Tăng lương thì tốt quá. Nhưng vấn đề là phải "Có làm thì mới có ăn. Không dưng ai dễ đem phần đến cho". Lương là do cán bộ công chức làm thì mới có chứ không tự nhiên mọc lên được. Vì thế cũng tất nhiên, lương cao phải là do cán bộ công chức làm việc năng suất cao mà tạo ra.

Dân chưa giàu, lương cao ở đâu ra?

31/05/2018, 08:22

Tăng lương thì tốt quá. Nhưng vấn đề là phải "Có làm thì mới có ăn. Không dưng ai dễ đem phần đến cho". Lương là do cán bộ công chức làm thì mới có chứ không tự nhiên mọc lên được. Vì thế cũng tất nhiên, lương cao phải là do cán bộ công chức làm việc năng suất cao mà tạo ra.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Bản thân tôi là bộ trưởng lương chỉ 11,690 triệu, với mức lương này, tôi hỏi thật, chúng ta có đang sống bằng lương không?

Đề án cải cách chính sách tiền lương vừa được Chính phủ trình lên Trung ương, theo đó lương cán bộ công chức có thể đột biến lên tới 33,4 triệu đồng, khiến dân tình sửng sốt.

Thực ra, bấy lâu nay lương cán bộ chỉ 3 cọc 3 đồng không đủ ăn, ấy thế nhưng chả thấy cán bộ nào không đủ ăn, mà lại hầu hết đời sống ung dung, thậm chí nhà lầu xe hơi thênh thang.

Thế nên hôm rồi Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã phải thật thà rằng: “Bản thân tôi là bộ trưởng lương chỉ 11,690 triệu, với mức lương này, tôi hỏi thật, chúng ta có đang sống bằng lương không?”

Thật tình khó mà có ai trả lời là có. Mà thực tâm hầu hết cán bộ cũng phải thừa nhận rằng có thu nhập ngoài lương, và thậm chí sống bằng "thu nhập ngoài lương" là chính.

Thế cho nên thật ra hiện nay hầu hết cán bộ không cần tăng lương như đề án thì vẫn sống khỏe, nhiều trường hợp thậm chí còn sung túc, giàu có.

Nhưng quả thực tình, cái khoản "thu nhập ngoài lương" ấy, nói chung chung lại, thì nó cũng không phải là thứ mọi người mong muốn. Hay nói thẳng ra, nó còn có thể là bao gồm cả tham ô tham nhũng trong đấy, tức là những khoản thu nhập bất hợp pháp, bất chính.

Thế cho nên, bắt buộc, xu hướng tất yếu là cán bộ phải sống bằng lương, chỉ bằng lương, chứ không thể bằng "thu nhập ngoài lương" được.

Điều này được giải thích rằng, vì để cho cán bộ chuyên tâm công tác mà hưởng lương, chứ không còn phải phân tán tư tưởng ra những cách thức kiếm tiền ngoài lương nữa.

Như vậy thì phải tăng lương cho cán bộ công chức, để cán bộ công chức yên tâm mà công tác, là lẽ đương nhiên.

Thế nhưng vấn đề là ở chỗ, tăng lương cũng không giữ được cán bộ thoát khỏi cám dỗ vật chất. Bởi nhu cầu hưởng thụ của con người ngày càng cao, nên tiền lương có bao nhiêu cũng thiếu. Dù được tăng lương, thậm chí lương cao ngất ngưởng, nhưng cán bộ vẫn tích cực "kiếm tiền ngoài lương". Vì có chức có quyền trong tay là thứ "lợi thế" kiếm ra tiền, nên có lẽ, hiếm có cán bộ nào lại "dại dột" bỏ qua thứ "công cụ" kiếm tiền này.

Như vậy là, chưa tăng lương thì cán bộ công chức cũng đã sống ung dung nhờ "thu nhập ngoài lương", nay lại thêm khoản lương cao ngất ngưởng thì cán bộ công chức hẳn nhiên phải giàu to.

Cũng phải nói ngay, ai cũng có quyền làm giàu, và cán bộ công chức cũng thế. Cho nên cán bộ công chức nhà ta mà giàu thì là đáng mừng.

Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, thu nhập cán bộ công chức cao lên theo cách như thế thì đời sống người dân lại... thấp đi, vì... phải đóng thuế nhiều hơn để tăng lương cho cán bộ công chức. Hoặc tiền in thêm để trả lương gây lạm phát phi mã làm đời sống người dân khó khăn đi. Vậy thì điều này là có nên không?

Người dân thì không có lương để mà được tăng lương, cũng không có chức có quyền để mà có "lợi thế" kiếm thêm thu nhập, còn cán bộ thì trước nay vẫn sống ung dung nhờ "thu nhập ngoài lương" như lời Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã thật thà nói. Và tất nhiên "thu nhập ngoài lương" này thực ra chính là nhờ cán bộ có cái "lợi thế" có chức có quyền.

Cho nên, cán bộ công chức đã đang "giàu lại giàu thêm", còn người dân thì đang " nghèo lại nghèo thêm" khi sắp tới vừa vẫn phải oằn mình chịu tham nhũng lãng phí lại vừa phải còng lưng gánh thêm thuế hoặc chịu lạm phát để tăng lương cho cán bộ công chức. Vậy chúng ta có nên vội mừng?

Tăng lương thì tốt quá. Nhưng vấn đề là phải "Có làm thì mới có ăn. Không dưng ai dễ đem phần đến cho". Lương là do cán bộ công chức làm thì mới có chứ không tự nhiên mọc lên được. Vì thế cũng tất nhiên, lương cao phải là do cán bộ công chức làm việc năng suất cao mà tạo ra chứ cũng không phải lương cao là từ "trên trời rơi xuống". Cũng có nghĩa, lương cán bộ cao không thể từ việc cứ bắt người dân đóng thuế nhiều hơn hay in thêm tiền để ngân sách có thêm nguồn trả lương. Mà lương cán bộ cao phải là từ việc thực hiện nhiệm vụ làm cho dân giàu nước mạnh thì từ đó tất nhiên gặt hái được thành quả là lương cao. Dân chưa giàu, nước lại chưa mạnh, thì lương cao ở đâu ra? Chả lẽ đi vay nước ngoài để ăn. Nhưng với cách làm việc "hành chính" nhẩn nha như thế này thì liệu có "làm 1 đốt, cắn 1 gang", chẩng mấy chốc mà vỡ nợ?

Mà để cán bộ công chức chỉ tập trung tư tưởng vào việc đó để được hưởng lương cao chứ không còn lợi dụng chức quyền để kiếm thêm "thu nhập ngoài lương" nữa, thì phải chặn cho được cái “lợi thế chức quyền” này.

Có nghĩa là phải dân chủ triệt để, người dân phải được tôn trọng ý kiến, bình đẳng với cán bộ về vị thế. Khi chức quyền không còn là lợi thế nữa, thì các khoản "thu nhập ngoài lương" sẽ biến mất.

Đành rằng vừa qua trung ương đã hành động quyết liệt để làm trong sạch bộ máy, thế nhưng nếu cứ "cái lò gạch cũ" thì mãi vẫn cứ phải đi tìm từng "viên gạch lỗi" để mà "sửa". Cho nên phải cải tiến lại bộ máy hiện đại hơn thì chất lượng cán bộ công chức sẽ cao hơn. Và tất nhiên, khi đã sản sinh ra đội ngũ cán bộ công chức chất lượng cao thì lo gì không được "tay làm hàm nhai". Vì "bàn tay ta làm nên tất cả", khi khoán công việc vào tiền lương cho đội ngũ cán bộ công chức chất lượng cao thì tự họ sẽ nỗ lực làm việc năng suất để thu được lương cao. Chứ không phải "sáng cắp ô đi tối cắp về" làm việc nhẩn nha như hiện nay mà vẫn được tăng lương cao ngất ngưởng một cách dễ dãi, để rồi "trăm dâu đổ đầu tằm" người dân phải gánh chịu hết.

Cho nên, theo quy luật vận động của dòng chảy, để "mở" chỗ này, vừa nâng cao chất lượng cán bộ công chức vừa nâng cao tiền lương cho họ, thì phải "đóng" chặt chỗ kia, là những "lợi thế" chức quyền của cán bộ công chức và phong cách làm việc quan liêu của họ. Nếu không, cứ "mở thêm vòi" thì ngân sách chảy hết, người dân nào gánh nổi.

Phạm Mạnh Hà

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
5 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dân chưa giàu, lương cao ở đâu ra?