng bằng khác nhau, với dải suất đầu tư từ 7,4-17,2 triệu USD.
"Trong báo cáo của chúng tôi, đối với đường cao tốc 6 làn xe thì ở Đức 10,9 triệu USD/km; Áo 16,7 triệu, Mỹ 12,8 triệu USD/km, Trung Quốc 10,5-13,6 triệu USD/km. Còn Việt Nam dự tính 9,5 triệu USD/km đường cao tốc", Bộ trưởng Nghĩa nói.
Đường sắt thì theo dự kiến của phía Nhật Bản, khi xin chủ trương là 50 tỉ USD. Đến kỳ họp thứ 2 năm 2018 thì xin ý kiến Quốc hội, lúc đó có giá chính xác hơn.
Bên cạnh đó, Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) cũng cho biết, ĐBSCL có hơn 2 triệu ha đất trồng lúa và 800.000 ha đất nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện các công trình quan trọng, khu vực này đang chậm so với kế hoạch, trong đó có tuyến cao tốc Trung Lương-Cần Thơ vẫn chưa hoàn thành. Vậy trách nhiệm của Bộ trưởng trong vấn đề này thế nào và khi nào dự án hoàn thành?
Bộ trưởng Nghĩa cho biết, đoạn cao tốc này khởi công 2010, tuy nhiên có những khó khăn và chưa hợp lý, Bộ đang kiểm tra. Ví dụ như đoạn Trung Lương - Mỹ Thuận trước kia quy mô mặt cắt ngang chỉ 13m trong khi đoạn TP.HCM - Trung Lương là 17m. Việc có một đoạn 13m khiến có nút thắt, không đồng bộ nên phải điều chỉnh lại, thu xếp thêm vốn. Chính phủ hiện cũng đồng ý điều chỉnh quy mô chung 17m.
"Thời điểm này, dự án chỉ chờ ngân hàng đàm phán thu xếp vốn, ký cam kết tài trợ là có có thể triển khai bình thường. Riêng đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ được thực hiện nằm trong gói cao tốc Bắc Nam trong thời gian tới", ông Nghĩa nói.
Cho rằng nguồn vốn cho ngành giao thông đang rất thiếu và mong các đại biểu chia sẻ, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết: “Tôi đang báo cáo riêng với Thủ tướng Chính phủ để dùng nguồn vốn dự phòng, ưu tiên cho ngành giao thông. Nếu chúng ta đầu tư cho giao thông cũng thúc đẩy những ngành khác. Đây là nhu cầu cấp bách của các địa phương nhưng ngân sách có hạn”.