Theo quy định, tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc sẽ thuộc diện chỉ định kiểm dịch được Chính phủ Hàn Quốc đưa ra và dự kiến có hiệu lực từ ngày 1.4 tới đây.

Xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc sẽ phải chỉ định kiểm dịch

tuyetnhung | 15/02/2017, 18:00

Theo quy định, tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc sẽ thuộc diện chỉ định kiểm dịch được Chính phủ Hàn Quốc đưa ra và dự kiến có hiệu lực từ ngày 1.4 tới đây.

Thông tin từ Bộ Công Thương ngày 14.2 cho biết tới đây Hàn Quốc sẽ bổ sung mặt hàng tôm ướp lạnh, đông lạnh vào danh mục mặt hàng thủy sản phải chỉ định kiểm dịch trước khi xuất khẩu sang nước này. Hiện tại, chỉ có sản phẩm bào ngư và hàu đông lạnh, ướp lạnh nằm trong diện phải được chỉ định kiểm dịch. Quy định này dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1.4.2017.Đối tượng áp dụng là tất cả các quốc gia thành viên của WTO có hoạt động xuất khẩu thủy sản vào Hàn Quốc.

Được biết, hiện Hàn Quốc đã công nhận 6 trung tâm của Việt Nam đủ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng hàng thủy sản xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Trước yêu cầu mới này, các trung tâm cần bổ sung mặt hàng tôm vào danh mục kiểm định, đồng thời cần trao đổi và làm rõ với phía Hàn Quốc về điều kiện và phương thức kiểm định. Trên cơ sở đó, các trung tâm cần kịp thời phổ biến cho doanh nghiệp quy định mới của Hàn Quốc để tránh ảnh hưởng bất lợi tới hoạt động xuất khẩu mặt hàng tôm của Việt Nam.

Cũng liên quan đến việc xuất khẩu tôm, vào ngày 7.1 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên nước Úc đã ra thông báo về việc thực thi khẩn cấp lệnh tạm ngừng nhập khẩu tôm và thịt tôm chưa nấu chín từ các nước Châu Á do lo ngại bùng phát bệnh dịch đốm trắng tại Úc. Lệnh cấm trên có hiệu lực từ ngày 9.1 và kéo dài trong vòng 6 tháng.

Sau quyết định đột ngột này của Úc, các lô hàng rời cảng nước xuất khẩu vào ngày 9.1 hoặc sau ngày 9.1 khi đến Úc sẽ phải được tái xuất hoặc tiêu hủy. Đối với các lô hàng đang trên đường tới Úc sẽ bị kiểm tra, kiểm định bắt buộc 100%.

Một số doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết họ đã gặp khó khăn vì lệnh cấm này. Tiêu biểu là hai doanh nghiệp xuất nhập khẩu thủy sản đóng trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Có doanh nghiệp đã ký hợp đồng trước đó và đang trên đường vận chuyển hàng tới Úc đã bị trả về, thiệt hại mà các doanh nghiệp này phải chịu có thể lên tới vài triệu USD.

Hai doanh nghiệp này mỗi tháng xuất khẩu sang Úc khoảng 100-150 tấn hàng hóa. Việc ngừng ký kết hợp đồng cũng như các hợp đồng đã ký bị trả về đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, vào ngày 9.2 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có công thư gửi Bộ trưởng Thương mại và Bộ trưởng Nông nghiệp và Tài nguyên nước Úc đề nghị Chính phủ Úc cân nhắc, sớm dỡ bỏ lệnh tạm ngừng nhập khẩu nói trên.

Năm 2016, Việt Nam đã xuất khẩu tôm sang 90 thị trường, đạt kim ngạch trên 3,15 tỉ USD, tăng 6,7% so với năm 2015. Trong đó, tôm thẻ chân trắng chiếm 62,1%, tôm sú chiếm gần 29,5%, tôm biển khác chiếm 8,3%.

Tuyết Nhung

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xuất khẩu tôm sang Hàn Quốc sẽ phải chỉ định kiểm dịch