Sau một số những điều chỉnh tháo gỡ các quy định làm khó doanh nghiệp được dư luận hoan nghênh của Bộ Công Thương, với dự thảo nghị định các ngành nghề độc quyền nhà nước này thì mọi thứ lại đang quay trở về như cũ, mèo lại hoàn mèo.

Danh mục ngành nghề độc quyền nhà nước: Mèo lại hoàn mèo

Nhàn Đàm | 16/02/2017, 15:47

Sau một số những điều chỉnh tháo gỡ các quy định làm khó doanh nghiệp được dư luận hoan nghênh của Bộ Công Thương, với dự thảo nghị định các ngành nghề độc quyền nhà nước này thì mọi thứ lại đang quay trở về như cũ, mèo lại hoàn mèo.

Câu chuyện gây tranh cãi nhất trong nền kinh tế Việt Nam những ngày này có lẽ không gì khác ngoài bản dự thảo Nghị định về độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại vừa được Bộ Công Thương công bố, theo đó sẽ có 20 ngành nghề cấm tư nhân tham gia kinh doanh mà được độc quyền bởi các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

Dễ hiểu vì sao bản dự thảo nghị định này lại gây ra tranh cãi đến thế, khi nó đi ngược lại với chủ trương giảm dần sự can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế và nhường lại không gian cho khối tư nhân, thậm chí thể hiện sự trì níu những đặc quyền đặc lợi cố hữu của bộ chủ quản lẫn các DNNN mà Chính phủ đang kiên quyết bãi bỏ trong bối cảnh chương trình tái cơ cấu nền kinh tế đang được triển khai mạnh mẽ. Dù Bộ Công Thương đã lên tiếng khẳng định sự cần thiết của danh mục 20 ngành nghề độc quyền nhà nước này, nhưng một thực tế là bộ hồ sơ đầy đủ về nghị định đã được Bộ trình lên Chính phủ từ cuối năm 2015 – thời điểm Chính phủ mới chưa khởi động chương trình tái cơ cấu nền kinh tế hiện nay, thậm chí tờ trình dự thảo còn do cựu Bộ trưởng ký, đồng nghĩa với việc có thể không còn phù hợp nữa. Sau một số những điều chỉnh tháo gỡ các quy định làm khó doanh nghiệp được dư luận hoan nghênh của Bộ Công Thương, nhiều ý kiến cho rằngmọi thứ lại quay trở về như cũ, mèo lại hoàn mèo.

Lướt qua những bài phản biện của nhiều chuyên gia kinh tế trên internet vài ngày qua liên quan đến bản dự thảo nghị định về độc quyền nhà nước này, có thể thấy Bộ Công Thương đang ở trong thế yếu hơn hẳn. Dù Bộ khẳng định sự cần thiết của danh mục 20 ngành nghề độc quyền nhà nước và không vi phạm các bộ luật hiện hành, nhưng quan điểm này đang vấp phải những phản biện rất cụ thể và đầy sức nặng. Chẳng hạnông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia pháp lý Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định nghị định của Bộ Công Thương không xác định thời hạn độc quyền cho 20 ngành nghề trong danh mục, trái với quy định của Luật Thương mại 2005 rằng độc quyền nhà nước về thương mại bắt buộc phải có thời hạn để đảm bảo lợi ích quốc gia (theo The Saigon Times).

Một điểm khác là danh mục 20 ngành nghề kinh doanh độc quyền mà Bộ Công Thương đưa ra trong dự thảo nghị định không tuân thủ đúng chính những quy định và nguyên tắc của chính nó. Theo TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc (VCES), thì điều 4 của dự thảo quy định: “Chỉ thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu mà Nhà nước cần phải độc quyền liên quan đến quốc phòng, an ninh, đảm bảo lợi ích quốc gia hoặc các thành phần kinh tế khác không có nhu cầu và không có khả năng tham gia”; điều này đang tỏ ra mâu thuẫn với khá nhiều ngành hàng trong danh mục độc quyền của Bộ Công Thương như nhập khẩu thuốc lá, xì gà; tem bưu chính; pháo hoa và các dịch vụ liên quan đến pháo hoa; xuất bản… (theo CafeF).

