Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, khi nền “đức trị” thất bại thì xã hội phải dùng đến nền “pháp trị”. Không thể kêu gọi đến lý tưởng, luân lý, lương tâm thì xã hội phải mạnh tay sử dụng pháp luật trừng trị mới có thể chặn đà suy đồi, hỗn loạn, xuống cấp đạo đức.

Đạo đức xuống cấp hay luật pháp lung lay?

24/04/2019, 08:04

Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, khi nền “đức trị” thất bại thì xã hội phải dùng đến nền “pháp trị”. Không thể kêu gọi đến lý tưởng, luân lý, lương tâm thì xã hội phải mạnh tay sử dụng pháp luật trừng trị mới có thể chặn đà suy đồi, hỗn loạn, xuống cấp đạo đức.

Vụ gian lận điểm thi gây xôn xao dư luận xã hội liên quan tới nhiều quan chức - Ảnh: Internet

Dồn dập là các sự kiện biểu hiện sự xuống cấp đạo đức xã hội trầm trọng trong thời gian qua, đến độ Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phải thốt lên: “Thật xót ruột khi đạo đức xuống cấp”. Vấn đề là đạo đức xã hội nhìn chung đã xuống cấp ở mức độ nào, cái giá phải trả cho nó là bao nhiêu và làm gì để vực dậy các giá trị đạo đức ấy để chúng đồng hành với sự phát triển?

Nếu chỉ khu biệt, “cắt lớp” các biểu hiện xuống cấp đạo đức thì chỉ cần nhìn lại các sự kiện trong thời gian một tháng gần đây người ta sẽ có thể phần nào hình dung ra bức tranh tổng thể về vấn đề nghiêm trọng này. Ở cấp độ “kiến trúc thượng tầng” thì cơ quan cảnh sát điều tra ra quyết định khởi tố “đại gia” Phạm Nhật Vũ tội “đưa hối lội”, bổ sung khởi tố về tội “nhận hối lộ” nhiều quan chức, trong đó có đến hai ông cựu bộ trưởng là Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn. Một cựu phó viện trưởng Viện kiểm sát của một tỉnh, ông Nguyễn Hữu Linh vừa bị khởi tố liên quan đến việc dâm ô trẻ em. Sự ồn ào nổi sóng của dư luận gần đây hầu như không lúc nào yên: hết vụ nữ sinh bị 5 nữ sinh ở Hưng Yên đánh hội đồng, lột trần bạn trong lớp đến vụ Khá “Bảnh” làm “loạn” mạng xã hội, vụ chùa Ba Vàng có dấu hiệu trục lợi, lừa đảo đến việc cả một “đoàn” quan chức ở tỉnh Sơn La liên quan đến việc mua điểm cho con cháu, vụ hàng tấn ma túy “nhộn nhịp” vận chuyển vào nước ta...

Các sự kiện kể trên khá tiêu biểu về sự xuống cấp trầm trọng của đạo đức xã hội. Nó cho thấy dù là ở lĩnh vực nghề nghiệp, trình độ, tuổi tác nào thì vấn đề đạo đức cũng có những biểu hiện băng hoại. Ở những cấp độ quan chức, lẽ ra phải ra sức tận tụy phục vụ cho xã hội thì lại có những con người chỉ biết “vinh thân phì gia”, làm tổn hại đến “tiền muôn bạc vạn” cho lợi ích xã hội, quốc gia. Ở những lớp người được xem là “tương lai của đất nước”, giới trẻ, thì mức độ phạm tội ngày càng phổ biến, nghiêm trọng và bị “trẻ hóa”. Ngay cả những thiết chế văn hóa như trường học, tôn giáo, hai trong những thiết chế khá chủ đạo trong việc tạo dựng nên đạo đức xã hội thì những biểu hiện xuống cấp cũng đã bắt đầu lộ rõ.

Dù chưa có một “chỉ số” định lượng rõ ràng nào về việc xuống cấp của đạo đức xã hội, nhưng có thể thấy nó đang đi ngược chiều với những chỉ số phát triển của kinh tế. Cái giá phải trả của việc này là không hề rẻ. Như Phó thủ tướng Vũ Đức Đam gần đây đã phát biểu, thì sự xuống cấp của đạo đức xã hội có thể làm “mất đến hàng thế hệ và nhiều lần mức tăng trưởng kinh tế mới có thể khắc phục được”. Nhìn nhận thì nhìn nhận, thế nhưng chính vì sự mơ hồ cảm nhận về mức độ nghiêm trọng của sự xuống cấp xã hội mà chưa ai chỉ rõ ra được là mức độ xuống cấp đã đến đâu, đã đến điểm dừng hay chưa hay còn xuống đến mức nào, và phải làm gì để chặn đà xuống cấp, vực dậy đạo đức xã hội...?

Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, khi nền “đức trị” thất bại thì xã hội phải dùng đến nền “pháp trị”. Không thể kêu gọi đến lý tưởng, luân lý, lương tâm thì xã hội phải mạnh tay sử dụng pháp luật trừng trị mới có thể chặn đà suy đồi, hỗn loạn, xuống cấp đạo đức. Không thể chỉ xót xa mà phải căm giận hành động như biểu hiện của dư luận gần đây mới có thể loại trừ những phần tử làm băng hoại xã hội. Cần phải đẩy mạnh hơn nữa những chiến dịch chống tham nhũng, đưa ra những hình thức xử phạt nặng cho những người mua điểm cho con cháu và những kẻ dâm ô bệnh hoạn đối với trẻ em, kiểm soát chặt chẽ những hình thức ăn chơi sa đoạ... cho đến khi nào những biểu hiện đó không còn phổ biến một cách đáng sợ như hiện nay.

Như một nhân vật gần đây đã phát biểu: “Tiền nhiều để làm gì?”, xã hội ta phát triển kinh tế để làm gì khi đạo đức xã hội băng hoại, con người bất an, bất hạnh với sự băng hoại, xuống cấp đó...?

Đoàn Đạt

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chủ tịch nước Lương Cường dâng hương tại Hoàng thành Thăng Long
39 phút trước Sự kiện
Sáng 19.1, Chủ tịch nước Lương Cường và phu nhân cùng đại diện lãnh đạo các bộ ban ngành trung ương, thành phố Hà Nội, và gần 100 đại biểu kiều bào thực hiện nghi lễ dâng hương tại điện Kính Thiên ở Hoàng thành Thăng Long để thành kính tưởng nhớ đến các thế hệ cha ông đã chiến đấu, hy sinh gìn giữ, bảo vệ non sông nước Việt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đạo đức xuống cấp hay luật pháp lung lay?