Một người con hiếu thảo, thương nhớ người cha liệt sĩ, báo đáp bằng cách dựng ngôi nhà thờ hoành tráng và dát vàng cho nhiều hạng mục. Theo tính toán, để có được ngôi nhà thờ và quần thể kiến trúc bao quanh, người đàn ông này phải bỏ ra số tiền cả trăm tỉ đồng.
Ngôi nhà dát vàng
Về vùng đất cổ Chí Linh (Hải Dương), hỏi ngôi nhà thờ dát vàng, ai cũng biết và kể vanh vách về người dựng ngôi nhà độc đáo có một không hai ấy. Đó là anh Nguyễn Đức Lượng, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà Trường Linh.
Con đường làng đổ bê tông đẹp đẽ, chạy uốn lượn dưới chân đồi, xuyên qua những cánh đồng lúa bát ngát. Ngôi nhà thờ nằm ở cuối xã Tân Dân, dưới chân dãy núi Chí Linh. Hàng cau vua cao lừng lững, to cả người ôm rợp bóng hai bên đường dẫn vào ngôi nhà thờ mà cả huyện biết tiếng. Phía trong chiếc cổng hoành tráng, to như cổng thành vào cung vua, phủ chúa, có một cái bốt dành cho bảo vệ ngồi gác, như ở trụ sở doanh nghiệp, cơ quan lớn. Tuy nhiên, chả thấy ai ngồi gác trong cái bốt đó cả. Thế nên, tôi cứ tự nhiên đẩy cửa đi vào. Để đẩy được cánh cửa lim khổng lồ, dày đến 15cm, tôi phải ráng hết sức bình sinh.
Bước qua chiếc cổng lớn với bức tường cao chất ngất, cả một không gian như trong cổ tích hiện ra trước mắt. Phải nói rằng, cảm giác như lạc vào cõi tiên, như thể cung vua, phủ chúa, chỉ có trong những bộ phim dã sử hoành tráng của Trung Quốc. Tôi trộm nghĩ, các nhà làm phim Việt Nam mà mượn quần thể kiến trúc này làm bối cảnh dựng những bộ phim lịch sử thì không kém phần long trọng.
Nhiều đồ thờ được dát vàng |
Ngay trước ngôi nhà thờ là tòa nhà chính, với mái ngói đỏ chót và hồ bán nguyệt rất rộng, nước xanh ngăn ngắt. Xung quanh hồ bán nguyệt là một vườn cây cảnh khổng lồ. Những gốc sanh, si, đa, đề gân guốc, vằn vện bám trên đá minh chứng cho tuổi đời cả trăm năm có lẻ. Tôi chơi với giới đại gia chơi cây cảnh ở Việt Nam khá nhiều, cũng được chiêm ngưỡng vô số cây cảnh bạc tỉ, nên tôi có thể khẳng định rằng dù có tìm đỏ mắt cũng khó có thể thấy cây cảnh nào dưới bạc tỉ trong cái vườn thượng uyển bao quanh cái hồ bán nguyệt này.
Tôi lang thang trong vườn thì thấy một người đàn bà lớn tuổi đi ra. Bà là Nguyễn Thị Sáu, người trông nom hương khói cho ngôi nhà thờ và cũng là mẹ đẻ của chủ nhân ngôi nhà thờ đặc biệt này. Tính bà Sáu thật thà, chất phác. Tôi khen vườn cây toàn cây cảnh đẹp, bà Sáu mắng té tát: “Cha bố nhà nó! Không hiểu nó bỏ cả đống tiền ra để tha cây cối về làm gì. Cháu tính xem mấy cái cây sanh si tùng tiếc gì đó kia toàn 3-4 tỉ một cây thôi. Sợ thật đấy”. Nói rồi, bà Sáu dẫn tôi đến phía sườn phải của ngôi nhà thờ và chỉ vào cây tùng cổ thụ trồng trong chậu. Theo bà Sáu, cây tùng này được con trai bà mua về với giá 4,6 tỉ đồng. Hiện con trai bà đang sai người săn tìm thêm cây tùng nữa, bao nhiêu tiền cũng mua, để đặt sườn trái nhà thờ cho cân xứng.
