Đối với bậc làm cha mẹ thì chuyện dạy con như thế nào trong quá trình con trẻ hình thành ý thức, nhân cách đó là vấn đề mà họ đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, dạy con như thế nào để con vừa ngoan ngoãn nghe theo, vừa không làm tổn hại đến tinh thần của trẻ là cả một trời nghệ thuật.

Đau đầu chuyện dạy con

08/05/2019, 11:54

Đối với bậc làm cha mẹ thì chuyện dạy con như thế nào trong quá trình con trẻ hình thành ý thức, nhân cách đó là vấn đề mà họ đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, dạy con như thế nào để con vừa ngoan ngoãn nghe theo, vừa không làm tổn hại đến tinh thần của trẻ là cả một trời nghệ thuật.

Cách dạy con có trách nhiệm với bản thân từ thuở nhỏ là cả một nghệ thuật - Ảnh minh họa

1. Tôi có anh bạn hàng xóm, tuy là “người nhà nước” nhưng anh này rất đảm đang chuyện nhà, nào là giặt giũ, cơm nước, tắm rửa, chăm cho con trẻ… Mọi việc anh đều lo rất chu toàn. Song, anh này lại có cái tật rất lớn, thậm chí dù có bị “trời đánh” cũng khó mà lay chuyển được, đó là, con khóc anh cũng nổi nóng, ăn chậm anh cũng nóng, con xem tivi nhiều cũng nóng, hay sáng sáng gọi con dậy đi học mà đứa trẻ ngủ nướng anh cũng quát tháo. Tóm lại, tính tốt anh này cũng nhiều mà tính xấu thì cũng không hề ít.

Một bữa nọ, khoảng 5 giờ sáng, anh bạn này đã thức dậy để dọn dẹp nhà cửa. Số là hôm ấy tôi dậy sớm, để “múa máy” vài động tác thể dục cho khỏe người. Đứng ngoài con lộ ở thôn quê, nhìn sang thì thấy nhà anh bạn sáng đèn, tôi bắt dầu vài động tác chạy bộ chậm rãi sang cạnh nhà anh này, liền trông thấy anh lưng trần đang sột soạt quét nhà, lau nhà rồi rửa chén, nấu cơm… Coi bộ anh rất đảm việc nhà.

Từ ngoài, tôi vội cất giọng vào: “Dậy sớm thế, hôm nay mày không chạy bộ à?”. Anh bạn đáp lại: “Hôm nay, vợ bệnh, nên dậy sớm đỡ đần công chuyện nhà trước khi đi làm, để vợ làm em không yên tâm anh ạ!”. Ra là thế, tôi bắt đầu chạy mấy vòng sân. Tầm hơn 6 giờ, tôi lại nghe tiếng anh bạn lại gọi thằng con dậy đi học. Nhưng do đêm đó, thằng bé ham chơi nên ngủ trễ, sáng dậy không nổi, nên cu cậu cất tiếng khóc đòi ngủ thêm tí nữa.

Ban đầu, anh bạn năn nỉ ỉ ôi với giọng điệu ngọt xớt, nhưng thằng bé trở chứng, càng khóc thêm. Một điểm đặc biệt ở cu cậu, là thích ngọt, càng la mắng thì thằng bé cứ đứng trơ ra, đánh răng thì cứ để yên vị trí bàn chải trong miệng, còn ăn thì ngậm cho đến khi được bố mẹ dỗ ngọt.

Thằng con trở chứng, khóc không chịu nín. Cho dù anh bạn tôi cố gắng nói ngọt với con, nhưng thằng bé cứ khóc. Con cứng đầu, còn ông bố thì “tính nóng, võ công lại cao” cũng chẳng hề kém cạnh. Nói ngọt không nín, anh bạn lại đổi chiến thuật quát tháo, rồi đánh vào mông con cho mấy tát tay, đỏ cả mông thằng bé. Thằng bé lại càng khóc, anh bạn lại lấy cái bàn chải đánh răng trên tay con để phụ giúp cu cậu việc vệ sinh răng miệng.

Dù bị đánh, cu cậu vẫn nức nở khóc, nhưng vẫn để cho ba chải răng, rồi sau đó tắm rửa, thay quần áo để đến trường. Ông bố vẫn la hây hẩy, còn thằng bé lật đật chạy ra mẹ và không quên buông ra câu nói ngây ngô: “Ba đánh con, ba không thương con nữa”, nghe mà xót xa quá. Từ nhà bên này, tôi cũng ngóng nghe người mẹ nói: “Con nín đi, con hư, ba quạu mới đánh con, chứ không phải ba không thương”, rồi người mẹ dỗ dành, thằng bé khóc thút thít một lúc rồi nín.

