Sáng 14.11, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì buổi gặp gỡ, đối thoại với khoảng 50 hộ dân phường An Khánh, Thủ Thiêm và An Lợi Đông (quận 2). Đây là những hộ dân có nhà trong ranh quy hoạch bị ảnh hưởng bởi dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Ngoài ông Nguyễn Thành Phong, buổi làm việc cũng có sự tham gia của ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng ban tiếp dân - Thanh tra Chính phủ, cùng các lãnh đạo các sở, ngànhTP.HCM.
Như những lần trước, an ninh của buổi gặp gỡ được thắt chặt. Chỉ những hộ dân có giấy mời mới được tham dự trực tiếp ở hội trường, còn những người không có giấy mời sẽ tiếp tục theo dõi buổi làm việc qua màn hình.
Đề nghị thanh tra toàn bộ khu đô thị Thủ Thiêm
Mở đầu buổi tiếp dân, ông Nguyễn Long Tuyền - Chánh thanh tra TP.HCM đọc kết luận Thanh tra Chính phủ về kết quả giải quyết khiếu nại tại dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm và hướng giải quyết của UBND TP.HCM. Tuy nhiên, khi ông Tuyền đang đọc kế hoạch hỗ trợ, bồi thường thì nhiều hộ dân lên tiếng yêu cầu làm rõ vấn đề trong ranh, ngoài ranh.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phongđề nghị người dân giữ trật tự. Ông Phong nói rằng thành phố đang thực hiện theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ nên sẽ tập trung vào 2 nội dung chính là lắng nghe ý kiến người dân và hoàn chỉnh, bổ sung chính sách bồi thường. Vì vậy, thành phố sẵn sang lắng nghe người dân phản ánh.
Liên quan đến khu vực tái định cư 160 ha, ông Phong nói Thanh tra Chính phủ đã lập tổ công tác cùng nhiều bộ ngành đang kiểm tra và có hướng xử lý. Về chính sách bồi thường tái định cư, thành phố đã gặp bà con ở phường Bình An và Bình Khánh (khu 4,3 ha ngoài ranh quy hoạch) để trao đổi. Còn buổi gặp gỡ hôm nay là để xin ý kiến các hộ dân về 10 vấn đề mà thành phố xem xét hỗ trợ cho người dân đã được nêu trong cuộc tiếp dân trước đó.
Ông Nguyễn Thành Phong chủ trì buổi tiếp xúc bà con Thủ Thiêm - Ảnh: PD
Phát biểu tại buổi gặp gỡ, nhiều người dân nói rằng không quan tâm đến 10 vấn đề mà thành phố đã nêu. Người dân chỉ quan tâm đến kết luận của Thanh tra Chính phủ, bởi kết luận này không phải là thanh tra mà chỉ là kết quả kiểm tra nội bộ.
Ông Hoàng Thăng Long (phường An Khánh) cho rằng kết luận của Thanh tra Chính phủ không làm rõ được nội dung khiếu nại, tố cáo của người dân thời gian qua. Vì vậy, ông kiến nghị Thủ tướng thành lập đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra làm rõ đơn thư tố cáo của dân.
Đồng quan điểm, bà Trần Thị Mỹ (phường An Khánh) nói người dân Thủ Thiêm mong muốn có cuộc thanh tra toàn diện về dự án và làm rõ 160ha đất tái định cư ban đầu tại sao lại mất hút ? Để làm được điều này, lãnh đạo TP.HCM và người dân phải cùng nhau giải quyết theo đúng quy định pháp luật.
“Sau kết luận thanh tra, người dân sẵn sàng góp ý giải quyết vấn đề Thủ Thiêm nhưng có vẻ lãnh đạo TP.HCM không sẵn sàng”, bà Mỹ nói.
Bà Lê Linh (phường An Lợi Đông) cho biết người dân Thủ Thiêm đồng thuận việc xây dựng khu đô thị mới chứ không phải đồng thuận với chính sách bồi thường giải tỏa. Trong 10 nội dung mà thành phố đề xuất có nhiều điểm cần suy nghĩ. Đó làthành phố mới chỉ đề cập đến đất ở mà bỏ qua phần đất nông nghiệp, đất xen cài khu dân cư nằm trong địa giới hành chính phường.Vì vậy, cần phải nghiên cứu để hỗ trợ cho người dân.
Ngoài ra, thành phố nên chú ý trên một mảnh đất có thể có nhiều thế hệ gia đình sinh sống, thế nên khi giải quyết tái định cư, chính quyền xác định “một hộ khẩu" để đền một suất tái định cư là rất bất hợp lý.
Những cá nhân sai phạm sẽ bị xử lý thích đáng
Sau khi lắng nghe ý kiến của người dân, ông Nguyễn Hồng Điệp cho biết ông ghi nhận ý kiến bà con, đó là đề nghị thành lập đoàn kiểm tra, giám sát để thanh tra toàn diện dự án Thủ Thiêm.
