Dân Belarus chống "Luật ký sinh trùng", vốn là một sắc lệnh tổng thống đánh thuế nặng lên người thất nghiệp. Trên toàn Belarus đã diễn ra ồ ạt những cuộc biểu tình phản đối chính phủ Tổng thống Alexandr Lukashenko.
Theo báo Moscow Times ngày 16.3, trên toàn Belarus, hàng ngàn người dân xuống đường hôm 15.3, tiếp tục phản đối sắc lệnh đánh thuế người thất nghiệp.
Chính quyền "xử lý bọn sống ăn bám xã hội"
Tại thủ đô Minks, hơn 2.000 người phản đối tham gia một cuộc biểu tình chống chính phủ. Cuộc biểu tình này được cho phép. Ở các thành phố khác, hàng trăm người cũng biểu tình phản đối.
Những vụ biểu tình bùng phát hồi tháng 2.2017, khi chính phủ Tổng thống Alexander Lukashenko bắt đầu thực hiện sắc lệnh tổng thống buộc công dân không có việc làm hơn 183 ngày/năm thì phải đóng số tiền bồi thường tương đương 250 USD cho chính phủ bị thất thu thuế.
Phe chỉ trích nói đấy là số tiền quá lớn đối với một người dân, ở một quốc gia mà mức lương trung bình hàng tháng chưa tới 500 USD.
Sắc lệnh gây tranh cãi trở nên nổi tiếng với cái tên “Luật ký sinh trùng”, sau khi Tổng thống Lukashenko nói luật này nhằm xử lý “bọn sống ăn bám xã hội” ở Belarus.
Sau làn sóng biểu tình đầu tiên hồi đầu tháng 3, trong một động thái hòa giải hiếm có, ông Lukashenko tuyên bố việc áp dụng luật mới này sẽ được hoãn đến năm 2018.
Nhưng đối với nhiều người dân Belarus, sắc lệnh vẫn là một chủ đề để phản đối nhiều vấn nạn có tính hệ thống tại một quốc gia đang “đắng lòng” vì sự suy giảm kinh tế nghiêm trọng.
Bắt, đánh người biểu tình trong xe buýt
Ở những cuộc biểu tình đầu tháng 3, cảnh sát thẩm vấn những nhà hoạt động và thủ lĩnh các phe đối lập. Nhưng họ không bắt ai.
Nhưng đến ngày 15.3, đúng dịp lễ Ngày Hiến pháp Belarus, chính quyền sử dụng vũ lực để giải tán đoàn người biểu tình ôn hòa ở Minsk. Cảnh sát bắt khoảng 200 người biểu tình trên toàn Belarus.
Các tổ chức nhân quyền gọi đấy là vụ trấn áp lớn nhất ở Belarus, kể từ sau những cuộc phản đối chính phủ năm 2010.
Trong một video clip được cư dân mạng Belarus chia sẻ nhiều, nhân viên chìm của KGB (tên không thay đổi của An ninh Belarus) bắt và đánh người biểu tình trong những chiếc xe buýt.
Một video clip khác quay ở thành phố Mogilev (đông Belarus) những người đàn ông lạ mặt rượt đuổi một người phản đối, ném người này vào một chiếc xe không biển số, trông như một vụ bắt cóc. Người qua đường hét: “Mấy người là ai?, mấy người làm gì vậy?”.
Hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu người bị bắt, và giờhọ ra sao. Đại diện của tổ chức nhân quyền Viasna (ở Minsk) nói hiện có 52 người bị bắt ở thủ đô, nhiều người bị kết án khoảng 15 ngày tù.
Chính phủ cũng xử phạt hành chính (bắt nộp tiền) đối với một số người biểu tình khác.
Một biểu tượng của sự bất công
Các nhà quan sát ngoài Belarus đang theo dõi sát tình hình. Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về nhân quyền ở Belarus từ năm 2012, ông Miklos Haraszti lên án những vụ bắt giữ: “nguy cơ leo thang không chỉ là giả định mà hoàn toàn có thật” khi ông báo cáo với một ủy ban LHQ.
Ông tính trình một báo cáo về sắc lệnh mất lòng dân của Tổng thống Lukashenko lên Hội đồng nhân quyền LHQ vào tháng 6 tới.
