Đánh giá việc rút lại các quyết định xử phạt của tỉnh An Giang là “tốt rồi”, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng việc nhận xét lãnh đạo là quyền của người dân. Nếu lãnh đạo cầu thị thì nên lắng nghe, còn không cầu thị, lại nổi khùng lên là điều không cần thiết.
Trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội hôm 25.11, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định việc tỉnh An Giang chỉ đạo rút lại các quyết định xử phạt hành chính và chính quyền, kỷ luật Đảng đối với 3 cán bộ nhận xét Chủ tịch UBND tỉnh An Giang trên Facebook là phù hợp.
“Tôi nghĩ rằng pháp luật hiện hành đã có những quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với người có hành vi thóa mạ, xúc phạm người khác rồi. Còn nhận xét đối với một người lãnh đạo thì đó là quyền của người ta. Nếu một người cầu thị thì nên lắng nghe, còn là một người không cầu thị thì có thể có những nổi khùng lên không cần thiết. Tôi cho rằng An Giang xử lý thế là tốt rồi”.
Theo Bộ trưởng Cường, ranh giới giữa việc quy kết “xúc phạm, thóa mạ” với “nhận xét” phụ thuộc vào người thực thi pháp luật.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết ông hoàn toàn đồng tình với quan điểm của Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn khi trả lời báo chí xung quanh vấn đề này.
Theo phân tích của Thứ trưởng Trương Minh Tuấn khi trả lời báo chí, một trong các hành vi bị cấm được quy định tại khoản 1, điều 5 Nghị định 72 của Chính phủ về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng là cấm “Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân”. Nếu vi phạm, sẽ bị xử lý nghiêm theo khoản 3, điều 64 của Nghị định 174 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.
“Tuy nhiên, theo quan điểm Bộ Thông tin và Truyền thông, trường hợp cụ thể tại An Giang mà ra quyết định xử phạt hành chính và kỷ luật về Đảng là chưa thoả đáng. Nói gương mặt “Chủ tịch kênh kiệu” hay “ông Chủ tịch không gần dân”, đó chỉ là một nhận xét đầy cảm tính. Với nhận xét đó, chúng tôi thấy chưa đủ yếu tố và đến mức độ để cơ quan chức năng xử lý người ta hành vi vi phạm hành chính theo quy định của Nhà nước”- Thứ trưởng Trương Minh Tuấn nêu rõ.
Thứ trưởng Tuấn khẳng định, nhận xét của công dân ở mức độ như vậy chưa phải là xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, mà đây chỉ là lời nhận xét. Mức độ này góp ý nhắc nhở thì tốt hơn, không cần thiết đến sự can thiệp của pháp luật.
Việc nhiều cơ quan cùng vào cuộc xác minh, họp hành, ra quyết định xử phạt hành chính và kỷ luật Đảng như tỉnh An Giang đã làm là việc làm tuỳ tiện và có dấu hiệu lạm quyền.
Bộ Thông tin và Truyền thông thấy việc phải thu hồi và hủy các quyết định xử phạt, kỷ luật này là hoàn toàn đúng đắn. Việc sử dụng quyền lực Nhà nước trong vụ việc này không hợp lý, thậm chí phản cảm. Sở Thông tin và Truyền thông An Giang cần rút kinh nghiệm ngay vụ việc không đáng xảy ra này”- ông Tuấn nêu quan điểm khi trả lời báo chí.
Như Dân trí đã phản ánh trước đó, chiều 24.11, Thường vụ Tỉnh ủy An Giang đã tổ chức cuộc họp để xử lý dứt điểm vụ “3 cán bộ bị xử phạt, kỷ luật khi chê chủ tịch tỉnh trên facebook”.
Cuộc họp thống nhất yêu cầu Sở Thông tin truyền thông, Đảng ủy khối dân chính Đảng tỉnh An Giang, Sở Công thương An Giang rút các quyết định xử lý phạt hành chính và chính quyền, kỷ luật Đảng đối với 3 cán bộ mà các cơ quan này đã ra quyết định xử lý trước đó (không phải là miễn phạt nếu các đương sự làm đơn).
Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông An Giang phải rút hai quyết định xử phạt hành chính mức 5 triệu đồng đối với bà Lê Thị Thùy T. (giáo viên Trường THPT Long Xuyên, TP.Long Xuyên) và ông Huỳnh Nguyễn Huy P. (nhân viên Điện lực An Giang).
Các hình thức kỷ luật về mặt Đảng, chính quyền những cán bộ “chê” lãnh đạo tỉnh trên Facebook cũng bị rút lại.
Thế Kha - Dân Trí