Còn về 5 khu phố nằm ngoài ranh quy hoạch,bà con đề nghị những hộ dân có đất nằm ngoài ranh quy hoạch thì phải đền bù thoả đáng thìông sẽ báo cáo với Thủ tướng.
Ông Nguyễn Thành Phong hứa sẽ báo cáo Thủ tướng thanh tra toàn bộ dự án Thủ Thiêm -Ảnh: PD
Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nói rằng ông mong muốn người dân hợp tác với chính quyền TP.HCM đề giải quyết vấn đề Thủ Thiêm theo đúng pháp luật, bảo đảm quyền lợi cho người dân.
Theo ông Phong, vừa qua, TP.HCM có tổ công tác để đưa ra giải pháp giải quyết khiếu nại ở Thủ Thiêm, thế nhưng thành phố cần tiếp xúc và lắng nghe nhiều ý kiến của người dân. “Mặc dù đã đề ra 10 chính sách nhưng nếu người dân chưa đồng ý thì cần lấy ý kiến để chính sách thêm phù hợp”, ông Phong nói.
Về đề nghị thành lập đoàn thanh tra liên ngành thanh tra toàn bộ dự án Thủ Thiêm, Chủ tịch TP.HCM cho biết sẽ tiếp thu. Còn về diện tích các khu phố ngoài ranh quy hoạch, thành phố sẽ báo cáo Thủ tướng về ý kiến chưa đồng thuận của người dân. Đồng thời, thành phố sẽ cho rà soát lại 115 hộ dân để xem xét những hộ chưa nhận bồi thường, hoặc nhận nhưng chưa thỏa đáng để báo cáo lại với Thường vụ Thành ủy.
“Khi có chỉ đạo của Thủ tướng, UBND TP.HCM triển khai ngay chứ không chần chừ. Những ý kiến, hồ sơ mà người dân nêu ra trong buổi gặp hôm nay sẽ được UBND TP.HCM xem xét, giải quyết.
Chúng tôi xác định rất rõ giải quyết vấn đề Thủ Thiêm trên cơ sở lợi ích của người dân. Còn những cá nhân sai phạm liên quan dự án sẽ bị xử lý đích đáng theo đúng quy định của pháp luật”, ông Phong khẳng định.
Trước đó, ngày 7.11, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cũng đã gặp gỡ đại diện hộ dân 2 phường Bình An và Bình Khánh. Tại buổi tiếp xúc này, thành phố đã trình bày 10 vấn đề cần điều chỉnh trong chính sách bồi thường tại Thủ Thiêm và xin ý kiến người dân.
Trước đó, ở lần tiếp xúc ngày 18.10, ông Nguyễn Thành Phong cũng đã tiếp 30 hộ dân trong khu vực 4,3 ha (khu phố 1, phường Bình An) được Thanh tra Chính phủ kết luận xác định nằm ngoài ranh quy hoạch Thủ Thiêm.
1. Điều chỉnh thời điểm để tính bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, chỉ tính theo quyết định thu hồi đất năm 2002.
2. Điều chỉnh mức hỗ trợ chi phí bồi thường và tái định cư đưa về thời điểm 1997, không tính thời điểm quy hoạch tháng 6.1998 đối với đất có nguồn gốc lấn chiếm đất công, sông rạch, có thời điểm chuyển mục đích đất ở từ 15.10.1993 đến trước 16.9.1998.
3. Hỗ trợ đối với đất có nguồn gốc lấn chiếm đất công, sông rạch, có thời điểm chuyển mục đích đất ở từ 15.10.1993 đến trước 16.9.1998, gồm mức hỗ trợ và tái định cư.
4. Hỗ trợ đối với trường hợp đất có nguồn gốc lấn chiếm đất công, sông rạch, mục đích sử dụng đất ở từ 16.9.1998 đến ngày 10.5.2002.
5. Hỗ trợ với các trường hợp thuê đất do nhà nước trực tiếp quản lý với mục đích kinh doanh nhưng sử dụng để ở và kinh doanh, thời điểm chuyển mục đích thành đất ở trước ngày 15.10.1993.
6. Hỗ trợ với các trường hợp thuê đất do nhà nước trực tiếp quản lý, với mục đích kinh doanh nhưng sử dụng để ở và kinh doanh và thời điểm chuyển mục đích thành đất ở từ 15.10.1993 đến ngày 10.5.2002 sẽ xét hỗ trợ về đất cũng như hạn mức xét hỗ trợ về đất ở.
7. Nhà ở, đất ở bị giải tỏa một phần.
8. Đối với các tường hợp đã chuyển mục đích, cho thuê, cho người khác ở nhờ, trước đây nhóm này tính là đất nông nghiệp không dùng để ở, chúng tôi đã đề nghị xem xét điều chỉnh.
9. Điều chỉnh đơn giá đất nông nghiệp xen kẽ tổng khuôn viên đất ở.
10. Xem xét hỗ trợ đối với các trường hợp tự chuyển mục đích sau ngày 10.5.2002
Phan Diệu