Việc hoàn tất các hiệp định thương mại lớn như TPP và FTA trong năm 2015 đang đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất của các nhà đầu tư quốc tế, thông qua số vốn FDI đổ vào Việt Nam trong năm 2015 đạt kỷ lục gần 23 tỷ USD.

Đâu là đôi cánh giúp Việt Nam bay cao?

Một Thế Giới | 11/01/2016, 08:00

Việc hoàn tất các hiệp định thương mại lớn như TPP và FTA trong năm 2015 đang đưa Việt Nam trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất của các nhà đầu tư quốc tế, thông qua số vốn FDI đổ vào Việt Nam trong năm 2015 đạt kỷ lục gần 23 tỷ USD.

Kỳ 1: Cơ hội ngay trước ngõ nhưng Việt Nam sẽ tận dụng thế nào?
Làn sóng đầu tư quốc tế mạnh mẽ này đang đem lại cho nền kinh tế Việt Nam rất nhiều lợi ích khác nhau về nhiều phương diện, và đặt ra cho chính phủ Việt Nam bài toán tối ưu hóa các lợi ích này ở mức độ lớn nhất có thể. Đặt trong bối cảnh Việt Nam đang đặt mục tiêu trở thành một nước công nghiệp hóa và hiện đại hóa, có nền kinh tế hiện đại và phát triển, làn sóng đầu tư quốc tế mạnh mẽ này hoàn toàn có thể trở thành một lực đẩy lớn giúp Việt Nam sớm đạt được mục tiêu này hơn, thông qua hai vấn đề cốt lõi: phát triển công nghiệp và đầu tư công nghệ.
Vì sao cần tập trung phát triển công nghiệp và đầu tư cho công nghệ?
Trong số các lợi ích lớn nhất mà Việt Nam có thể nhận được từ làn sóng đầu tư nước ngoài mạnh mẽ kể từ năm 2015, đó là một lượng lớn các tập đoàn lớn trên thế giới bắt đầu đổ bộ vào thị trường Việt Nam, mang theo các công nghệ hiện đại mà nền kinh tế Việt Nam đang rất yếu và rất thiếu. 
So với những lợi ích mang tính bề ngoài như giải quyết công ăn việc làm, đầu tư vốn vào nền kinh tế có thể đem lại điều kiện tốt cho tăng trưởng GDP, thì yếu tố công nghệ hiện đại có vai trò và tầm quan trọng mang tính cốt lõi hơn rất nhiều. Nếu không thể tiếp thu, chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) thì Việt Nam sẽ mãi mãi chỉ là một đất nước làm thuê và gia công.
Trong vài năm trước, Việt Nam đang khát vốn và buộc phải chấp nhận những dự án FDI công nghệ thấp và lạc hậu. Nhưng giờ đây khi vị thế đã được đảo ngược, thì Việt Nam hoàn toàn có thể lựa chọn các dự án đầu tư FDI có công nghệ hiện đại và hiệu quả theo hướng chọn lọc về chất lượng, hơn là số lượng như trước, và bắt buộc các doanh nghiệp FDI này phải tuân theo một lộ trình chuyển giao công nghệ một cách nghiêm ngặt. Một khi tiếp thu được công nghệ, thì hàng hóa của Việt Nam sản xuất mới tạo được chỗ đứng và đạt được giá trị gia tăng lớn hơn là việc chỉ đi làm thuê và gia công như hiện tại.
Phát triển công nghiệp phụ trợ
Một trong những lợi ích lớn nhất mà Việt Nam có thể đạt được từ làn sóng đầu tư nước ngoài lần này là điều kiện để phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, điều đã bị bỏ quên bấy lâu nay. Khái niệm phát triển công nghiệp ở thời điểm hiện tại với Việt Nam đã khác rất xa với khái niệm công nghiệp chỉ cách đây 2 thập kỷ, khi các ngành công nghiệp nặng như sản xuất thép được đặt lên hàng đầu. 
Nền kinh tế công nghệ cao trên thế giới hiện nay đang mở ra hướng đi mới cho phát triển công nghiệp phụ trợ, sản xuất các linh kiện máy móc đạt tiêu chuẩn thế giới cho các mặt hàng công nghệ cao. Ngành công nghiệp phụ trợ hiện có giá trị gia tăng và vai trò đối với phát triển nền kinh tế lớn hơn rất nhiều lần so với các ngành công nghiệp truyền thống theo cách hiểu cũ.

