Mảng điều tra của trang Yahoo.News đăng ngày 2.6, thông tin chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump tung nỗ lực ngầm để dở bỏ lệnh cấm vận Nga nhưng lâm cảnh chưa được "vạn sự như ý"

Tổng thống Mỹ tung nỗ lực ngầm để dỡ bỏ lệnh cấm vận Nga

03/06/2017, 06:04

Mảng điều tra của trang Yahoo.News đăng ngày 2.6, thông tin chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump tung nỗ lực ngầm để dở bỏ lệnh cấm vận Nga nhưng lâm cảnh chưa được "vạn sự như ý"

Hai vị Tổng thống Mỹ-Nga Donald Trump và Vladimir Putin-Ảnh AP

Yahoo.News dẫn nhiều nguồn tin biết mọi diễn tiến, nêu trong những tuần đầu của chính phủ Tổng thống Trump, các quan chức chính quyền Barack Obama cùng các nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ “đấu” một cuộc chiến hậu trường khốc liệt, nhằm ngăn chặn nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Nga của chính phủ mới.

Nhân viên Bộ Ngoại giao bị bắt soạn kế hoạch dỡ bỏ cấm vận

Khi ấy, nhóm quan chức của ông Trump còn chưa được nhiều người dân Mỹ biết đến.Nhưng khi vừa nhận trụ sở, họ giao nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ nhiệm vụ phát triển nhiều đề xuất dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế Nga, mở lại các cơ quan ngoại giao của Nga cùng các bước khác để “hạ nhiệt” căng thẳng với Moscow.

Các nỗ lực này nhằm nới lỏng hoặc xóa bỏ các biện pháp trừng phạt mà Tổng thống Obama lập, với cớ Nga can thiệp vào khủng hoảng chính trị Ukraine năm 2014, và việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, theo hướng giúp kết quả bỏ phiếu nghiêng về ông Trump.

Các nguồn tin cho biết: các nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ rất cảnh giác, lập tức vận động hành lang các lãnh đạo quốc hội mau chóng thông qua luật để chặn nỗ lực làm hòa với Nga.

“Đó là những ý định nghiêm trọng của Nhà Trắng nhằm đơn phương hủy bỏ sự trừng phạt Nga”, theo lời Dan Fried, một quan chức Bộ Ngoại giao thâm niên từng là điều phối trưởng chính sách cấm vận Nga cho đến khi ông về hưu hồi cuối tháng 2.2016.

Fried kể trong những tuần đầu của chính phủ mới, nhiều quan chức chính phủ “hoảng loạn” gọi điện thoại suốt cho ông, cho ông biết rằng họ được chỉ đạo phát triển một kế hoạch dỡ bỏ cấm vận trọn gói.

Họ còn năn nỉ Fried: “Vì Chúa, ông có thể chấm dứt chuyện này chứ ?”.

Fried kể ông lo ngại, nên ông liên lạc với các đồng minh ở Đồi Capitol (Quốc hội Mỹ) gồm Thượng nghị sĩ Ben Cardin của đảng Dân chủ và là một ủy viên cấp thấp ở Ủy ban quan hệ đối ngoại thuộc Thượng viện Mỹ.

Fried muốn yêu cầu họ chóng thông qua luật để có thể giữ nguyên lệnh cấm vận, nhằm gây khó khăn cho Tổng thống Trump trong việc dỡ bỏ lệnh này.

Tom Malinowski, người vừa thôi chức trợ lý ngoại trưởng phụ trách nhân quyền của chính phủ Obama, cho Yahoo News biết:

Ông tham gia nỗ lực vận động Quốc hội Mỹ, sau khi các đồng nghiệp cũ báo ông biết chính phủ Trump đang lên kế hoạch dỡ bỏ lệnh cấm vận, và có thể thu xếp một cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Malinowski nói đó là một món quá hời cho Nga: “Moscow chỉ có thắng với thắng”.

Ông Tom Malinowski khi còn làm việc ở Bộ Ngoại giao Mỹ

Nếu bỏ lệnh cấm vận thì bão tố chính trị

Chỉ vài ngày sau khi Tổng thống Trump tuyên thệ nhậm chức, các quan chức chuyển đến tầng 7 ở trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ, giao nhiệm vụ cho Vụ các vấn đề châu Âu và Á-Âu:

Lập những cách cải thiện quan hệ với Nga, nhằm có được sự hợp tác của Nga trong việc đánh tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria, theo hai cựu quan chức.

