Bộ trưởng thương mại Singapore là Chan Chun Sing chế giễu đặc khu trưởng Hồng Kông Carrie Lam vì bà đeo khẩu trang tại một cuộc họp báo trong thời điểm chính quyền Hồng Kông đau đầu tìm cách đảm bảo nguồn cung khẩu trang.
Sự cạnh tranh giữa hai trung tâm tài chính quốc tế chính của châu Á thường tập trung vào khía cạnh kinh doanh và tài chính. Thế nhưng kể từ khi dịch coronavirus bùng phát, cạnh tranh giữa Hồng Kông và Singapore đã có được một đấu trường mới: Khả năng đối phó với dịch bệnh.
Không khí căng thẳng bắt nguồn từ việc lộ băng ghi âm Bộ trưởng thương mại Singapore là Chan Chun Sing chế giễu đặc khu trưởng Hồng Kông Carrie Lam vì bà đeo khẩu trang tại một cuộc họp báo trong thời điểm chính quyền đặc khu đau đầu tìm cách đảm bảo nguồn cung khẩu trang.
Chan Chun Sing nói rằng nếu các quan chức cấp cao của Singapore cũng làm như vậy, thì tất cả mọi người sẽ hoảng sợ, “Tôi có thể đảm bảo với các bạn rằng hệ thống bệnh viện của chúng ta sẽ toang”, ông Chan nói. Thậm chí, ông Chan còn đi xa hơn khi gọi những người đổ xô đi vét hàng trong siêu thị là lũ ngốc.
Kích thước ngang nhau, Hồng Kông và Singapore đều dễ bị tổn thương do sự lây lan của dịch bệnh từ Trung Quốc. Trong khi Hồng Kông có chung biên giới với Trung Quốc đại lục, thì Singapore là địa điểm được du khách Trung Quốc gần đây chọn là điểm đến để du lịch và kinh doanh vì các cuộc biểu tình ở Hồng Kông.
Tính đến ngày 25.2, Hồng Kông đã ghi nhận 81 trường hợp nhiễm virus và 2 ca tử vong, trong khi Singapore có 91 trường hợp được xác nhận nhiễm và vẫn chưa có trường hợp tử vong.
Bà Lam chịu nhiều áp lực từ người biểu tình Hồng Kông vì đề xuất luật dẫn độ hồi năm ngoái. Trong dịch COVID-19, bà Lam bị chỉ trích vì sự điều hành, ứng phó thiếu hiệu quả. Họ chỉ trích việc thiếu thốn khấu trang, thiếu thốn nhu yếu phẩm hàng ngày và thậm chí là một vụ cướp giấy vệ sinh có vũ trang. Những chỉ trích đó cho thấy sự thiếu niềm tin của công chúng đối với chính quyền của bà.
“Thử thách lớn nhất mà chúng tôi đang phải đối mặt là cộng đồng, lòng tin sâu sắc đối với chính quyền”, ông Lam Ching-choi, một thành viên của nội các bà Lam thừa nhận.
Tình hình tại Singapore ít ồn ào hơn, với số lượng người đeo khẩu trang ít hơn nhiều so với ở Hồng Kông. Singapore đã thực hiện phát khẩu trang, nhưng chỉ dành cho người có dấu hiệu bị bệnh. Thủ tướng Lý Hiển Long đối phó bệnh dịch với sự tự tin, bình tĩnh. Ông nói: “Sợ hãi có thể gây hại nhiều hơn bản thân virus”.
Ngược lại, bà Lam có vẻ như là người lo lắng khi xuất hiện trong các cuộc họp báo trước áp lực lớn từ truyền thông. Trong tháng này, khi hàng ngàn người xếp hàng để mua khẩu trang, bà còn khiến mọi người lo hơn khi cảnh báo rằng tình hình đã bước vào giai đoạn nghiêm trọng mới. “Thật đáng lo ngại”, bà Lam nói. “14 ngày tới sẽ là then chốt”.
Tuy nhiên, cả Hồng Kông và Singapore đã ban hành các chiến lược tương tự nhau để đối phó với coronavirus. Bà Lam là người đầu tiên hành động. Bà đã cấm du khách từ tỉnh tâm dịch Hồ Bắc, trung tâm của dịch bệnh, nhập cảnh hôm 27.1. Cùng ngày, chính quyền ông Lý Hiển Long cho biết họ sẽ sàng lọc người dân đến từ Hồ Bắc, nhưng vẫn cho phép họ vào Singapore nếu khỏe mạnh.
Bốn ngày sau, Singapore đã đi xa hơn Hồng Kông khi từ chối nhập cảnh với tất cả các công dân Trung Quốc. Họ cũng ra lệnh cho công dân Singapore và các cư dân đã ghé Trung Quốc gần đây phải tự cách ly ở nhà trong 14 ngày.
Chính quyền của bà Lam đã dùng dằng trong việc áp đặt lệnh cấm hoàn toàn đối với du khách Trung Quốc. Thay vào đó, Hồng Kông đóng cửa hầu hết (10/13) các cửa khẩu biên giới với đại lục vào ngày 5.2 nhưng vẫn mở 3 cửa khẩu còn lại. Ba ngày sau, bà Lam ra lệnh cho du khách đến từ Trung Quốc đại lục phải tự cách ly. Điều này khiến chính quyền Hồng Kông bị cáo buộc rằng họ đã không hành động nhanh chóng hay dứt khoát như Singapore.
Thế nhưng như một quan chức Hồng Kông cho biết, việc đóng cửa biên giới với đại lục dẫn đến tụt một lượng lớn du khách. Lượng du khách đại lục đã giảm từ gần 90.000 trong nửa đầu tháng 1 xuống chỉ còn 643 trong ngày 17.2.
Khi coronavirus lây lan nhanh hơn, Singapore vào tuần trước đã tung gói hỗ trợ trị giá 6,4 tỉ SGD (4,6 tỉ USD) cho các công ty và người lao động - nhiều hơn so với các biện pháp tương tự ở Hồng Kông với tổng trị giá 30 tỉ HKD (3,8 tỉ USD). Chính quyền của bà Lam và ông Lý cũng đang vận động thực hiện các biện pháp cách ly. Hồng Kông tỏ ra lo xa hơn khi đã đóng cửa các trường học, dự kiến sẽ không mở cửa lại sớm hơn 20.4
Tuy nhiên, đối với tất cả các biện pháp mà cả Hồng Kông và Singapore đã thực hiện, số trường hợp nhiễm COVID-19 của họ tiếp tục gia tăng với ngày càng nhiều. Có khá nhiều bằng chứng về truyền bệnh ngay tại địa phương vì có cả những người chưa đến thăm Trung Quốc cũng nhiễm bệnh. Điều đó làm dấy lên nỗi ám ảnh về căn bệnh này ở cả hai trung tâm tài chính đông dân.
“Nếu số lượng tiếp tục tăng, đến một lúc nào đó chúng ta sẽ phải xem xét lại chiến lược của mình”, ông Lý Hiển Long nói.
Nhưng dù sao, với các biện pháp phòng dịch của 2 trung tâm này, số trường hợp nhiễm COVID-19 của Hồng Kông và Singapore tương đối thấp so với số ca ở Hàn Quốc, Nhật và Ý.
Anh Tú (theo FT)