2. Sáng hôm ấy, tôi cũng đưa con đến trường. Vừa xong việc, cũng chưa đến giờ tôi đi làm, nên tôi vội lấy chiếc điện thoại ra để điện cho anh bạn hàng xóm để mời cà phê sáng. “Sáng mày làm gì đánh thằng cu giữ vậy”, tôi hỏi. “Nóng quá anh ạ!”, anh bạn đáp lại. Sau đó, anh bạn kể về chuyện dạy con, tôi cũng đồng cảm với anh ấy. Vì thấy thương thằng bé, trên đường đi, anh bạn luôn hỏi: “Ba đánh con đau không, con còn đau chỗ nào không”, thằng bé thì ngây thơ: “Dạ, con hết đau rồi”.

Dạy con, không nhất thiết phải dùng roi đòn - Ảnh minh họa

Sau đó, anh bạn chỉ ra điểm sai của con. Nào là việc đó con không phải chỗ này, con phải có ý thức thế này, thế kia… Nghe bố dạy, thằng bé gật gù dạ dạ, vâng vâng trông rất đáng yêu. “Đánh con thấy mà xót, nhưng tính em nóng không sao kiềm chế được. Ngẫm lại, thấy mình quá đáng với con anh ạ! Vì vậy, 2 bố con đã hẹn nhau, chiều nay chở cu cậu đi ăn siêu thị để chuộc lỗi”, anh bạn chia sẻ.

“Được đấy, mày nên rút kinh nghiệm chuyện dạy con. Dù biết, giáo dục nhân cách con trẻ phải đi từng bước, chậm mà chắc. Hành vi đánh con, sẽ làm trẻ sợ hãi và ảnh hưởng tâm lý của cháu đấy. Có nhiều cách dạy, chứ không nên chuyện gì cũng dùng đến đòn roi”, giọng tôi tỏ vẻ bề trên.

Lúc tôi giảng đạo, trông anh bạn thấm thía lắm và luôn tỏ ra hối hận vì đã đánh con. Anh hứa với tôi sẽ sửa cái tính nóng của mình, nhưng cần thời gian. Từ giã anh bạn, tôi đi làm và mong muốn tính nóng của anh ấy sớm được sửa để cho thằng cu không phải chịu cảnh roi đòn vô cớ của ông bố nóng tính ấy.

3. Chiều hôm ấy, tôi đón con, cũng là lúc anh bạn đến đón. Trông thấy bạn, tôi vội nói: “Mày nhớ hứa gì với thằng cu nhé!”. “Em nhớ mà”, anh bạn đáp.

Thế là đón con xong, anh bạn đưa thằng bé thẳng đến siêu thị, tôi cũng cùng con vi vu hưởng ứng phong trào. Đến siêu thị, anh bạn mua cho thằng cu vô số đồ ăn, nào là váng sữa đắt tiền, rồi bánh, kẹo, kem, gà gán… “Đây là phần chuộc lỗi với con sáng nay anh ạ!”, anh bạn nói. Trông thằng bé vui vẻ được bố đưa đi chơi, tôi cũng mát lòng.

Đã là cha mẹ, ai mà không thương con, vì con là núm ruột, là hơi thở của cha mẹ. Vì vậy, mỗi khi con bị đòn roi, ngẫm lại ba mẹ đều rất xót xa. Dạy con, có vô vàn cách, nhưng không phải ai cũng làm được, nhiều bậc phụ huynh có lối sống hiện đại thì lên mạng học cách dạy con, còn ở những vùng nông thôn thì hầu như đều có chung cách... dùng đòn roi để dạy. Chắc gì, cách dạy con bằng đòn roi đã mang lại hiệu quả. Sinh con thì dễ, nhưng để con hiền ngoan, hướng đến những đều tốt đẹp, giỏi giang và có ý thức trách nhiệm… thì cách dạy dỗ của cha mẹ là cả một trời nghệ thuật. Thật sự mà nói, bản thân tôi cũng rất đau đầu về chuyện dạy con.

Anh Duy

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 2: Những giọt nước nghĩa tình
1 giờ trước Bảo vệ môi trường
Bước vào cao điểm mùa khô, vùng ĐBSCL hiện có hơn 50.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt. Nguồn nước khan hiếm khiến cho bà con gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, sinh hoạt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đau đầu chuyện dạy con