Ở thời điểm hiện tại, ngành công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam có thể nói là gần như không có gì, dù nền kinh tế đã có một khoảng thời gian gần 20 năm thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư công nghệ sản xuất. Do ít được quan tâm và Chính phủ cũng không có chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp mới mẻ này, nên số lượng các doanh nghiệp nội địa đủ khả năng cung ứng linh kiện thiết bị cho khối FDI là rất ít. Theo thống kê, đến giai đoạn 2010 – 2013, chỉ có chưa đầy 20% số doanh nghiệp nội có quan hệ làm ăn với khối FDI, trong đó hàm lượng công nghệ và chất xám cũng rất thấp.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng kém phát triển của ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam hiện nay. Đầu tiên là việc Chính phủ đã không có mức độ quan tâm đủ lớn với ngành này, thông qua việc thiếu các biện pháp hỗ trợ cả về vốn, pháp lý lẫn quy định. Ở Trung Quốc, các dự án FDI lớn của các tập đoàn quốc tế lớn đều bị chính phủ nước này buộc phải chấp nhận một số quy định về phát triển công nghiệp phụ trợ Trung Quốc, chủ yếu là nội địa hóa một số linh kiện trong đó các tập đoàn này phải hỗ trợ các doanh nghiệp nội về dây chuyền máy móc và kỹ thuật. Khi đã có thể cung cấp linh kiện chất lượng quốc tế cho các dự án FDI này, các doanh nghiệp Trung Quốc hoàn toàn có đủ khả năng cung cấp các linh kiện cho các tập đoàn trên toàn thế giới.

Một nguyên nhân khác đến từ tiềm lực có hạn của các doanh nghiệp nội, cùng với đó là những trở ngại nội tại. Đa phần các DN nội chưa có kinh nghiệm hợp tác và cung cấp linh kiện tiêu chuẩn quốc tế cho các tập đoàn lớn, chẳng hạn như Samsung, vì thế nếu không có sự ràng buộc về pháp lý từ phía Nhà nước buộc các tập đoàn này phải hỗ trợ các DN nội, thì sẽ rất khó để có thể trở thành nhà cung cấp linh kiện cho các tập đoàn lớn và có tiêu chuẩn rất cao này. Đó là chưa kể, các DN nội đang phải chịu một số thiệt thòi về thuế thu nhập hay phí thuê đất khá cao, dẫn đến giá thành sản phẩm cùng bị đội lên khá nhiều và không thể cạnh tranh về giá với các nhà cung cấp linh kiện quốc tế.
Đầu tư và chuyển giao công nghệ

Điều tương tự cũng đang diễn ra trong lĩnh vực đầu tư và chuyển giao công nghệ. Hiện Việt Nam vẫn thiếu các quy định chặt chẽ về chuyển giao công nghệ từ khối FDI, cộng với việc năng lực thẩm định công nghệ của các cơ quan nhà nước chưa đạt yêu cầu, dẫn đến việc các doanh nghiệp FDI hoặc là trì hoãn không chịu chuyển giao hoặc là chỉ chuyển giao dây chuyền công nghệ cũ và lạc hậu. Trong khi đó các dự án FDI công nghệ cao chiếm khoảng 5-6% tổng số dự án FDI, thì lại gần như không có ràng buộc gì về việc buộc các tập đoàn này phải chuyển giao công nghệ cả.

Ở thời điểm hiện tại dù chính phủ đang có khá nhiều nỗ lực để thay đổi tình trạng trì trệ này, chẳng hạn như Luật chuyển giao công nghệ mới sẽ được trình Quốc Hội vào cuối năm 2016, và mới đây nhất Chính phủ đã có quyết định sẽ hỗ trợ từ 75-80% chi phí cho các doanh nghiệp trong việc mua và chuyển giao công nghệ. Nhưng đó mới chỉ là những vấn đề bề ngoài. Vấn đề cốt lõi nhất trong việc ngăn cản chuyển giao công nghệ từ khối FDI sang khối nội địa, là do sự thiếu tương tích về quy mô giữa doanh nghiệp khối FDI và doanh nghiệp nội. Hầu hết các doanh nghiệp FDI có quy mô tương đối lớn, sử dụng các dây chuyền công nghệ lớn, trong khi đó hầu hết các doanh nghiệp nội có quy mô nhỏ hơn nhiều, và không thể nhập về một dây chuyền thiếu tương thích như vậy.

Vì thế, để đẩy nhanh quá trình chuyển giao công nghệ một cách hiệu quả, thì ngoài việc chính phủ phải tăng cường những ràng buộc pháp lý, buộc các tập đoàn và doanh nghiệp nước ngoài phải tuân theo một lộ trình chuyển giao công nghệ chặt chẽ, thì điều cần làm nhất là phải nâng cao quy mô và hiệu quả của các doanh nghiệp nội. Chỉ khi nào quy mô và điều kiện làm việc của doanh nghiệp nội gần tương đương với doanh nghiệp FDI, thì khi đó việc chuyển giao công nghệ và dây chuyền sản xuất mới đạt hiệu quả tối ưu.

Nhàn Đàm (bài viết có sử dụng một số thông tin từ CafeF, Baodatviet, The Saigon Times)

Bài liên quan
Kỹ thuật giúp lúa sống chung với nắng hạn của Việt Nam được ca ngợi
Trên Bưu điện Nam Hoa, Mohammad Yunus đã có bài viết về tình hình nắng nóng đe dọa cây lúa ở Đông Nam Á, đồng thời ca ngợi các sáng kiến chống khô hạn - trong đó có sáng kiến của nông dân Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Khánh thành và khai thác cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Diễn Châu – Bãi Vọt
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Chiều 28.4, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với UBND các tỉnh Ninh Thuận, Nghệ An, Hà Tĩnh tổ chức lễ khánh thành Dự án đường bộ cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và thông xe đưa vào khai thác dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đâu là đôi cánh giúp Việt Nam bay cao?