“Nhạn trắng Gò Công” Phương Dung đã có hơn 50 năm đứng trên sân khấu. 50 năm, quá nửa đời người, Phương Dung vẫn vẹn nguyên những hanh hao, thiết tha ngày cũ...

Danh ca Phương Dung – Nhạn về xóm cũ

Một Thế Giới | 13/03/2016, 07:00

“Nhạn trắng Gò Công” Phương Dung đã có hơn 50 năm đứng trên sân khấu. 50 năm, quá nửa đời người, Phương Dung vẫn vẹn nguyên những hanh hao, thiết tha ngày cũ...

Nếu thuở 17, Phương Dung trong trẻo, ngọt ngào, thì giờ đây, giọng ca của bà chỉ còn là chơi vơi mất mát, những hẫng hụt hằn sâu. Tiếng hát Phương Dung như rượu, càng lâu năm càng nồng, nước đầu đắng cay tái tê chót lưỡi mà đắm say, ngây ngất về sau…
1. 11 tuổi, Phương Dung gót nứt đầu trần rời xứ Gò Công, ngơ ngác lên Sài Gòn trọ học, bà thi vào lớp Đệ nhất trường nữ sinh Gia Long. 11 tuổi, đứa trẻ non tơ mặc chiếc áo dài trắng, gò lưng đạp xe đến Đài Phát thanh Sài Gòn thi tuyển ca sĩ. Mồ hôi bết tóc mai, cô gái còn chưa rửa phèn đầu móng bị nhìn ngó bằng ánh mắt dò xét, nghi ngại. Giờ nghĩ lại những ngày tháng thơ dại ấy, Phương Dung chỉ cười: “Lúc đó mình tủi phận lắm, chỉ tâm niệm rằng mình phải ráng thi thật tốt, rồi sau này nổi tiếng sẽ không còn ai khinh khi, hỏi mình đi đâu, làm gì mà tới được nơi đây. Mà thành ca sĩ rồi mình mới biết, giữ được chất chân quê, mộc mạc mới là điều đáng quý nhất khi con tạo xoay vần, cuộc sống ngày càng xô bồ, hối hả”. Năm đó, Phương Dung đạt giải tư. Vì còn đi học và quá nhỏ tuổi nên dẫu đạt được chút công nhận, Phương Dung vẫn khó lòng được hát. Thấy thương cô bé luôn khao khát theo nghề, nên nhạc sĩ Khánh Băng gọi Dung về hát lót ở trường Giải trí Thị Nghè. Ngày nào cũng vậy, Phương Dung đạp xe từ Phú Thọ Hòa nay gọi là Bà Quẹo ra tuốt Thị Nghè tập hát rồi về. Nắng khan mặt đường, mưa rát mặt, Dung như con thoi mải miết đeo đuổi đam mê.
16 tuổi, duyên may đã cho Phương Dung được hát Nỗi buồn gác trọ của Hoài Linh – Mạnh Phát. Phương Dung quen rồi những tủi cực, u uất, tường tận những buồn thương khi phải xa nhà, cô đơn nơi đất lạ, nên “Nỗi buồn gác trọ” Phương Dung hát bằng chính nỗi xao xác của lòng mình. Một gác trọ da diết, lạc lõng hắt hiu giữa phố phường, giữa nỗi niềm ly biệt; một nỗi buồn man mác, không khiến người ta bật khóc, nhưng day dứt mãi khôn nguôi … giọng ca Phương Dung cứ như thế thấm vào lòng người. Từ “Nỗi buồn gác trọ”, Phương Dung tiếp tục khắc dấu tên mình với Hoa nở về đêm, Những đồi hoa sim, Vọng gác đêm sương, Chuyến đò không em”… Nhanh chóng thành công, cô nữ sinh Gia Long ngày nào giờ nhận thù lao cao ngất ngưởng. Mỗi đêm, Phương Dung phải sắp xếp để có mặt ở 7 phòng trà khắp Sài Gòn, thứ danh vọng mà không phải ca sĩ nào cũng dám mơ tưởng tới. Không lâu sau đó, Phương Dung nhận Huy chương vàng tân nhạc Sài Gòn, tiếp tục đạt giải “Ca sĩ được mến thương nhất” do khán thính giả bình chọn trong suốt một năm.
Năm 1974, thi sĩ Hà Huy Hà đã gọi Phương Dung là “nhạn trắng Gò Công”, và cái tên này đã theo Phương Dung cho đến tận bây giờ. Kể đến đây, Phương Dung bỗng bồi hồi: “Mỗi khi nghe ai nhắc “nhạn trắng Gò Công” là mình lại xúc động. Nhớ mùa chim nhạn rợp trời, nhớ má thường kéo vạt áo chậm nước mắt rưng rưng nhìn con gái tinh khôi trong tà áo trắng đắm say trên sân khấu”. “Nhạn trắng Gò Công” không chỉ là một biệt danh, nó còn là tình đất, tình người, là cái hồn của Phương Dung.
“Nhạn trắng Gò Công” bước lên đỉnh cao khi còn rất trẻ, và rồi xa Việt Nam, xa đất xa người.
phuong dung
 Từ những chiếc áo dài trắng muốt trên sân khấu, Phương Dung được mệnh danh là Nhạn trắng Gò Công
