Tham luận tại hội thảo khoa học quốc gia “COVID-19 - tác động và phản ứng chính sách” vừa diễn ra, TS Trần Phương Thúy (Học viện Tài chính) cho rằng khẩu trang là sự may mắn hiếm có của ngành dệt may trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Khẩu trang xuất khẩu tăng đột biến
Đại dịch COVID-19 đã làm cho nhu cầu khẩu trang của thế giới tăng vọt. Ngay cả những quốc gia không có thói quen sử dụng khẩu trang trong đời sống hằng ngày như các nước Âu-Mỹ cũng phải đẩy mạnh nhập khẩu khẩu trang.
Do đó, nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp dệt may đang bị ảnh hưởng lớn bởi COVID-19 đã nhanh chóng tận dụng cơ hội để bù đắp phần nào khó khăn.
Trong khi đó, Trung Quốc - nước sản xuất khẩu trang hàng đầu thế giới lại ở ngay tâm dịch và khan hiếm khẩu trang trầm trọng. Việc sản xuất ở Trung Quốc đã chậm lại. Tình hình này giúp nhiều nhà sản xuất khác ngoài Trung Quốc có thể tham gia vào thị trường khẩu trang xuất khẩu thế giới.
Đối với Việt Nam, theo Tổng cục Hải quan, khẩu trang xuất sang thị trường Trung Quốc tăng đột biến vào đầu năm 2020, cùng với thời điểm bùng phát cao điểm dịch ở Trung Quốc.
Riêng trong tháng 1, lượng khẩu trang Việt Nam xuất đi Trung Quốc tăng 260% so với mức trung bình của năm 2019. Chỉ riêng tại hai cửa khẩu Hữu Nghị, Chi Ma ở Lạng Sơn, hơn 4,2 triệu chiếc khẩu trang y tế đã được xuất sang Trung Quốc chỉ từ ngày 29.1 đến 3.2.
Trên thị trường nội địa, các loại khẩu trang tăng giá phi mã lên gấp 2-3 lần, thậm chí có loại bị hét giá tăng gấp 20 lần so với ngày thường.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang Việt Nam cũng tìm cách gia tăng sản lượng để đáp ứng nhu cầu trong nước. Theo Sở Công Thương TP.HCM, nếu tất cả các công ty cùng hoạt động hết công suất, riêng thành phố này có thể sản xuất khoảng 2,5 triệu chiếc/ngày.
Các công ty thuộc Vinatex như Dệt kim Đông Xuân, Tổng công ty X28 (Bộ Quốc phòng)... dù chưa từng sản xuất khẩu trang cũng đã nhập cuộc. Trong tháng 2.2020, Vinatex đã cung ứng ra thị trường 5,5-6 triệu sản phẩm khẩu trang vải kháng khuẩn cũng như cung ứng 10 tấn vải không dệt mỗi ngày để các đơn vị may khẩu trang y tế.
Theo Thống kê của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), với năng lực của 50 doanh nghiệp báo cáo với Bộ Công Thương có thể sản xuất 8 triệu chiếc khẩu trang/ngày, tương đương khoảng 200 triệu chiếc mỗi tháng.
Đến ngày 29.4.2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP bỏ quy định áp dụng chế độ cấp giấy phép xuất khẩu đối với mặt hàng khẩu trang y tế theo quy định tại Nghị quyết số 20/ NQ-CP, tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang.
Kết quả là nếu tính lũy tiến từ ngày 1.1.2020 đến 19.4.2020 thì tổng lượng khẩu trang xuất khẩu của Việt Nam là 415,7 triệu chiếc, trị giá 63,19 triệu USD. Vì thế, năng lực của các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang Việt Nam là rất lớn, không những đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường trong nước mà còn mở ra khả năng xuất khẩu tới các thị trường đang có nhu cầu.
Thoát "nạn" nhờ khẩu trang
Trái ngược với một năm 2019 tăng trưởng tích cực với tổng kim ngạch xuất khẩu xấp xỉ 40 tỉ USD, đầu năm 2020, dịch COVID-19 lan rộng, 70% doanh nghiệp may mặc đã phải cắt giảm nhân sự.
Tính hết quý 1, kim ngạch nhập khẩu vải giảm gần 20% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời sản phẩm dệt may xuất khẩu cũng giảm gần 10%, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê.
Đến tháng 3, khi các nhà sản xuất Trung Quốc khôi phục khoảng 80% hoạt động cung ứng nguyên phụ liệu thì tiếp đến giai đoạn 2 dịch bệnh bùng phát tại Mỹ và châu Âu - hai thị trường chính chiếm hơn 60% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm dệt may của Việt Nam.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, nếu dịch kết thúc vào khoảng tháng 6 thì ngành dệt may sẽ thiệt hại khoảng 12.000 tỉ đồng. Sức cầu giảm có thể kéo theo giá giảm tới trên 20%, 100% các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc đều bị ảnh hưởng.