Các biện pháp này gồm dỡ bỏ cấm vận cùng các bước khác được cho là Moscow sẽ quan tâm mạnh, gồm trả lại 2 cơ sở ngoại giao của Nga ở Long Island và vùng Bờ Biển phía Tây của bang Maryland.

Theo Washington Post ngày 31.5, chính phủ Trump vẫn đang xem xét vụ trả lại hai cơ quan mà người Nga gọi là “nhà nghỉ” này.

Khi được hỏi về hai “nhà nghỉ”, vị quan chức cấp cao Nhà Trắng nói: “Rõ ràng người Nga rất phấn khích. Nhưng sẽ là sai nếu đưa tin rằng đã có một thỏa thuận trả lại mà không có động thái tương tự từ phía Nga”.

Xe của đoàn ngoại giao Nga rời khỏi một cơ sở ở Mỹ

Một nguồn tin giấu tên nói với Yahoo News: Vụ các vấn đề châu Âu và Á-Âu cũng là nơi đầu tiên xây dựng các biện pháp trừng phạt Nga, cùng việc trợ lý Ngoại trưởng Victoria Nuland thúc hối, những nhiệm vụ được giao đã khiến các nhân viên ngoại giao cảm thấy “rất khó chịu”.

Những lo ngại khiến một số quan chức Bộ cũng tìm đến Malinowski, người cho biết ông và Fried đã gọi cho Thượng nghị sĩ Cardin và các đồng minh trong Quốc hội Mỹ-gồm trợ lý của Thượng nghị sĩ John McCain (Cộng hòa) và yêu cầu họ luật hóa các lệnh cấm vận Nga trước khi ông Trump có thể dỡ bỏ lệnh này.

Nỗ lực vận động hành lang này đạt được vài kết quả lập tức: Ngày 7.2, hai Thượng nghị sĩ Cardin và Lindsay Graham trình luật cấm chính phủ dỡ bỏ lệnh cấm vận Nga.

Lúc đó, nghị sĩ Graham viết trong một tuyên bố: “Nga chẳng làm gì để đáng được kết thúc cấm vận”.

Nghị sĩ Cardin viết thêm: “Nếu Mỹ dỡ bỏ cấm vận mà Nga không đạt được “tiến bộ xác minh được” trong việc Nga cam kết kết thúc nội chiến Ukraine, thì chúng ta sẽ mất trọn uy tín trong mắt các đồng minh ở châu Âu và khắp thế giới”.

Tuy nhiên, dự luật này mất tính khẩn cấp 6 ngày sau khi tướng Michael Flynn phải từ chức cố vấn an ninh quốc gia, vì đã “báo cáo láo” với Phó Tổng thống Mike Pence về những lần ông tướng tiếp xúc với các quan chức Nga.
Malinowski kể: sau đó, “chẳng cần mất nhiều thời gian về chuyện rõ ràng là nếu họ dỡ bỏ lệnh cấm vận, thì đấy sẽ là một cơn bão tố chính trị”.

Nhưng cuộc đấu đá vẫn chưa dừng lại. Các Thượng nghị sĩ Gardin, McCain và graham đều có những luật thúc đẩy trừng phạt Nga, với cớ Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016.

Các dự luật của họ hiện chưa được Ủy ban đối ngoại Thượng viện xem xét.

Vai trò con rể ông Trump

Những nỗ lực ngăn chặn sự hủy bỏ lệnh cấm vận của Fried và những người khác đã rọi ánh sáng vào sự căng thẳng chưa từng có về chính sách đối với Nga trong những ngày đầu mới của chính phủ mới.

Nó cũng có thể có ý nghĩa mới cho các cuộc điều tra của vài ủy ban của Quốc hội và Bộ Tư pháp Mỹ, về những thông tin con rể ông Trump và cố vấn trưởng chính sách đối ngoại Michael Flynn của Tổng thống Mỹ đã bàn với Đại sứ Nga tại Washington về chuyện lập một kênh liên lạc bí mật và an toàn giữa nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump với Điện Kremlin.

