Qatar bị các nước Ả Rập bao vây bằng cách cắt đứt quan hệ ngoại giao hôm 5.6, cáo buộc Qatar ‘chống lưng’ các tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan.

Đằng sau chuyện Qatar bị các nước Ả Rập bao vây

06/06/2017, 15:54

Qatar bị các nước Ả Rập bao vây bằng cách cắt đứt quan hệ ngoại giao hôm 5.6, cáo buộc Qatar ‘chống lưng’ các tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan.

Vua Salman của Ả Rập Saudi (phải) đi cạnh Tiểu vương Tamim bin Hamad al-Thani của Qatar-Ảnh Reuters

Cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn nhất Vùng Vịnh này cho thấy sự phân hóa sâu sắc giữa các đồng minh của Mỹ, trong lúc họ đang cung cấp sự giúp đỡ cần thiết cho chiến dịch tiêu diệt quân khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) của chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Qatar bị bao vây

Ngày 5.6, các nước Vùng Vịnh gồm Ả Rập Saudi, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), Ai Cập, Yemen và Bahrain bất ngờ tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar.

Lập tức cư dân thủ đô Doha của Qatar đổ xô đến siêu thị mua hàng hóa dự trữ, do Qatar có biên giới với Ả Rập Saudi, nước xuất khẩu 40% lương thực cho Qatar.

Báo chí Qatar đăng hình ảnh dòng người xếp hàng dài, xe đẩy chở đầy hàng hóa ở các siêu thị, các quầy hàng trống không. Cư dân Doha nói vài chợ bắt đầu hết nước uống, thức ăn đông lạnh và đóng hộp, và nhiều người đến các chốt ATM để rút tiền mặt số lượng lớn.

Bên cạnh đó, các láng giềng Vùng Vịnh của Qatar nói sẽ đóng cửa các hoạt động hàng không, hàng hải và đường bộ với Qatar, cấm máy bay và tàu thủy của Qatar sử dụng không-hải phận của họ, dù không chỉ rõ có hạn chế các chuyến bay-chuyến tàu Qatar đến các nước khác hay không. Qatar hiện là nước xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng lớn nhất thế giới.

Quyết định bao vây Qatar làm rối loạn các tuyến bay quốc tế, các hãng bay của UAE, Ả Rập Saudi, Bahrain, Ai Cập đều ngưng các chuyến bay đến Doha.

Hãng bay Qatar Airways cũng lập tức ngưng các chuyến bay đến Ả Rập Saudi, hủy các chuyến bay đến UAE, Bahrain, Ai Cập kể từ ngày 6.6 “cho đến khi có thông báo mới”.

Các nước Ả Rập cũng triệu hồi các quan chức ngoại giao và công dân của họ rời khỏi Qatar trong vòng 48 giờ. Ai Cập yêu cầu 250.000 công dân làm việc ở Qatar về nước.

Đảo quốc Maldives và chính phủ miền Đông ở Libya bị chia rẽ cũng tuyên bố tham gia trừng phạt Qatar. Nhưng Jordan và Kuwait không tham gia.

Qatar nói các biện pháp cắt đứt quan hệ ngoại giao và thương mại là không chính đáng, dựa trên những cáo buộc gian dối.

Chính phủ Iran phê phán hành động “bao vây” Qatar do Ả Rập Saudi dẫn đầu. Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif viết Twitter: “Láng giềng là mãi mãi, không thể thay đổi về địa lý. O ép không bao giờ là một giải pháp. Đối thoại là chính, nhất là trong tháng ăn chay Ramadan an lành”.

Lằn ranh mới trên nền cát Trung Đông

Ả Rập Saudi chỉ trích Qatar tài trợ và bao che những kẻ cực đoan’, chỉ rõ Qatar dính líu các tổ chức Hồi giáo như IS ở Syria và Iraq, Anh em Hồi giáo (ở Ai Cập) và phiến quân Houthi được Iran hậu thuẫn đang chiến đấu ở Yemen.