Tâm điểm của toàn bộ không gian rộng lớn là ngôi nhà thờ bằng gỗ, mái ngói đỏ chót. Trên nóc nhà chạm trổ rồng phượng chầu vào 3 chữ lớn “Phúc Trường Minh”, có nghĩa là hạnh phúc tỏa sáng mãi mãi. Ngôi nhà khổng lô này có tổng cộng 49 cột gỗ lim già, cột nào cột nấy to đến nỗi 1-2 người ôm mới xuể. Để chứng minh điều này, bà Sáụ mở cửa để tôi xuống tầng hầm. Tôi đếm dưới tầng hầm thấy đủ 49 bệ đá. Cứ mỗi bệ đá, kê một cột lim vọt từ tầng hầm lên tận mái nhà. Giữa mùa hè nóng rát, nhưng tầng hầm ngôi nhà thờ mát rượi như có điều hòa. Những vật dụng đắt tiền, cổ kính khiến tầng hầm như một căn biệt thự sang trọng dưới lòng đất.
Không chỉ cỏ 49 cột bằng gỗ lim, mà toàn bộ ngôi nhà, từ kèo, cửa vách, hoành phi, câu đối, những tiểu tiết nhỏ nhất cũng bằng gỗ lim. Không có bất cứ một thứ gỗ gì khác lạc vào ngôi nhà này và cũng không có sự hiện diện của vôi vữa, xi măng, những vật liệu của thời hiện đại. Tôi bước chân vào ngôi nhà gỗ rộng thênh thang, được xây dựng theo lối cổ này. Bà Sáu bật điện lên. Tôi thực sự choáng ngợp với thứ ánh sáng lấp lánh của vàng ròng hắt ra từ các hoành phi câu đối, cột kèo. Khăp nơi là những liễn đối dát vàng lấp lánh, bằng chữ nho, với nội dung ca ngợi một con người có công với nước, dù đã về bên kia thế giới, song vẫn để lại tiếng thơm lâu bền. Những chiếc đỉnh, những hình rồng phượng, hoa lá chim muông trên khắp ngôi nhà, rồi những chiếc đao xếp thành hàng, võng lọng ngổn ngang đều toát ra màu vàng chóe, lấp lánh, cực kỳ thâm nghiêm, trang trọng. Riêng bàn thờ tổ rất lớn, vàng dát kín mít, xuống đến tận chân đế.
Giữa gian ngoài cùng có một lối đi vào hậu cung. Giữa gian hậu cung cực lớn là một bàn thờ uy nghi vàng rực. Mọi chi tiết trong hậu cung này đều được dát vàng nguyên chất. Chỉ riêng bức tượng đặt trên bàn thờ, là liệt sĩ Nguyễn Minh Độ, chồng của bà Sáu, cha của anh Ngụyễn Đức Lượng, là được đúc bằng đồng.
Tham quan, ngắm nghía từng chi tiết dát vàng trong ngôi nhà thờ mất cả tiếng mà không hết. Tôi hỏi bà Sáu rằng, không biết anh Lượng phải tốn bao nhiêu lượng vàng để dát khắp ngôi nhà khổng lồ này, bà Sáu chỉ cười tủm tỉm: “Đáng bao nhiêu đâu, tiền công dát vàng mới tốn. Mấy chục nghệ nhân dát vàng giỏi nhất phải làm mấy năm trời xong mỗi việc dát vàng thôi đấy”!.
Xây nhà thờ để tỏ lòng hiếu thảo
Người bỏ cả chục năm công sức cùng với số tiền cả trăm tỉ đồng để kỳ công dựng nhà thờ người cha liệt sĩ tại quê nhà là anh Nguyễn Đức Lượng, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà Trường Linh (trụ sở tại Hà Nội). Theo lời bà Nguyễn Thị Sáu, mẹ đẻ anh Lượng, thì chồng bà, cha anh Lượng, là liệt sĩ Nguyễn Minh Độ. Năm 1964 ông Độ là đại đội phó Đại đội pháo cao xạ, đóng quân ở Cát Bà (Hải Phòng). Ngày 6.8.1966, máy bay Mỹ trút bom xuống Hải Phòng, ông Độ đã cùng đồng đội chiến đấu quyết liệt. Đại đội pháo cao xạ đã bắn rơi một máy bay Mỹ. Trong trận đánh ác liệt đó, ông đã bị thương ở chân. Khi y tá băng bó vết thương cho ông, ông đề nghị chăm sóc cho những đồng đội khác bị nặng hơn. Nhưng không ngờ, vết thương ở chân lại gây ra cái chết của đại đội phó. Ông mất đi, để lại người vợ trẻ và cậu con trai mới 18 tháng tuổi.