Theo báo Washington Post, cậu con rể Jason Kushner còn đề nghị sử dụng cơ quan ngoại giao Nga nhằm che giấu cuộc bàn luận khỏi bị theo dõi, trước khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức tổng thống Mỹ ngày 20.1.2017

Tiếp đó, Đại sứ Nga Sergei Kislyak báo cấp trên ở Moscow rằng con rể ông Trump đã đề nghị lập kênh liên lạc bí mật, trong một cuộc gặp ngày 1 hoặc 2.12.2016 tại tòa nhà Trump Tower tại New York, theo các cuộc trao đổi của Nga bị tình báo Mỹ nghe lén và các quan chức Mỹ đã được xem.

Theo Washington Post, Đại sứ Kislyak bị bất ngờ trước gợi ý cho phép một người Mỹ sử dụng các thiết bị liên lạc ở Sứ quán hoặc lãnh sự quán Nga, vì đây là một đề nghị liều lĩnh về an ninh cho cả bộ sậu ông Trump lẫn Moscow:

Cục điều tra liên bang (FBI) luôn theo dõi các cuộc liên lạc của quan chức Nga tại Mỹ, và duy trì theo dõi gần như thường xuyên các cơ quan ngoại giao của Nga.

Cục an ninh quốc gia (NSA) cũng theo dõi các cuộc liên lạc của quan chức Nga ở nước ngoài.

Nga cũng có nhiều lý do riêng để bác bỏ đề nghị của Kushner. Nghe theo con rể ông Trump thì Moscow có thể bị lộ cho người Mỹ biết về những khả năng liên lạc hiện đại của họ, vốn được đặt ở những vị trí an toàn tại các cơ quan ngoại giao.

Các cựu và đương kim quan chức tình báo Mỹ nói: dù các nhà ngoại giao Nga có những biện pháp liên lạc an toàn với Moscow, xem ra đề nghị được tiếp cận các kênh liên lạc này của Kushner là quá bất thường.

Một cựu quan chức tình báo cấp cao nói: “Sao anh ta lại có thể tin tưởng người Nga không để lộ thông tin đó ?”, và FBI sẽ biết có quan chức trong nhóm chuyển giao quyền lực của ông Trump ra-vào sứ quán Nga, điều sẽ dẫn đến một sự “cực kỳ quan ngại”.

Ivanka Trump và Jared Kushner, con rể Tổng thống Trump

Hướng đến một thỏa thuận

Cựu quan chức này nói toàn bộ ý tưởng của Kushner “xem ra quá ấu trĩ hoặc điên khùng tuyệt đối”.

Một quan chức cấp cao Nhà Trắng xác nhận: chính quyền đã bắt đầu xem xét thay đổi lệnh cấm vận Nga, như một phần xét lại chính sách (vẫn đang tiến hành).

Quan chức này nói: “Chúng tôi xét lại mọi lệnh cấm vận, chẳng riêng lệnh cấm vận Nga. Tất cả các lệnh cấm vận đều có cơ chế chuẩn bị trước để dỡ bỏ.Hy vọng của chúng tôi là Nga sẽ tranh thủ sự dỡ bỏ để thực hiện cam kết của Nga là kết thúc nội chiến Ukraine, nhưng họ đã không làm như thế”.

Điều chắc chắn là mối quan tâm cải thiện quan hệ với Moscow của Tổng thống Trump đã không là bí mật trong chiến dịch tranh cử năm 2016.

Ngày 28.4.2016, ông Trump trả lời phỏng vấn của hãng tin Fox News. Ông nói: “Nếu chúng ta có thể đạt được một thỏa thuận tốt cho đất nước chúng ta và làm thân với Nga, thì đấy sẽ là một điều không thể tin nổi. Tôi khoái thử làm việc đó”.

Nhưng không có thông tin rộng rãi nào về những bước đặc biệt của chính quyền mới, trong việc hướng đến một thỏa thuận như ông Trump nói, như không buộc Nga phải nhận trách nhiệm vụ sáp nhập bán đảo Crimea, hoặc “chiến dịch gây ảnh hưởng” của Moscow trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016.

Trung Trực (theo YahooNews)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
5 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tổng thống Mỹ tung nỗ lực ngầm để dỡ bỏ lệnh cấm vận Nga