Các bệnh viện Trung Quốc tràn ngập bệnh nhân Covid-19 vài tuần trước nhưng hiện đã có các giường trống. Số lượng các trường hợp mới được báo cáo mỗi ngày đã giảm mạnh trong vài tuần qua.

Đằng sau thành công của Trung Quốc trong việc giảm tốc độ nhiễm Covid-19

03/03/2020, 13:52

Các bệnh viện Trung Quốc tràn ngập bệnh nhân Covid-19 vài tuần trước nhưng hiện đã có các giường trống. Số lượng các trường hợp mới được báo cáo mỗi ngày đã giảm mạnh trong vài tuần qua.

Bruce Aylward– một chuyên gia người Canada của WHO

Đây là một số quan sát đáng kinh ngạc trong một báo cáo được công bố vào ngày 28.2 từ một nhóm chuyên gia do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và chính phủ Trung Quốc phối hợp tổ chức, cho phép 13 chuyên gia nước ngoài cùng 12 nhà khoa học Trung Quốc thực hiện chuyến đi tới 5 thành phố ở Trung Quốc để nghiên cứu tình trạng dịch Covid-19 và hiệu quả của các biện pháp phản ứng từ Trung Quốc. Những phát hiện đã làm ngạc nhiên một số nhà khoa học chẳng hạn như nhà nghiên cứu dịch tễ học Tim Eckmanns của Viện Robert Koch, người từng không tin vào những con số của Trung Quốc.

Nhưng báo cáo là rõ ràng. “Cách tiếp cận táo bạo của Trung Quốc trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của mầm bệnh đường hô hấp mới này đã thay đổi tiến độ của thứ dịch bệnh vốn lây lan nhanh chóng và reo rắc cái chết. Sự suy giảm các trường hợp Covid-19 trên khắp Trung Quốc là có thật”, báo cáo nói.

Câu hỏi đặt ra bây giờ là liệu thế giới có thể rút bài học từ thành công của Trung Quốc hay không và liệu các biện pháp cách ly quy mô lớn và các biện pháp giám sát điện tử khắt khe kiểu Trung Quốc có thể thực hiện ở các quốc gia khác. Bruce Aylward– một chuyên gia người Canada của WHO cho rằng: “Hàng trăm ngàn người ở Trung Quốc đã không bị nhiễm Covid-19 nhờ phản ứng mạnh mẽ này”.

“Báo cáo này đặt ra những câu hỏi khó cho tất cả các quốc gia hiện đang xem xét phản ứng của họ đối với Covid-19”, theo ông Steven Riley, một nhà dịch tễ học tại Đại học Hoàng gia London. “Sứ mệnh chung đã mang lại hiệu quả cao và mang đến cái nhìn sâu sắc đặc biệt về những nỗ lực của Trung Quốc để ngăn chặn virus lây lan ở trong nước và trên toàn cầu”. Nhưng Gostin cảnh báo không dễ áp dụng mô hình ở nơi khác. “Tôi nghĩ rằng có những lý do rất chính đáng để các nước ngần ngại sử dụng các biện pháp hà khắc này”.

Cũng có sự không chắc chắn về những gì virus Covid-19 sẽ hoạt động ở Trung Quốc sau khi nước này dỡ bỏ một số biện pháp kiểm soát chặt chẽ nhất để khởi động lại nền kinh tế. Khi đó, có khả năng Covid-19 sẽ tăng trở lại.

Báo cáo được đưa ra vào thời điểm quan trọng trong thời điểm mà nhiều nhà dịch tễ học coi là cao trào đại dịch. Chỉ trong tuần vừa qua, số lượng các quốc gia bị ảnh hưởng đã tăng từ 29 lên 61. Một số quốc gia đã phát hiện ra rằng vi-rút đã lây lan trong cộng đồng, chứ không còn đến từ khách du lịch từ các khu vực bị ảnh hưởng hoặc những người tiếp xúc trực tiếp với họ. Số lượng các trường hợp nhiễm được báo cáo đang tăng theo cấp số nhân.

Điều ngược lại đã xảy ra ở Trung Quốc. Chỉ vào ngày 10.2, khi nhóm tiên phong của Phái đoàn chung WHO-Trung Quốc bắt đầu hoạt động, Trung Quốc đã báo cáo 2.478 trường hợp mới. Hai tuần sau, con số đó đã giảm xuống còn 409 trường hợp. (Hôm 1.3, Trung Quốc chỉ báo cáo 206 trường hợp mới nhiễm Covid-19 trong khi tổng phần còn lại của thế giới cao gấp 9 lần con số đó. Hôm nay 3.3, Trung Quốc chỉ ghi nhận thêm 125 ca nhiễm, giảm 77 ca so với hôm trước). Dịch bệnh ở Trung Quốc dường như đã lên đến đỉnh điểm vào cuối tháng 1, theo báo cáo.

Nhóm chuyên gia bắt đầu nhiệm vụ ở Bắc Kinh và sau đó chia thành hai nhóm, đã đi đến Thâm Quyến, Quảng Châu, Thành Đô và thành phố tâm dịch Vũ Hán. Họ đã đến thăm các bệnh viện, phòng thí nghiệm, công ty, chợ bán động vật tươi sống, nhà ga và văn phòng chính quyền địa phương. “Ở bất cứ nơi nào bạn đến, bất cứ ai bạn nói chuyện, đều có tinh thần trách nhiệm và hành động tập thể và có những dấu vết cuộc chiến để hoàn thành sứ mệnh”, ông Aylward nói.

