Bà già đi lượm mù u Bỏ quên ống ngoáy chổng khu lên trời.

Nhớ cây mù u…

Một Thế Giới | 12/03/2016, 13:00

Bà già đi lượm mù u Bỏ quên ống ngoáy chổng khu lên trời.

Cây mù u là loại gỗ quý ở vùng ĐBSCL. Cây mù u thường mọc hoang ở vùng đất ẩm thấp, ở các vườn hoang dọc bờ sông, rạch. Mặc dù gỗ mù u quý nhưng ít có cây nào đạt 1m hoành (đường kính), mà chỉ thường tối đa là 60-70cm. Gỗ cây mù u lớn rắn chắc, dùng để đóng bàn, giường, chõng, tủ… xài rất lâu vì mối mọt đều chê.

Thịt gỗ mù u rất dai và chắc nên thường được dùng làm thớt, chày giã gạo, làm khuôn ép bún, làm cong bồ đập lúa, cán thùng, cán dao, cán cù nèo, cán phảng, bắp cày, cán trục… Nhất là trong thời chống Pháp, Mỹ, dân ta dùng khúc gỗ mù u đẽo thành mõ mù u, dùng để báo động trong đêm khuya thanh vắng. Mỏ mù u góp công rất lớn trong thời kỳ chống Pháp, Mỹ…

Vỏ mù u chứa chất tinh dầu thơm có sức thu hút ong mật, ong vú về làm tổ trên thân mù u có chỗ mục. Có lúc người ta lột vỏ mù u bán làm dược liệu. Do đó trên thân, nhánh mù u, cây nào cũng có in dấu dao người ta chặt để lấy mủ mù u. Lá, vỏ, ruột, trái mù u làm dược liệu chế biến thuốc, dán mù u trừ ghẻ, nhọt, đau nhức, xông lá mù u trị mề đay, nhất là do ong chích. Người lớn tuổi không ai không biết hũ thuốc dán mù u…

Đặc biệt là công dụng của trái mù u. Trái mù u hình quả cầu, tròn lẳng, bông mù u từng chùm nên trái của nó cũng có chùm, cuống trái dài 2 – 3 cm treo lủng lẳng đong đưa trước gió. Trẻ nhỏ thường dùng vỏ trái mù u sọ (trái lớn, không còn lớp thịt bọc bên ngoài vỏ) để chơi chuyền chuyền, làm vo vo… chơi hết sẩy.

Các bà buôn bán bún thịt xào, bánh canh, bánh lọt, bánh bèo… thì lấy trái mù u sọ làm cáy cóng để múc nước mắm, nước cốt dừa, nước đường… Chỉ nhìn cái cóng bóng loáng đen mướt là biết người bán thâm niên cỡ nào.

Thời xưa làm gì có điện, khan hiếm nhiên liệu chỉ có đèn dầu và đuốc lá dừa. Ruột trái mù u là tài nguyên dùng để thắp sáng. Tôi còn nhớ vào những năm 40, hễ mỗi chiều về hoàng hôn sắp đến mẹ tôi hối tôi làm rọi mù u để tối đốt.

Ruột trái mù u đem rang cho chảy dầu vàng ươm, hơi đen, đem bỏ vào cối mù u giã nhuyễn rồi trộn với ít bông gòn trái rồi nắn vào cọng lá dừa, cọng tre phía dưới chứa khoảng 1 tấc để cắm vào khúc chuối, cục đất khối vuông, hình chữ nhật, hình thang có chứa lỗ ở giữa. Đó là cây rọi mù u. Mỗi đêm chỉ cần khoảng 10 cây là đủ cho cả nhà xài, nhất là cho các sĩ tử.

Nhưng không biết sao thời đó lại có nhiều chí rận, rệp. Vào khoảng tháng 10 nước giựt (rút), trái mù u sọ trôi đặc các rạch. Mỗi khi ở vàm rạch tối người ta đăng cá là ngày hôm sau mặc sức lấy thúng, rổ xúc xúc đem đổ đống sau vườn để xài dần.

Đêm đến, lũ trẻ từng nhóm trong xóm chia nhau tứ phương đốt rọi mù u vừa có ánh sáng vừa nghêu ngao: “Đom đóm ơi, mầy xuống đây chơi, tao may quần lãnh áo nhiễu mầy mặc”, để trêu các chú đom đóm đang lập lòe trên các cây chót vót... Tiếng hát rộn ràng khắp thôn vắng. Đó là trò chơi các trẻ nhỏ nông thôn.

Nói cây mù u mà không nhắc đến bông mù u là một thiếu sót. Bông mù u từng chùm trắng nõn, lúc chưa nở hoa thì như hình cây nọc, đến lúc nở hoa thì thơm phức xòe 4 cánh, từng chùm bông mù u trắng muốt được các em gái cài hoa chơi trò cưới hỏi. Ngày xưa ông bà ta thường tặng cô dâu đôi bông mù u bằng vàng làm kỷ vật trong đời sống vợ chồng. Có những câu chuyện cười ra nước mắt liên quan đến gốc mù u.

Chuyện kể: Cây mù u thường mọc hoang nhất là chòm mã gần mé sông, mép rạch nơi vắng vẻ lại rất phù hợp với các đôi tình nhân trẻ miệt vườn. Họ thường hò hẹn gặp nhau ở những nơi đó trong các đêm trăng. Đang mùi mẩn bỗng: “phạch phạch”, “bũm bũm” rồi “bịch bịch” trên bờ. Dù không sợ ma nhưng đố ai an tâm mà tâm sự. Nếu nhẹ bóng vía thì chỉ có chạy đứt dép, xổ tóc.

Thực hư thì, do lúc ấy cây mù u đang mùa chín mọng, thịt vỏ mù u thơm phức, có sức hút lũ dơi quạ, chúng đáp xuống ăn làm rụng trái mù u trên bờ, dưới nước, rồi đập cánh xoành xoạch gây ra tiếng động như ma nhát. Giữa đêm khuya vắng, xung quanh đầy mồ mã, thì không sợ những tiếng động như vậy mới là lạ.

Lá cây mù u to nên rất thu hút kiến vàng làm tổ, mà vườn cây quít (trái cây) có kiến vàng ở thì không có kiến hôi nên cây trái rất ngon, ngọt, không chai. Mùa nước giựt, cá bu về tụ dưới cây mù u, ngồi câu thì quá trúng vì kiến vàng trên cây mù u bị gió đong đưa rớt trứng là mồi hấp dẫn và thu hút cá.

Bây giờ thời buổi công nghiệp hóa, nhà nhà thắp sáng bằng điện, đất vườn không còn hoang vu, cây mù u bị tiêu diệt dần, tìm trái mù u làm rọi, làm vo vo chơi cũng đỏ con mắt. Thay thế những đêm cúp điện. Tiếng mỏ mù u Tám Thôn vườn trầu, ánh sáng của cây rọi mù u chỉ còn trong ký ức của các ông bà cổ lai hy. Các em thành thị lẫn nông thôn bây giờ chắc nhiều em không biết bông, trái mù u là gì.

Trước khi dừng bút xin có mấy câu thơ liên quan đến chuyện tình mù u.

Hò hò… ơ. Đèn mù u khi lu khi tỏ

Quả cau nho nhỏ để cạnh miếng trầu vàng

Thương em phận gái hường nhan

Lấy chồng xa xứ hò hơ…

Lấy chồng xa xứ gia đàng (mẹ già) ai nuôi.

Trần Bạch Hổ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhớ cây mù u…