Tại buổi họp báo do UBND TP.HCM tổ chức chiều 1.6, ông Trần Phước Tường, Phó Cục trưởng cục Thống kê TP.HCM cho biết, giải ngân vốn đầu tư công đã khởi sắc. Đây được xem là động lực phát triển cho nền kinh tế.
Cục Thống kê TP đánh giá, qua số liệu 5 tháng đầu năm 2023, cho thấy kinh tế TP đã có những chuyển biến tích cực tạo tiền đề tăng trưởng cho 6 tháng cuối năm.
Theo Cục Thống kê TP.HCM, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn TP (GRDP) 6 tháng đầu năm 2023 ước tăng 3,55% cao hơn 1,47 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,14% so với cùng kỳ năm 2022 và đóng góp 0,3% vào mức tăng GRDP. Khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 0,8% so với cùng kỳ 2022 và đóng góp tương ứng 5,1% vào tốc độ tăng GRDP. Khu vực dịch vụ tăng 4,96% so với cùng kỳ 2022 và đóng góp 89% vào tốc độ tăng GRDP. Riêng 9 ngành dịch vụ chủ yếu của TP tăng 4,92%, đóng góp 80,6%.
Về cơ cấu nền kinh tế GRDP quý 2/2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 0,6%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 21,3%; khu vực dịch vụ chiếm 64,8%, riêng 9 ngành dịch vụ chủ yếu chiếm 59%.
Về cơ cấu nền kinh tế GRDP, 6 tháng đầu năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 0,5%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 20,7%, trong đó công nghiệp chiếm 17,3%, xây dựng chiếm 3,4%; khu vực dịch vụ chiếm 65,5%. Riêng 9 ngành dịch vụ chủ yếu chiếm 59,8%. Khu vực dịch vụ tăng 7,16%.
Ông Trần Phước Tường, Phó Cục trưởng cục Thống kê TP.HCM cho biết, một trong những nguyên nhân chính giúp GRDP TP.HCM tăng trưởng là sản xuất công nghiệp có chuyển biến tích cực. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5.2023 ước tính tăng 1,51% so với tháng trước và tăng 5,45% so cùng kỳ. Đây là một trong những yếu tố thấy tăng trưởng phục hồi trở lại. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, IIP tăng 1,62% so cùng kỳ.
Bên cạnh đó, sức mua của thị trường trong nước vẫn được duy trì. Tổng mức bán lẻ hàng hóa 5 tháng tăng 9,4% so cùng kỳ. Sức mua nội địa duy trì được xem là điểm sáng của nền kinh tế khi hoạt động xuất khẩu suy giảm.
Theo ông Trần Phước Tường, giải ngân vốn đầu tư công đã khởi sắc. Đây được xem là động lực phát triển cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, lạm phát trên địa bàn TP bắt đầu giảm (chỉ số CPI tháng năm giảm 0,09% so với tháng trước); môi trường kinh doanh trên địa bàn dần được cải thiện. Trong đó, lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường là 18.243 doanh nghiệp nhưng có gần 25.100 doanh nghiệp tham gia vào thị trường.
Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu của TP.HCM tiếp tục khó khăn khi các thị trường chủ lực chưa phục hồi. Thu ngân sách nhà nước giảm so với cùng kỳ. Ước tính 5 tháng, tổng thu ngân sách nhà nước TP.HCM đạt 43% dự toán (giảm 4,5% so cùng kỳ).
Từ nay đến cuối năm, TP.HCM cần tiếp tục tập trung thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, TP tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, kiềm chế lạm pháp, tăng tốc trong giải ngân vốn đầu tư công. Song song đó là có giải pháp để nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động; tăng cường xúc tiến đầu tư, thay thế, bổ sung các thị trường xuất, nhập khẩu truyền thống đang gặp khó khăn…