Ngày 5.6, hãng thông tấn Saudi Press Agency nói Qatar bị loại khỏi liên quân do Ả Rập Saudi dẫn đầu đánh phiến quân Houthi ở Yemen. Qatar khẳng định không hề can thiệp vào chuyện nội bộ các nước khác trong Hội đồng hợp tác Vùng Vịnh (GCC gồm 6 thành viên).

Theo báo Wall Street Journal, Qatar sử dụng sức mạnh tài chính để ủng hộ các tổ chức chính trị-vũ trang và các hoàng gia theo đạo Hồi dòng Sunni ở Vùng Vịnh đều nhận định là mối đe dọa quyền lực của họ. Qatar từng ủng hộ tổ chức Anh em Hồi giáo ở Ai Cập sau cuộc “Cách mạng mùa xuân Ả Rập” năm 2011.

Qatar cũng tiếp đón cựu thủ lĩnh tổ chức vũ trang Hamas, ông Khaled Meshaal, cũng như cung cấp “an toàn khu” cho các tổ chức vũ trang như Taliban ở Afghanistan. Theo New York Times, Qatar còn ủng hộ quân nổi dậy chống chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, nhưng cũng tài trợ cho các tay súng IS và Al-Qaeda ở Syria.

Giáo sư trợ giảng Andreas Krieg chuyên về nghiên cứu quốc phòng ở Đại học King’s College London, từng là cố vấn cho chính phủ Qatar, nói: “Đây là một sự gia tăng căng thẳng, và tôi không nghĩ có cách thoát dễ dàng. Người Qatar từ lâu đã tiếp đón những người bị cho là ngoài vòng pháp luật, và tôi không nghĩ ngày mai họ sẽ đuổi Hamas, Anh em Hồi giáo. Bạn không thể đá họ ra trong một sớm một chiều”.

Israel hoan nghênh vụ cắt đứt quan hệ ngoại giao. Michael Oren, một quan chức trong chính phủ Thủ tướng Benjamin Netanyahu, nói đấy là “một lằn ranh mới trên nền cát Trung Đông. Israel không còn chống Ả Rập nữa, nhưng Israel và Ả Rập chống lại bọn khủng bố do Qatar tài trợ”.

Tổng thống Mỹ thăm Ả Rập Saudi hồi tháng 5.2017

Tổng thống Mỹ công kênh Ả Rập Saudi, chọc tức Qatar

Trước đó, các quan chức Ả Rập Saudi và UAE đã trao đổi những quan ngại về Qatar với chính phủ Mỹ, theo nhiều quan chức cấp cao Ả Rập. Họ cho rằng ông Trump hiểu rõ tầm quan trọng phải thúc ép Qatar, do ông Trump quyết kiềm chế Iran và IS.

Hồi cuối tháng 5, căng thẳng gia tăng giữa các nước Ả Rập, khi hãng thông tấn Qatar tải những bình luận ca ngợi Iran. Tiểu vương Tamim Bin Hamad al-Thani của Qatar được cho là tác giả của những bình luận này.

Từ đó, Ả Rập Saudi và các nước khác trong khu vực chặn các trang điện tử của giới truyền thông Qatar. Qatar nói hãng thông tấn bị tin tặc tấn công, phủ nhận rằng không phải Tiểu vương là tác giả các bình luận. Ả Rập Saudi cũng đóng cửa văn phòng kênh truyền hình Al Jazeera ở thủ đô Riyadh. Hãng tin này đặt trụ sở chính ở Qatar.

Vụ chia rẽ giữa các đồng minh của Mỹ ở Trung Đông gây phức tạp cho chính phủ Mỹ, hai tuần sau khi Tổng thống Trump Trump đến Ả Rập Saudi và kêu gọi các đồng minh Ả Rập cùng chống khủng bố và chống tầm ảnh hưởng của Iran ở Trung Đông.

