Bị bại não từ nhỏ, phải nằm một chỗ nên khi bị 4 con chó nhà lao vào cắn xé, cậu bé 9 tuổi người dân tộc Nùng không thể chống đỡ hoặc chạy đi kêu cứu, chỉ biết nằm im chịu những vết cắn.
Ngày 11.3, Bệnh viện Việt Đức cho biết, các bác sĩ của bệnh viện vừa tiếp nhận điều trị cho bệnh nhi Vũ Đức D. (9 tuổi, dân tộc Nùng, ở thôn Đoàn Kết, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) bị chó cắn thương tích khắp người. Đau xót hơn, cháu Vũ Đức D. khi sinh ra chỉ nặng 1,7 ký, bị bại não từ nhỏ. Gần chục năm qua, D. hầu như nằm liệt một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân đều do người thân chăm sóc.
Chị Phùng Thị Trang (mẹ của cháu D.) kể lại: Trong lúc ở nhà 1 mình, D. đại tiện vô thức, lúc đó, 4 con chó nhà nuôi đã xông vào cắn xé, khiến em mất toàn bộ da vùng mu, trơ xương mu, dương vật gần như cụt. D. chỉ biết đau đớn nằm đấy, chẳng thể vẫy vùng kêu la được.
Bác sĩ Nguyễn Việt Hoa - Trưởng Khoa Phẫu thuật Nhi và Trẻ sơ sinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - người trực tiếp phẫu thuật và điều trị cho D. cho biết, trường hợp của bé D. rất thương tâm, từ lúc người nhà phát hiện bé bị chó cắn đến lúc đưa xuống bệnh viện đã hơn 10 tiếng. "Ngày 6.3, chúng tôi mổ cấp cứu cho bệnh nhân, cắt lọc, tạo hình, che phủ dương vật. Do vết thương của bệnh nhân nặng, nên vẫn chưa xác định được bệnh nhân có hay không có tinh hoàn, có thể tinh hoàn vẫn còn ẩn trong vùng bụng” - bác sĩ Hoa nói.
Bé trai 9 tuổi bại não bị 4 con chó nhà lao vào cắn thương tâm
Bác sĩ Hoa cũng cho biết, để điều trị, bệnh nhi phải cắt cụt dương vật chỉ còn 1cm. Hiện, vết thương khô, dương vật còn lại đã được chuyển ra và che phủ, các vết thương tương đối ổn định. Tuy nhiên, bệnh nhi sẽ được tạo hình dương vật về sau. Các bác sĩ sẽ kiểm tra tinh hoàn có ở trong vùng bụng không và tiếp tục theo dõi, chăm sóc vết thương tránh nhiễm trùng, uốn ván...Sau khi bệnh nhân ổn định, sẽ tiêm phòng dại cho bệnh nhân và tiêm phòng dại cho cả 4 con chó.
Bác sĩ Nguyễn Việt Hoa khuyến cáo không nên cho trẻ nhỏ tiếp xúc với vật nuôi, chó mèo khi chỉ ở một mình. Nếu gia đình có nuôi chó, cần cách ly với trẻ ở khoảng cách an toàn… Con chó ra khỏi nơi nuôi nhốt phải được rọ mõm, tiêm vaccine ngừa bệnh dại định kỳ.
“Khi bị chó mèo cắn chảy máu cần sơ cứu ban đầu bằng cách sát trùng, rửa sạch vết thương, dùng băng gạc sạch băng bó cầm máu trong trường hợp chảy máu rồi nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu”,bác sĩ Hoa cho biết.
Được biết, gia đình bé D. rất nghèo. Chị Phùng Thị Trang, vừa khóc vừa trách bản thân vì quá nghèo nên đã phải xuống Hà Nội làm thuê làm mướn, mới được nửa tháng thì xảy ra cơ sự. Chồng chị sức khỏe yếu nên chị phải đi làm thuê làm mướn kiếm sống, nuôi 3 đứa con thơ, một cháu 4 tuổi, một cháu mới 2 tuổi. Còn D. bị di chứng bại não, bao năm nay chỉ nằm một chỗ, gia đình cũng không có tiền đưa em đi chữa trị, khó khăn, chồng chất khó khăn.
Dạ Thảo