Đã thành thông lệ, cứ kết thúc V League là tôi nhấc điện thoại hỏi anh Nguyễn Công Khế, Trưởng BTC giải hoặc anh Quang Tuyến, Trưởng ban thể thao, thành viên BTC giải: "U.21 năm nay chính xác khai mạc ngày nào để em ghi vào lịch?".

Dấu ấn khó quên

Thanh Niên | 22/10/2016, 18:00

Đã thành thông lệ, cứ kết thúc V League là tôi nhấc điện thoại hỏi anh Nguyễn Công Khế, Trưởng BTC giải hoặc anh Quang Tuyến, Trưởng ban thể thao, thành viên BTC giải: "U.21 năm nay chính xác khai mạc ngày nào để em ghi vào lịch?".

Bởi, với tôi giải bóng đá U.21 Báo Thanh Niên là sân chơi mà mình không thể không có mặt trừ lý do bất khả kháng. Đến nay trong 19 mùa U.21 tôi chỉ vắng mặt duy nhất 1 lần năm 2008.

Tôi vẫn nhớ như in giải U.22 - tiền thân của U21 Báo Thanh Niên diễn ra tại Hà Nội năm 1997. So với mặt bằng chung lúc bấy giờ giải được tổ chức quá "xôm ": Họp báo hoành tráng ở trụ sở Trung ương Đoàn trên phố Bà Triệu, phóng viên tác nghiệp được nhận bồi dưỡng khi bầu chọn cầu thủ xuất sắc, năm đó giải được tài trợ bởi một thương hiệu nước giải khát có gas nên trước trận đấu trên bàn bình luận bao giờ cũng có cả két nước để anh em uống thoải mái. Ngày đầu tiên, ngay sau lễ khai mạc tôi đã bị khản cổ nói không ra tiếng vì chứng kiến nhiều cầu thủ trẻ thi đấu quá nhiệt tình, lăn xả khiến nhiều lúc tôi như bị lạc giọng vì “sướng” cùng từng đường bóng.

Gắn bó liên tục với U.21, tôi đã chứng kiến đầy đủ những thăng trầm của giải đấu: từ sự cố gian tuổi năm 2000 của Thanh Hóa cho đến trận đấu không ai muốn thắng giữa Sông Lam Nghệ An và Đồng Tháp trên sân Long Xuyên năm 2003, rồi bão Xangsane tàn phá sân Chi Lăng 2006 cho đến những lần chủ nhà sớm bị loại khiến giải đấu không thu hút được khán giả như dự kiến...

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Ban tổ chức đều đã cho thấy bản lĩnh, sự chuẩn bị chu đáo và trên tất cả là cái tâm sáng với mục đích hướng đến một giải đấu sạch và đẹp. Còn nhớ sau trận đấu vô cùng phản cảm giữa Sông Lam Nghệ An và Đồng Tháp năm 2003, cựu tuyển thủ Trần Công Minh khi đó là HLV trưởng của U.21 Đồng Tháp đã không kìm được những giọt nước mắt tức tưởi vì “phải né chủ nhà” khiến Ban tổ chức và anh em phóng viên chúng tôi cũng đành... khóc theo.

Năm 2006, khi sân chơi U.21 tròn 10 tuổi, Báo Thanh Niên đã tổ chức trận giao hữu với U.21 Thái Lan rồi sau đó đã nâng tầm giải đấu với sự ra đời của U.21 quốc tế, kể từ đây các tuyển thủ U.19, U.21 và U.23 đã có thêm cơ hội cọ xát đáng quý trước những khách mời xứng tầm, góp phần làm phong phú thêm bức tranh bóng đá nước nhà.

Cùng với sự phát triển như vũ bão của các phương tiện truyền thông, số lượng đài truyền hình tường thuật trực tiếp U.21 Báo Thanh Niên ngày càng mở rộng. Với phương thức truyền dẫn hiện nay chỉ cần một đài tác nghiệp trên sân là đã có thể cung cấp tín hiệu cho cả chục đơn vị phát sóng. Bên cạnh đó là sự ra đời của công nghệ online, youtube, facebook, livestream... giúp U.21 có thể đến với người hâm mộ mọi lúc, mọi nơi...

Năm nay U.21 Báo Thanh Niên lần đầu đến với vùng mỏ Quảng Ninh - nơi có lực lượng cổ động viên luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước bởi cá tính và sự đam mê. Chắc chắn sẽ lại là những ngày sôi động, khó quên tại chảo lửa Cẩm Phả. Cá nhân tôi một lần nữa đã sẵn sàng thả hồn cùng giải đấu và xin chúc cho U.21 Báo Thanh Niên tuổi 20 giống như một chàng trai căng tràn nhựa sống, đầy nhiệt huyết, luôn hướng về phía trước với những hoài bão lớn lao để cống hiến những điều tốt đẹp nhất cho bóng đá nước nhà.

Theo Vũ Quang Huy (Thanh Niên Tuần San)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
7 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dấu ấn khó quên