Dù đi bước nữa, nhưng bà Sáu vẫn nuôi Lượng ăn học tới nơi tới chốn. Tốt nghiệp Trường đại học Kinh tế Quốc dân, anh Lượng làm việc cho một cơ quan nhà nước. Làm được vài năm, anh bỏ ra ngoài, lập doanh nghiệp, làm ăn như diều gặp gió. Khi đã giàu có, anh nghĩ đến người cha liệt sĩ của mình, về lại mảnh đất mà cha mẹ mình từng ở sinh ra anh, anh nảy sinh ý định làm một ngôi nhà thờ để tưởng nhớ đến cha. Ngôi nhà thờ đó phải độc đáo, ý nghĩa mang đậm văn hóa Việt và trường tồn với thời gian. Có ý tưởng rồi, anh mời nhiều nhà phong thủy, địa lý về xem thế đất. Thế đất thì đẹp, nhưng diện tích lại quá nhỏ, có 10 thước, tức 240 mét vuông, chỉ đủ xây cái nhà thờ nhỏ, không làm được cảnh quan nào khác nữa. Các thầy địa lý đều khuyên anh kiếm mảnh đất khác rộng rãi. Tuy nhiên, anh chỉ muốn dựng nhà thờ trên nền nhà cũ, trên chính mảnh đất mà người cha anh đã ra đi và mãi mãi không trở về.
Bên ngoài nhà thờ |
Để thực hiện ý nguyện của mình, anh đã cực kỳ nhẫn nại, thuyết phục làng xóm nhượng lại đất xung quanh cho anh. Từ mảnh đất 240 mét vuông, anh mua hết phía trước, mua rộng ra xung quanh và mua xuyên lên tận sườn dãy núi Chí Linh. Mảnh đất anh gom được rộng tới 5.000 mét vuông, nằm trên một thế đất vàng theo phong thủy. Trước mặt là vòng tay ôm của con sông Kinh Thầy, sau lưng là dãy Chí Linh án ngữ, đúng là dựa núi nhìn sông. Có mặt bằng rồi, anh Lượng tiến hành san đất. Một công trình kỳ công được anh tạo dựng suốt 10 năm trời, từ năm 1998 đến 2008 mới tạm hoàn thành.
Công trình công phu
Bà Sáu là người trông nom, quản lý quá trình xây dựng nhà thờ, nên bà thấy hết sự cầu kỳ, vất vả và tâm huyết của con trai. Riêng cái hồ trước nhà thờ, anh Lượng đã đào bới, xây dựng đến lần thứ 3 mới hài lòng. Lần đầu tiên anh làm hình elip, như quả trứng. Kè đá, xây tường xong, thấy không vừa mắt, anh lại ủi sạch và xây theo hình vuông. Thế nhưng, vài năm sau, thấy hình vuông không ổn, anh lại phá hồ xây thành hình bán nguyệt. Dưới mặt nước trong mát là hệ thống vòi phun nước, quanh hồ là hệ thống chiếu sáng. Chỉ cần bật công tắc, điện sẽ lung linh đủ màu, nước phun tung bọt lấp lánh.
Công trình tương đối cầu kỳ là... đắp núi. Phía cuối mảnh đất lại là 2 cái ao lớn. Để biến 2 cái ao đó thành quả đồi thoai thoải, gắn với sườn núi Chí Linh, anh phải đổ cả vạn khối cát. Tiếp đó, hàng ngàn xe tải chở cát, sỏi đổ lên trên, tạo ra độ cao cả chục mét so với nền cũ. Trên quả đồi đó, những cây đại thụ được trồng, tỏa bóng mát. Những bậc đá uốn lượn, cỏ mọc xanh rờn. Giữa khu đồi nhân tạo, anh Lượng đặt một tảng đá khổng lồ, nặng 46 tấn, để mảnh đất có bóng dáng của núi non. Phải 3 chiếc cẩu mới đưa được hòn đá lên.
Cầu kỳ nhất là làm ngôi nhà thờ dát vàng. Ngôi nhà tốn kém không biết baọ nhiêu công sức, tiền bạc của chủ nhân. Khi đã gom đủ lượng gỗ lim để dựng nhà, đội thợ mộc nổi tiếng của Sơn Tây, gồm vài chục người, có lúc lên đến cả trăm người, ăn dầm ở dề tại nhà anh đục đẽo. Suốt mấy năm trời kỳ công, đội thợ mới dựng lên được một ngôi nhà gỗ hoành tráng. Thế nhưng, nhà thờ làm xong, gia chủ nhòm ngang ngó dọc, thấy không hài lòng, vì nhà thì to, mà cột kèo, rui mè thì nhỏ, trông không hợp mắt, nên lại dỡ bỏ.