Phần lớn báo cáo tập trung vào việc tìm hiểu làm thế nào Trung Quốc đạt được điều mà nhiều chuyên gia y tế công cộng nghĩ là không thể: khống chế sự lây lan của một loại virus đường hô hấp có khả năng phát tán rộng rãi. Trung Quốc đã tung ra nỗ lực ngăn chặn bệnh tật quyết tâm, nhanh chóng và tích cực có lẽ là nhất trong lịch sử, báo cáo ghi nhận.

Biện pháp quyết liệt nhất và gây tranh cãi nhất là cách ly Vũ Hán và các thành phố lân cận ở tỉnh Hồ Bắc, đưa ít nhất 50 triệu người vào vòng kiểm dịch bắt buộc kể từ ngày 23.1. Điều đó đã ngăn chặn hiệu quả việc phát tán thêm các cá nhân bị nhiễm sang phần còn lại của đất nước, báo cáo kết luận. Ở các khu vực khác của Trung Quốc đại lục, người dân tự nguyện cách ly và được giám sát ở từng khu phố.

Chính quyền Trung Quốc cũng đã xây dựng hai bệnh viện chuyên dụng ở Vũ Hán chỉ trong hơn 1 tuần. Nhân viên y tế từ khắp Trung Quốc đã được gửi đến trung tâm dịch bệnh bùng phát. Chính phủ đã đưa ra một nỗ lực chưa từng có để theo dõi các trường hợp được xác nhận. Chỉ riêng tại Vũ Hán, hơn 1.800 đội từ năm người trở lên để thực hiện công việc đó.

Các biện pháp cách ly xã hội quyết liệt nhất được thực hiện trên toàn quốc bao gồm hủy bỏ các sự kiện thể thao và đóng cửa các trung tâm giải trí. Các trường học kéo dài thời gian nghỉ bắt đầu vào giữa tháng 1 cho hết Tết Nguyên đán. Nhiều doanh nghiệp đóng cửa hàng. Bất cứ ai đi ra ngoài đều phải đeo khẩu trang.

Một hệ quả của tất cả các biện pháp này, đời sống công cộng bị giảm sút, báo cáo ghi chú. Nhưng các biện pháp đã phát huy hiệu quả. Cuối cùng, những người nhiễm bệnh hiếm khi truyền vi-rút cho bất kỳ ai, trừ các thành viên trong gia đình của họ, chuyên gia Gabriel Leung, trưởng khoa Y khoa Li Ka Shing tại Đại học Hồng Kông cho biết. Một khi tất cả những người trong một căn hộ hoặc ngôi nhà đã bị nhiễm, coronavirus không còn nơi nào để lây lan và chuỗi lây truyền kết thúc. Tóm lại, ông nói, có một sự kết hợp rất hiệu quả giữa cách ly xã hội kiểu cũ và cách ly do máy tính trên thực địa ở cấp độ khu phố, với sự trợ sức từ dữ liệu lớn được thu thập từ AI (trí tuệ nhân tạo). “Mỗi người được gán một hệ thống đèn giao thông. Mã màu soi trên ứng dụng điện thoại di động, sẽ thể hiện tình trạng sức khỏe của mỗi người, cho phép nhân viên bảo vệ tại các ga tàu và các trạm kiểm soát khác biết tình trạng mỗi ai đi qua”, ông Leung cho biết.

Tuy nhiên, việc sử dụng kiểm soát xã hội và giám sát đến từng cá nhân không phải là một mô hình phù hợp cho các quốc gia theo đuổi giá trị phương Tây. Hơn nữa, Trung Quốc cũng có khả năng phi thường để thực hiện các dự án quy mô lớn, huy động lao động một cách nhanh chóng, Jeremy Konyndyk, một thành viên chính sách cao cấp tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu đánh giá. "Không nước nào khác trên thế giới thực sự có thể làm những gì Trung Quốc vừa làm".

Các nước khác khó làm vậy, luật sư Alexandra Phelan, một chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Khoa học và An ninh Y tế Toàn cầu Georgetown, nhận xét. Các biện pháp của Trung Quốc có tác dụng ngăn chặn lây lan vi rút nhưng nó lại xung đột với các giá trị kiểu phương Tây.

Báo cáo không đề cập đến những nhược điểm khác của chiến lược Trung Quốc, Jennifer Nuzzo, nhà dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Johns Hopkins, người tự hỏi rằng nó có tác động gì đến việc điều trị bệnh nhân ung thư hay HIV. Tôi nghĩ rằng rất quan trọng khi đánh giá tác động của các phương pháp này bằng việc xem xét các hậu quả thứ cấp, theo Nuzzo.

Và ngay cả những nỗ lực lớn của Trung Quốc cũng có thể vẫn chỉ làm chậm dịch bệnh chứ chưa thể nói họ đã dập tắt nó hoàn toàn, theo ông Keith Osterholm, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu và chính sách về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota nêu ý kiến. “Giống như dập tắt một đám cháy rừng, nhưng không dập tắt ngay được. Nó sẽ bùng cháy trở lại. Nhưng điều đó cũng có thể dạy cho thế giới những bài học mới”, Riley nói. “Và giờ, chúng ta có cơ hội thấy Trung Quốc khống chế sự bùng phát trở lại Covid-19 như thế nào”, ông nói.

Aylward nhấn mạnh rằng dù sao thì thành công của Trung Quốc cho đến nay sẽ mang lại cho các quốc gia khác niềm tin rằng họ có thể có được một bước nhảy vọt trong cuộc chiến chống Covid-19.

Anh Tú (theo Science Magazine)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
một giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đằng sau thành công của Trung Quốc trong việc giảm tốc độ nhiễm Covid-19