Trong tình hình đó, khẩu trang đang là lối thoát, cơ hội may mắn của doanh nghiệp dệt may, bù đắp cho các đơn hàng may gia công xuất khẩu bị đối tác hoãn, hủy. Đối với Công ty May 10, các đơn xuất khẩu khẩu trang chiếm gần 30% doanh thu trong năm nay. Tương tự, Công ty may Thái Nguyên (TNG) doanh thu tiêu thụ nội địa quý 1 đạt hơn 63 tỉ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ và khẩu trang là mặt hàng giúp công ty bù đắp chính.
Phải chú trọng chất thay vì lượng
Tuy nhiên, khẩu trang là mặt hàng mang tính cấp thiết, nếu không xuất khẩu nhanh sẽ mất cơ hội. Với lợi thế năng lực sản xuất hàng may mặc xuất khẩu lớn, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tính lại bài toán tham gia lĩnh vực này một cách chuyên nghiệp và bền vững hơn.
Đại dịch COVID-19 cũng là thời điểm để các doanh nghiệp nâng cao thị phần trong nước, thay vì chỉ tập trung vào xuất khẩu như trước đây. Hơn nữa, với tình trạng môi trường đang ngày càng ô nhiễm và nhiều khói bụi, cùng với các dịch bệnh, chiếc khẩu trang đã trở nên thiết yếu đối với người dân. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp lớn phát triển thương hiệu và các doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng cường năng lực, chiếm lĩnh thị phần.
Với khả năng sẵn có, Việt Nam có đủ năng lực để trở thành một quốc gia sản xuất khẩu trang vải lớn trên thế giới. Tuy nhiên, để sản xuất lâu dài, các doanh nghiệp sản xuất khẩu trang Việt Nam phải đối mặt với không ít thách thức.
Cụ thể, khẩu trang là một mặt hàng có tính thời vụ, sự ổn định không cao. Khi dịch bệnh bùng phát, khẩu trang trở thành một mặt hàng thiết yếu. Nhưng khi dịch bệnh qua đi, nhu cầu về khẩu trang cũng sẽ giảm xuống.
Trên thị trường thế giới, khẩu trang đồng nghĩa với khẩu trang y tế, việc sử dụng khẩu trang vải chưa phổ biến. Các nước Âu-Mỹ không có thói quen sử dụng khẩu trang trong đời sống hằng ngày. Do đó, muốn đẩy mạnh xuất khẩu khẩu trang vải, cần có sự thông tin, quảng bá thêm để người dùng nhận biết được lợi ích của khẩu trang vải và chuyển sang sử dụng loại khẩu trang này.
Các doanh nghiệp dệt may có thể tranh thủ khai thác thị trường trong thời gian dịch bệnh, nhưng để coi đây là một sản phẩm lâu dài, đầu tư quy mô lớn thì cần thận trọng tính toán nhu cầu thị trường thực. Doanh nghiệp cần chủ động tìm thị trường cho khẩu trang vải Việt Nam xuất khẩu ra thế giới khi thị trường trong nước bão hòa.
Hơn nữa, khẩu trang Việt Nam cũng đang phải chịu sự cạnh tranh rất lớn từ các nhà sản xuất Trung Quốc. Nước này nắm giữ công nghệ, nguyên liệu, lại có lợi thế nhân công rẻ… nên dễ dàng cạnh tranh với các sản phẩm tương tự của Việt Nam.
Do đó, để tránh tình trạng nghẽn nguồn cung, các doanh nghiệp cần chủ động về nguồn nguyên liệu, thiết kế và tìm kiếm các bạn hàng khác trên toàn thế giới, với sản phẩm chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn.
Các doanh nghiệp cần quan tâm đến việc đáp ứng chất lượng khẩu trang xuất khẩu, thay vì chỉ quan tâm việc sản xuất ồ ạt - bài học từ ngành công nghiệp khẩu trang của Trung Quốc.
Việc nhanh chóng đổ vốn vào ngành này đã bộc lộ những vấn đề về chất lượng sản phẩm cho nhà nhập khẩu lẫn xuất khẩu. Nhiều nhà máy sử dụng nguyên liệu không đủ tiêu chuẩn, nhiều công ty gian lận chứng nhận để có thể xuất khẩu.
Bài học từ ngành sản xuất khẩu trang Trung Quốc cho thấy các doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm đến việc đáp ứng chất lượng khẩu trang xuất khẩu, thay vì chỉ quan tâm việc sản xuất ồ ạt với giá rẻ nhất.
Hơn nữa, khẩu trang là mặt hàng có tính chất đặc biệt do liên quan tới sức khỏe con người, nhất là trong dịch bệnh. Khẩu trang kém chất lượng không chỉ những doanh nghiệp bị tai tiếng, mà còn ảnh hưởng tới uy tín quốc gia. Các doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu kỹ các tiêu chuẩn của đối tác để đáp ứng.
Lam Thanh