2. Sự nghiệp đang hồi rực rỡ, Phương Dung bỗng buông bỏ hết mọi tiếng tăm, theo chồng sang Mỹ rồi đến Úc định cư. Kể về những năm tháng mưu sinh cơ cực nơi đất khách, Phương Dung cười, ký ức không mấy yên vui ùa về ngập ngụa, hằn từng vệt trên đuôi mắt ướt. Đêm thấy con an nhiên ngủ, nước mắt lưng tròng rồi lại khô, mảnh đất bên kia đại dương luôn lấp lánh, là mộng ước, là hy vọng nhưng gió như một tiếng thở dài. Phương Dung bước hụt bước hao vượt qua những dữ dội của đời người. Được chút vốn liếng, Phương Dung cùng chồng mở nhà hàng ăn uống, hy vọng gặp thời để nuôi đàn con nheo nhóc. Chẳng bao lâu thì trắng tay, lại dắt díu nhau tìm cách khác. Phương Dung thở dài: “Hai vợ chồng cùng đi làm may công nghiệp. Mà rồi cũng không được gì, ngành may khủng hoảng, gia đình chìm lút trong khó khăn chồng chất”. Phương Dung cô độc.
Như con nhạn lẻ lạc giữa biển trời xa lạ, hoảng hốt đập cánh, cất tiếng gọi bầy… mà đáp trả chỉ toàn là tiếng gió. Phương Dung mơ màng: “Nhớ quê lắm, mình thường biên thư về cho má, chỉ kể những điều vui, hỏi má nấu lược mắm cá linh sao, rồi muối củ cải, Tết nhất tranh thủ phơi chuối ngào đường… Nhớ gì biên đó, càng thèm càng nhớ”. Nhớ Gò Công mùa nước lũ, súng trắng cũng bứt lìa mà theo dòng trôi nổi ngược xuôi. Nhớ Sài Gòn hẻm tối, quán khuya đèn neon anh xao mơ ngủ; điệp vàng vào độ, rơi đẫm hoàng hôn … Chỉ có người bỏ đất, đất như nước mắt chảy xuôi. Phương Dung nghe vậy thì khẽ gật đầu, rồi nói: “Đang lúc khó khăn trập trùng thì mình lại được gọi đi hát. Bao nhiêu năm xa sân khấu, giờ đứng dưới ánh đèn, vừa mừng vừa nghẹn ngào. Không ngờ lâu như vậy rồi mà khán giả vẫn còn thích Phương Dung. Chỉ biết cảm ơn”. Bỗng dưng Phương Dung rưng rưng, người ngồi đó im lìm như tượng mà tình quê đong đầy, ký ức tràn về trong mắt.
Vượt qua một khúc quanh hiểm trở của đời người, giờ đây “nhạn trắng Gò Công” an nhiên với thực tại. Bà bắt đầu về Việt Nam từ khoảng hơn 20 năm về trước, xây một căn nhà nhỏ ở Bình Dương, làm từ thiện thường xuyên, xong lại về Úc. Thỉnh thoảng Phương Dung có lên sân khấu, “nhạn trắng” cất tiếng ca như rót một dòng hồi ức vào những người còn nhắc nhớ, cũng là tự nhắc nhớ cho mình.
phuong dung
 Nỗi buồn gác trọ đã làm nên tên tuổi một Phương Dung vừa chân phương, vừa mượt mà sâu lắng 
Phương Dung kể, mùa này Gò Công quê bà gió chướng đang lặng lẽ tràn qua những cánh đồng lau sậy. Gió đưa bông sậy lìa cây hây hây trên mặt người, gió kéo nước mặn len lỏi vào dòng ngọt. Gió khắc nghiệt lùa về từng cơn heo hút, xơ xác quê nhà. Phương Dung hiền từ, chậm rãi đọc một câu thơ, rằng thì: “Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc – Gió nào độc bằng gió Gò Công”. Chướng thổi ngập đầu, cũng là vào mùa nhớ: “Gò Công là đất mẹ, đồng chua nước mặn nhưng trong lành, đầy ắp tình quê, tình người. Bao nhiêu năm trôi qua mà chưa khi nào mình thôi nhớ Gò Công. Lần nào về rồi đi cũng thấy vai nặng gánh, muốn làm nhiều hơn nữa để đền đáp quê hương”.
Phương Dung nặng tình với Gò Công, với Việt Nam, nên cứ đi đi về về, dẫu tuổi đã vào hàng xưa nay hiếm. Phương Dung kể, có năm bà ở Việt Nam làm từ thiện còn lâu hơn ở Úc. Kể rồi cười: “Con cháu lớn hết rồi, cũng là khoảng thời gian để sống cho mình. Mà lạ lắm, người già hay nhớ vẩn vơ. Tình quê lưu luyến theo thời gian, day dứt hoài không yên, nên con chim nhạn dẫu có bay xa đến cỡ nào, cũng tìm đường mà gọi bầy, về tổ”. Thì là vậy, quê xứ cằn cỗi, nhỏ bé hanh hao, nhưng lạ lắm càng xa càng thấy đẹp, tưởng quay lưng là dứt nhưng đất hóa tâm hồn từ lúc bước chân đi… Con nhạn trắng đã bay về xóm cũ.
Hồ Ngọc Giàu/DDVN

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết cán bộ đảng viên và nhân dân, trong đó có cả các nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đồng thuận ủng hộ mạnh mẽ và mong muốn tạo bước đột phá mang tính cách mạng về tổ chức bộ máy đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Danh ca Phương Dung – Nhạn về xóm cũ