Một số nhà quan sát cho rằng vụ căng thẳng bất ngờ là dấu hiệu Ả Rập Saudi và các đồng minh khu vực lên khí thế, sau chuyến thăm của ông Trump.

Ở đó, Tổng thống Mỹ công bố những vụ bán vũ khí trị giá 110 tỉ USD cho Ả Rập Saudi, hứa hợp tác chặt chẽ với Ả Rập Saudi và tôn vinh Ả Rập Saudi là đối tác hàng đầu trong việc chống khủng bố và chống tầm ảnh hưởng của Iran.

Nhưng theo các nhà phân tích, khi ông Trump “công kênh” Ả Rập Saudi, ông chọc tức Qatar vốn chẳng ưa Ả Rập Saudi và UAE.

Qatar và Ả Rập Saudi lâu nay “kình” nhau, và dù Qatar nhỏ nhưng lại giàu có và có nguồn khí tự nhiên phong phú nên họ có tầm ảnh hưởng lớn, dùng tiền và giới truyền thông để ủng hộ “Cách mạng mùa xuân Ả Rập” 2011, Anh em Hồi giáo, Hamas....

Căn cứ quân sự Mỹ ở Qatar

Vụ căng thẳng ngoại giao cũng khiến Mỹ gặp phức tạp cho nỗ lực xây dựng một liên minh lớn ở Vùng Vịnh, trong nỗ lực chống khủng bố IS. Hiện trung tâm giám sát các cuộc không kích IS được đặt ở căn cứ quân sự Al-Udeid Mỹ tại Qatar., vốn là cơ sở quân sự lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông. 10.000 quân Mỹ trú đóng ở căn cứ lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông.

Một quan chức nắm tình hình nói với báo Wall Street Journal: không có chuyện dời căn cứ hoặc thay đổi quan hệ giữa Mỹ với Qatar. Bahrain thì tiếp đón Hạm đội 5,một trong những hạm đội lớn nhất của hải quân Mỹ. Như nhiều nước láng giềng ở Vùng Vịnh, Qatar đã chi hàng chục tỉ USD để mua vũ khí Mỹ và châu Âu trong những năm gần đây.

Qatar cũng tham gia liên quân do Mỹ dẫn đầu không kích bọn IS từ năm 2014. Thiếu tá Adrian Rankine-Galloway, người phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết máy bay Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này từ Qatar đến Iraq, Syria và Afghanistan, dù Qatar bị cắt đứt quan hệ.

Ông nói: “Chúng tôi khuyến khích tất cả các đối tác trong khu vực kéo giảm căng thẳng, cùng nhau tìm giải pháp để đảm bảo an ninh khu vực”. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã phát đi tín hiệu lo ngại, đề nghị làm trung gian hòa giải. Ông nói: "Chắc chắn chúng tôi khuyến khích các bên ngồi lại với nhau, tìm hướng tháo gỡ bế tắc theo hướng ngoại giao”. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cho biết ông lo ngại cuộc khủng hoảng ngoại giao sẽ tác động xấu đến cuộc chiến chống khủng bố.

Randa Slim của Viện Trung Đông (ở Washington) nói vụ căng thẳng ngoại giao khiến có thắc mắc: liệu chính phủ Mỹ có biết họ đã làm gì khi “công kênh” Ả Rập Saudi. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã phát đi tín hiệu lo ngại, đề nghị làm trung gian hòa giải. Ông nói:”Chắc chắn chúng tôi khuyến khích các bên ngồi lại với nhau, tìm hướng tháo gỡ bế tắc theo hướng ngoại giao”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis cho biết ông lo ngại cuộc khủng hoảng ngoại giao sẽ tác động xấu đến cuộc chiến chống khủng bố.

Trung Trực (tổng hợp)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
một giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đằng sau chuyện Qatar bị các nước Ả Rập bao vây