Hội nhân quyền Quốc tế cũng ra tuyên bố về những vụ bắt giữ: “Chính quyền Belarus đã quay lại với phản ứng giật cục quen thuộc bằng cách bắt giữ người biểu tình ôn hòa”, là lời của ông John Dalhuisen, giám đốc của Hội này ở châu Âu và Trung Á.
Bà Olga Artemchik, một cố vấn pháp lý của công đoàn thương mại REP ở Minsk, nói: “Chúng tôi không nghĩ có quá nhiều vụ bắt bớ, vì cuộc biểu tình là hợp pháp”.
REP hiện đang hỗ trợ pháp lý và tài chính cho người phản đối bị cảnh sát bắt, và cho gia đình họ.
REP đã vận động chống “Luật ăn bám xã hội” từ khi chính phủ Belarus ráng đưa luật này đi vào cuộc sống từ đầu năm 2017.
Bà Artemchik nói mọi người ở mọi giai cấp xã hội đã tham gia chương trình ký tên tập thể phản đối luật này. Bà nói hầu hết những người ký tên không bị ảnh hưởng bởi luật, nhưng họ tin đấy là một sắc lệnh sai: “Không phải vì tiền bạc mà vì chính phủ đối xử bất công với nhân dân”.
Lời cảnh báo nguy cơ bạo lực
Nhà phân tích chính trị Viktor Karbalevich (người Belarus) nói sắc lệnh mất lòng dân đã trở thành biểu tượng của một sự bất mãn tràn lan nơi người dân: “Sắc lệnh đó vạch ra sự bất công của chế độ, vì nó “đánh” vào giai cấp nghèo nhất của xã hội”.
Dù Tổng thống Lukashenko tạm hoãn thi hành sắc lệnh, các cuộc biểu tình phản đối vẫn tiếp tục, vì cuộc khủng hoảng kinh tế-xã hội kéo dài.
Ông Karbalevich cảnh báo: suốt 20 năm qua, ông Lukashenko đã hy vọng xây dựng một xã hội thành công, không chấp nhận sự chuyển đổi vốn đã xảy ra ở nhiều nước thuộc Liên Xô cũ: “Nhưng hệ thống đang sụp đổ, và người dân bắt đầu cảm nhận được điều đó và họ đã nổi giận”.
Lần gần đây nhất chính quyền đàn áp mạnh các cuộc biểu tình lớn chống chính phủ là năm 2010, đã khiến Minsk bị quốc tế cô lập.
Ngày nay, ông Lukashenko chẳng lo ngại về sự lạnh lẽo của phương tây. Vì phương tây đang có quan hệ căng thẳng với chính phủ Tổng thống Nga Vladimir Putin, nên họ quyết bình thường hóa quan hệ với Belarus.
Ông Karbalevich nói: “Đấy là điều quan trọng hơn đối với họ, chứ không phải vấn đề nhân quyền”.
Hiện các chính khách phương tây thường xuyên đến Minsk. Ví dụvào ngày xảy ra những vụ biểu tình gần đây nhất, ông Lukashenko tiếp chuyện Ngoại trưởng Bỉ Didier Reynder.
Truyền hình Belarus thì cảnh cáo toàn dân rằng bất kỳ các cuộc biểu tình chống chính phủ có nguy cơ trở thành một sự hỗn loạn tương tự ở Ukraine.
Nhưng ông Karbalevich không nghĩ thế, nói tình hình hiện nay ở Minsk không thể so với tình hình ở Kiev năm 2014: “Belarus có chế độ cứng rắn hơn Ukraine thời cựu Tổng thống Viktor Yanukovich”.
Dù vẫn còn quá sớm để nói về một cuộc cách mạng, ông Karbalevich nhận định những cuộc biểu tình lớn bất thường hiện nay sẽ tạo ra một vài dạng thức thay đổi nào đó. Chúng cũng có thể dẫn đến bạo lực, và ông lưu ý rằng Tổng thống Lukashenko không ngại sử dụng vũ lực chống lại các đối thủ chính trị.
Kim Hương (theo Moscow Times)