Ngoài những điểm bất hợp lý khá rõ rệt trong nội dung bản dự thảo, thì nghị định này cũng đang vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía không ít các chuyên gia kinh tế, khi nó đang đi ngược lại với tinh thần cải thiện môi trường kinh doanh và cải cách nền kinh tế đang được chính Chính phủ nỗ lực thúc đẩy. TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cho rằng trong bối cảnh hiện nay việc cho ra đời một bản danh mục hướng dẫn về độc quyền nhà nước trong lĩnh vực thương mại là phản thị trường, đi ngược với xu thế cải cách. Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, dự thảo trên là điển hình cho tư duy níu kéo lại quyền cho DNNN, đi ngược với tinh thần tái cơ cấu nền kinh tế trong đó coi khối tư nhân là động lực chủ đạo (theo CafeF).

Tuy nhiên, sự thờ ơ với vấn đề cải thiện môi trường kinh doanh của Bộ Công Thương trong câu chuyện dự thảo nghị định ngành nghề kinh doanh độc quyền này lại thể hiện rõ nhất ở việc hoàn thiện và điều chỉnh dự thảo. Theo đó, bộ hồ sơ đầy đủ về nghị định đã được bộ này trình lên Chính phủ từ ngày 14.12.2015 với danh mục bao gồm 19 ngành nghề kinh doanh độc quyền, được ký bởi cựu Bộ trưởng. Và cho đến khi nó được công bố cách đây ít ngày, nghĩa là hơn 1 năm sau khi được trình lên Chính phủ, thì thay đổi duy nhất của dự thảo nghị định này là được bổ sung thêm một ngành nghề độc quyền nữa là kinh doanh mặt hàng vàng nguyên liệu cho tròn con số 20 ngành nghề. Mọi chuyện dĩ nhiên sẽ chẳng có vấn đề gì nếu như Chính phủ mới không nhậm chức vào đầu năm 2016 và bắt đầu thúc đẩy chương trình tái cơ cấu nền kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp trong nước.

Có thể thấy, Bộ Công Thương đã không đếm xỉa gì đến vấn đề ưu tiên cải thiện môi trường kinh doanh và giảm sự can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế của Chính phủ mới, bằng cách lờ đi không xem xét lại danh mục ngành nghề độc quyền trong dự thảo nghị định được hoàn tất từ cuối năm 2015 có còn phù hợp với tình hình hiện tại hay không thông qua việc vẫn giữ nguyên danh mục cũ mà như nhiều chuyên gia kinh tế đã chỉ ra rất nhiều điểm bất hợp lý.

Đây có thể xem như một bước lùi trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh và tái cơ cấu nền kinh tế đang được Chính phủ thúc đẩy. Dù Bộ Công Thương trong thông cáo phát đi ngày 14.2.2017 cũng đã đề cập đến khả năng điều chỉnh giảm các danh mục độc quyền nhà nước trong dự thảo, nhưng nó vẫn cho thấy sự thờ ơ và thiếu quyết tâm của bộ này trong việc thực hiện chủ trương lớn về tái cơ cấu kinh tế của Nhà nước và Chính phủ, rằng sẽ chỉ có điều chỉnh nếu như vấp phải sức ép mạnh mẽ từ phía các doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế và xã hội.

Thật đáng tiếc nếu như sau khi những tín hiệu tích cực được Bộ Công Thương thể hiện trong việc cải thiện môi trường kinh doanh thông qua gỡ bỏ hàng loạt các quy định thiếu hợp lý hồi cuối năm 2016 thì mọi thứ lại đâu vào đấy, mèo lại hoàn mèo.

Nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ chỉ tiến lên được với tốc độ rùa bò của một cái cày, nếu như những bộ ngành mũi nhọn giống như những con trâu, chỉ chịu đi khi bị quấtroi vào mông.

Nhàn Đàm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Danh mục ngành nghề độc quyền nhà nước: Mèo lại hoàn mèo