Việc TP.HCM ấn định ngày khởi công xây dựng cầu Cần Giờ và dự án lấn biển vừa được Thủ tướng duyệt quy hoạch là những công trình sẽ thúc đẩy sự phát triển và đánh thức tiềm năng sẵn có của Cần Giờ.
Sắp khởi công xây dựng cầu Cần Giờ
Tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Cần Giờ của đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM diễn ra chiều 22.6, nhiều cử tri huyện Cần Giờ đề nghị TP.HCM thông tin về tiến độ xây dựng dự án cầu Cần Giờ nối huyện Nhà Bè với huyện Cần Giờ. Dự án này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 8.2016. Hiện nay, người dân Cần Giờ đang rất mong đợi khi cây cầu hoàn thành sẽ giúp cho huyện Cần Giờ phát triển về kinh tế - xã hội, đặc biệt là du lịch, qua đó góp phần nâng cao đời sống cho người dân và làm thay đổi diện mạo Cần Giờ.
Thông tin về dự án này, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM Bùi Hòa An cho biết theo kế hoạch, nếu việc giải phóng mặt bằng thuận lợi, dự án cầu Cần Giờ sẽ hoàn thành cuối năm 2025. Vào tháng 3.2019, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định phê duyệt kết quả tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu Cần Giờ.
Cầu Cần Giờ sẽ vượt sông Soài Rạp tại khu vực hạ lưu phà Bình Khánh hiện hữu. Điểm đầu của cầu tại nút giao giữa đường 15B với đường số 2, khu đô thị Phú Xuân, Nhà Bè. Điểm cuối kết nối vào đường Rừng Sác tại điểm cách phà Bình Khánh khoảng 1,8km về phía nam. Tổng chiều dài tuyến đường nghiên cứu khoảng 7,41km.
Ông Bùi Hòa An cho biết trước đây chủ đầu tư đề xuất làm dự án theo một trong hai phương thức là hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) hoặc BT. Dự kiến vào khoảng tháng 9 hoặc tháng 10.2021 sẽ khởi công dự án cầu Cần Giờ và cuối năm 2024 sẽ hoàn thành dự án này.
Tuy nhiên, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV vừa qua đã thông qua Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), mà luật này lại bỏ loại hình hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT) ra khỏi danh mục hợp đồng các dự án thuộc phương thức đầu tư PPP. Do vậy, TP.HCM phải có thời gian điều chỉnh lại việc lựa chọn nhà đầu tư, kéo theo đó thời gian khởi công, hoàn thành dự án cũng phải lùi lại.
Dự kiến đầu năm 2022, TP.HCM sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư, đến cuối quý 1/2022 sẽ triển khai dự án. Nếu theo hợp đồng 3 năm thì dự án sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2025, đầu 2026.
“Việc giải phóng mặt bằng thường mất nhiều thời gian hơn đầu tư xây dựng công trình. Mặt khác, giải phóng mặt bằng cũng thường làm chậm tiến độ làm dự án. Nếu được người dân đồng lòng, hỗ trợ, dự án mới hy vọng xây dựng đúng tiến độ.”, ông Bùi Hòa An nói.
Đã phê duyệt khu đô thị lấn biển Cần Giờ
Mới đây, Chính phủ đã đồng ý điều chỉnh diện tích khu đô thị lấn biển Cần Giờ từ 600 ha lên 2.870 ha với tổng mức đầu tư hơn 217.000 tỉ đồng. Trong đó, vốn chủ sở hữu hơn 32.500 tỉ đồng (chiếm 15% tổng mức đầu tư); còn lại là vốn vay thương mại. Đây là lần thứ hai dự án này được điều chỉnh quy mô, tăng gấp gần 5 lần so với quy hoạch ban đầu.
Thời hạn thực hiện dự án là 50 năm đối với phần mở rộng quy mô kể từ ngày được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Bên cạnh đó, phần diện tích biển 600 ha đã giao cho nhà đầu tư có thời hạn thực hiện 50 năm kể từ ngày 11.7.2007. Tiến độ thực hiện dự án là 11 năm kể từ ngày được quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Theo quyết định của Chính phủ, khi triển khai thực hiện dự án phải đảm bảo các vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh, quy hoạch giao thông, đồng thời thực hiện đầy đủ các nội dung bảo vệ môi trường (theo báo cáo đánh giá tác động môi trường). Cùng với đó là phải tuân thủ chặt chẽ khung pháp lý của UNESCO về dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, không gây ảnh hưởng xấu đến khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ…
Về dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cũng đã đề nghị lãnh đạo huyện Cần Giờ phối hợp với UBND TP.HCM công bố quy hoạch đề án này để người dân biết chắc chắn dự án này sẽ làm và đưa ra các lộ trình thực hiện đề án.
“Trong dự án này, ngay từ đầu đã xác định tuyến đường giao thông từ trung tâm TP.HCM về Cần Giờ đi qua rừng Sác sẽ được nâng cấp lại, bố trí lại để không ảnh hưởng đến môi trường và cũng dự kiến làm một tuyến đường tránh rừng”, ông Nhân thông tin.
Nằm cách trung tâm TP.HCM khoảng 50 km, Cần Giờ là huyện duy nhất của thành phố giáp biển với 23 km bờ biển chạy dài theo hướng Tây Nam - Đông Bắc, các cửa sông lớn từ các sông Lòng Tàu, Cái Mép, Gò Gia, Thị Vải, Soài Rạp, Đồng Tranh. Huyện có tổng diện tích tự nhiên hơn 71.300 ha, trong đó trên 70% là diện tích rừng ngập mặn và sông rạch.
Huyện Cần Giờ cũng sở hữu nhiều làng nghề truyền thống và các lễ hội văn hóa đặc sắc, thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch văn hóa - tín ngưỡng.
Định hướng của TP.HCM là đẩy mạnh khai thác thế mạnh du lịch của Cần Giờ, xây dựng và phát triển khu đô thị du lịch tầm cỡ khu vực và quốc tế tại đây. Thành phố mong Cần Giờ có thể góp phần tạo sự tăng trưởng kinh tế nhưng phải giữ được những lợi thế về tự nhiên và văn hóa ở đây.
Phan Diệu