Vì gỗ lim ở Việt Nam rất hiếm, ở Lào cũng không còn, vả lại cũng không có lim lớn, nên anh Lượng phải đặt mua tận Nam Phi. Thợ đẽo gọt các cây lim già, chỉ lấy lõi làm các các cột lớn. Ngôi nhà do nhóm thợ Sơn Tây làm được dỡ bỏ, thay vào đó là đội thợ giỏi nhất của Nam Định. Thợ mộc thì xẻ gỗ, đục đẽo ngày đêm như xưởng mộc khổng lồ, thợ đá đến từ Ninh Bình thì đẽo gọt, mài giũa đá xanh, đá trắng để lát nền, chạm trổ long ly quy phụng...
Để có được 49 cột gỗ lim lớn, anh Lượng phải mua tổng cộng 98 cây lim già khổng lồ. Tầng hầm 49 cột lim, mỗi cột lại tương ứng với một cột ở tầng trệt. Công đoạn đánh bóng toàn bộ gỗ lim cũng rất cầu kỳ. Nhóm thợ không đánh bóng bằng giấy ráp, mà xoa bằng lá chuối lùn khô. Cứ xoa đi xoa lại vài chục lần, mất 6 tháng trời thì gỗ lim lên màu đen bóng, màu rất tự nhiên. Những viên gạch lát nền, ngói lợp mái cũng toàn đốt bằng rạ suốt 7 ngày đêm, chứ không phải bằng than, bằng gas, nên màu đẹp, bền. Loại gạch này có giá thành đắt gấp nhiều lần gạch thông thường. Theo bà Sáu, anh Lượng thuê nhiều kiến trúc sư và làm theo các bản thiết kế. Tuy nhiên, cứ làm xong, hoặc đang làm giữa chừng, thấy không hợp, lại đập phá, làm lại hết. Công trình hoàn toàn là ý tưởng, là tâm huyết, là sự ám ảnh của anh về cha.
Sau 10 năm, đổ không biết bao nhiêu tâm huyết, tiền bạc, phải công nhận rằng, đây là một công trình đẹp, hài hòa, mang đậm văn hóa Việt. Kể cả các chuyên gia kiến trúc cũng khó tìm thấy khiếm khuyết.
Ngoài công trình nhà thờ rộng 5.000 mét vuông, cũng phải nói thêm về khu vườn và khu mộ của liệt sĩ Nguyễn Minh Độ. Cùng với việc xây dựng khu nhà thờ, anh Lượng mua thêm 4 ha đất ruộng lầy thụt để làm vườn, trồng đủ các loại cây. Trong khu vườn đó, anh dành 1 ha đất để dựng khuôn viên mộ cha mình. Anh Lượng không xây mộ cha hoành tráng, mà chỉ xây nho nhỏ. Nhưng xung quanh mộ là những hàng cam, bưởi sai trĩu quả và cau tỏa bóng mát. Những hàng cau trong vườn có thể nói là đệ nhất nước Việt. Khoảng 13 ngàn cây, hàng lối đều tăm tắp do các nghệ nhân trồng, tỉa tót chăm sóc suốt nhiều năm. Hệ thống tựới tiêu trong vườn hoàn toàn tự động. Khu vườn đã đem lại bóng mát và vẻ đẹp bồng lai, chỉ với mục đích để linh hồn cha được an tịnh.
Anh Lượng không coi đây là công trình của riêng mình nữa, mà là công trình văn hóa của cả làng. Đêm rằm trăng sáng vằng vặc, các cụ ông quanh xóm tụ họp chơi cờ trong khuôn viên nhà thờ, trong vườn cây các cụ bà ngồi hát giao duyên, nhai trâu bỏm bẻm, trẻ con nô đùa nơi vườn thượng uyển.
Tìm hiểu kỹ lưỡng, tôi đoán công trình thờ tự cha của anh Lượng không dưới trăm tỉ đồng. Nhưng tôi thấy rằng đó không phải là sự lãng phí. Với trăm tỉ ấy, chỉ có thể mua được căn biệt thự không có gì đặc biệt ở Hà Nội. Nhưng với khu nhà vườn, nhà thờ tự độc đáo như thế này, thì có lẽ tìm cả nước cũng không ra.
Ngoài công trình trăm tỉ thờ cha mình, anh Lượng đã bắt đầu triển khai một công trình rất lớn cho xóm, đó là xây dựng chùa Mức. Ngôi chùa này được Ịàm toàn bằng gỗ lim, to gấp 3 nhà thờ cha anh. Hiện mặt bằng đã giải phóng, đã đền bù đất cho dân. Xưởng mộc, nhà ở cho công nhân đang được dựng lên. Dự tính, công trình này phải mất 10 năm mới hoàn thành và tốn kém có thể đến cả trăm tỉ đồng. Toàn bộ số tiền làm chùa do anh Lượng công đức và anh cũng là người trực tiếp xắn tay làm ngôi chùa này. Quả là một con người đặc biệt!
Theo Chuyện Đời