Trong quá trình thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, công tác bảo vệ môi trường được coi là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, nhất là phát triển kinh tế phải gắn liền và đi đôi với bảo vệ môi trường.
Ngày 15.2, Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên -Môi trường đã chính thức ký kết “Chương trình phối hợp công tác về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại giai đoạn 2017 - 2020”.
Tại lễ ký kết, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết Bộ Công Thương nhận thức rõ được yêu cầu bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, đặc biệt là các lĩnh vực như: năng lượng, nhiệt điện, hóa chất, giày da, chếbiến chế tạo, khai khoáng, cơ khí... đều ẩn chứa yêu cầu và thách thức đặt ra trong việc đảm bảo môi trường, hướng tới phát triển bền vững.
"Không thể đơn phương độc hành mà phải có sựphối hợp chặt chẽ giữa hai bộ, cần đổi mới trong các lĩnh vực để phù hợp với yêu cầu thực tế", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Về phía Bộ Tài nguyên -Môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng khẳng định việc 2 bộ ký kết chương trình phối hợp công tác về hoạt động bảo vệ môi trường là tất yếukhách quan. Bộ Tài nguyên -Môi trường không thể thành công nếu đứng riêng một mình.
"Để đạt được kết quả trong phát triển bền vững, quản lý môi trường, khai thác hợp lý tài nguyên, 2bộ cần phối hợp chặt chẽ, bởi các lĩnh vực mà 2 bộ quản lý đều là những lĩnh vực quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước", Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.
Theo nội dung, chương trình phối hợp công tác giữa hai bộ sẽ hướng đến 3 mục tiêu chính:
Thứ nhất là tăng cường phối hợp giữa hai bộ trong việc chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên; chủ động ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường từ hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại.
Thứ hai là kiểm soát chặt chẽ các vấn đề về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại, đặc biệt trong: công tác lập và phê duyệt quy hoạch; quá trình thẩm định, phê duyệt, kiểm soát hoạt động của các dự án sản xuất công nghiệp từ giai đoạn lập, thi công và vận hành chính thức dự án, nhất là các dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất điện, khai thác và chế biến khoáng sản, dầu khí, sản xuất hóa chất và phân bón, sản xuất thép và luyện kim, sản xuất bột giấy, dệt nhuộm và thuộc da.
Thứ ba là phát huy tối đa chức năng, nhiệm vụ, nguồn lực, tiềm năng hiện có của hai bộ trong việc quản lý, giám sát việc thực thi quy định của pháp luật về tài nguyên và môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại.
Để đạt được các mục tiêu trên, hai bộ sẽ phối hợp xây dựng, sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường liên quan đến hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại; xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt các kế hoạch, chiến lược, quy hoạch thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của hai bộ; quản lý thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa; phát triển ngành công nghiệp môi trường, dịch vụ môi trường, công nghiệp hỗ trợ phục vụ công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên trong hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại; thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; phòng ngừa ô nhiễm môi trường; ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản; thanh tra, kiểm tra về tài nguyên và môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại; chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu, nâng cao nhận thức về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường...
Tuyết Nhung