Các đại biểu cho rằng để tránh tình trạng tham nhũng chính sách, cần chú trọng khâu phân tích chính sách và lấy ý kiến của người dân, nâng cao chất lượng thẩm tra và trách nhiệm giải trình.

Đại biểu kiến nghị nâng cao trách nhiệm giải trình để tránh tham nhũng chính sách

Lam Thanh | 26/03/2021, 14:00

Các đại biểu cho rằng để tránh tình trạng tham nhũng chính sách, cần chú trọng khâu phân tích chính sách và lấy ý kiến của người dân, nâng cao chất lượng thẩm tra và trách nhiệm giải trình.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 11, họp phiên toàn thể tại Hội trường ngày 26.3, Quốc hội đã thảo luận về thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa 14 của Quốc hội.

quoc-hoi-4.jpg
Quốc hội thảo luận tại hội trường - Ảnh: VPQH

Khắc phục tình trạng gửi tài liệu muộn

Đại biểu Ngô Sách Thực (Bắc Giang) đánh giá cao những thành tựu mà Quốc hội khóa 14 đạt được, cho rằng Quốc hội 14 đã chú trọng công tác lập pháp, kịp thời phê chuẩn các hiệp định quốc tế, góp phần đưa đất nước hội nhập; các chính sách của Quốc hội được người dân và doanh nghiệp đón nhận, được dư luận đánh giá cao.

“Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phân tích và làm đậm nét những kế quả đạt được cũng như thẳng thắn chỉ ra những hạn chế còn tồn tại, từ đó đúc rút ra những bài học, kinh nghiệm quý liên quan đến hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất trong nhiệm kỳ qua. Quốc hội khóa 14 thực sự để lại những dấu ấn tốt đẹp trong lòng nhân dân và đã hoạt động thực sự vì nhân dân”, đại biểu Ngô Sách Thực nhận định.

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) cho rằng, những đổi mới trong hoạt động Quốc hội thời gian qua đã mang lại những hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao chất lượng công tác lập pháp, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước. Quốc hội đã ngày càng thể hiện sâu sắc là hiện thân của khối đại đoàn kết dân tộc, hoạt động với tư duy sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ, linh hoạt, thận trọng, quyết đoán...

Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được trong hoạt động lập pháp, một số ý kiến cho rằng, hoạt động lập pháp cũng còn những hạn chế nhất định như chương trình xây dựng luật, pháp lệnh còn phải điều chỉnh nhiều; một số dự án, dự thảo được đưa vào chương trình nhưng chính sách chưa rõ, chưa đánh giá tác động sâu sắc; một số báo cáo thẩm tra còn có nội dung chưa thể hiện rõ quan điểm, chưa cung cấp đầy đủ luận cứ phục vụ việc xem xét, lựa chọn phương án đối với vấn đề còn có ý kiến khác nhau…

Góp ý kiến với các dự án luật, Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) mong muốn cần sớm khắc phục được tình trạng gửi tài liệu muộn khi xin ý kiến góp ý của đại biểu đối với các dự án luật.

Đại biểu đề nghị nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động lấy ý kiến đóng góp trực tuyến, bảo đảm có càng nhiều ý kiến đóng góp của các đối tượng chịu tác động của luật càng tốt.

Trong nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật, Đại biểu Ngô Sách Thực đề nghị cần tiếp tục lưu ý đến vấn đề chất lượng và số lượng đại biểu quốc hội chuyên trách có đủ tâm, đủ tầm, đủ năng lực, góp phần tích cực vào công tác xây dựng pháp luật và các hoạt động khác của quốc hội.

Tránh tham nhũng chính sách

Về hoạt động giám sát, một số ý kiến đại biểu đề nghị cần quan tâm nâng cao hơn nữa hiệu quả giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tránh tình trạng tham nhũng chính sách.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng để tránh tình trạng tham nhũng chính sách, cần phải đặc biệt chú trọng đến chất lượng khâu phân tích chính sách và lấy ý kiến đóng góp của người dân, doanh nghiệp trong xây dựng chính sách cũng như nâng cao chất lượng thẩm tra và trách nhiệm giải trình của cơ quan đề xuất chính sách.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo một số đại biểu, hoạt động giám sát vẫn còn những hạn chế như: Hiệu quả giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa cao, nhất là văn bản quy định chi tiết thi hành luật. Việc giám sát chưa toàn diện, nhiều lĩnh vực bị “bỏ ngỏ” như lĩnh vực dân tộc, thiểu số miền núi.

Giám sát của Quốc hội, các cơ quan của của Quốc hội chưa được thực hiện ở những việc vụ lớn nổi cộm, bức xúc dư luận; việc giám sát cá nhân của đại biểu Quốc hội chưa được thực hiện nhiều; chưa có cơ chế xác định bổn phận và trách nhiệm và điều kiện thực hiện giám sát của cá nhân.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đề nghị: “Quốc hội cần tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương khóa 13 ban hành Nghị quyết về tăng cường năng lực, hiệu lực và hiệu quả của giám sát Quốc hội, Hội đồng nhân dân, chú trọng giám sát việc sử dụng quyền lực và sử dụng nguồn lực của đất nước”.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) cho rằng, vấn đề hậu giám sát cần được Quốc hội quan tâm hơn nữa.

“Quốc hội quan tâm nghiên cứu thêm về hậu giám sát một cách thiết thực, cụ thể với các tiêu chí định lượng rõ ràng, các chỉ số đo khả tín, tạo niềm tin vững chắc hơn cho cử tri với công tác giám sát của Quốc hội.

Thực tế Đảng, Chính phủ, các cấp đã rất tích cực xử lý đơn thư nhưng vẫn còn những vụ việc kéo dài. Rất nhiều vụ việc đã có các văn bản ngừng tiếp nhận đơn thư của các cấp nhưng người dân vẫn tiếp tục gửi đơn ý kiến và không muốn ra tòa.

Về việc này, tôi nghĩ cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và giám sát việc thực hiện pháp luật hơn nữa. Cần nghiên cứu thêm các giải pháp hiệu quả hơn để không làm lãng phí thời gian của người dân, của đại biểu Quốc hội và các cơ quan có trách nhiệm giải quyết và cũng tạo thêm niềm tin của cử tri đối với Quốc hội”, bà Lân nêu.

Đồng quan điểm, Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Long An) cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý, nhất là Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, đổi mới cơ chế để tăng cường hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề, tăng cường vai trò của đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đối với hậu giám sát.

“Việc này cần làm thường xuyên, tránh tình trạng 'bệnh tình tái phát', khi giám sát lại thì tình hình trầm trọng hơn giám sát lần trước. Nghiên cứu sửa đổi Luật Hoạt động giám sát quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của Chính phủ trong việc ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề, có cơ chế ràng buộc trách nhiệm tăng cường chế tài xử lý trách nhiệm trong việc thực hiện Nghị quyết giám sát chuyên đề. Chính phủ xác định rõ trách nhiệm của bộ trưởng, trưởng ngành trong triển khai Nghị quyết giám sát”, ông Nguyễn Tuấn Anh nói.

Theo Đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị), cần có cơ chế giám sát đối với từng đại biểu Quốc hội, có cơ chế giám sát “lời hứa” của các đại biểu. Đại biểu đề nghị Quốc hội khóa mới cần chủ động hơn nữa, dành thời gian giám sát hoạt động tư pháp, tăng cường giám sát các vụ việc để Quốc hội thực sự lắng nghe, thấu hiểu, hành động vì dân.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
9 phút trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đại biểu kiến nghị nâng cao trách nhiệm giải trình để tránh tham nhũng chính sách