Ngày xuân nghe lại ca khúc "Xuân và tuổi trẻ" của nhạc sĩ tài hoa La Hối, người đã hiến dâng tuổi trẻ cho quê hương đất nước. Trong giai điệu rộn ràng ấy thấp thoáng một đoạn đời hào hùng bi tráng tráng của ông.
Nếu đêm giao thừa là khoảnh khắc thiêng liêng khi đất trời chuyển giao từ năm cũ sang năm mới thì sáng mùng 1tết là được nhiều người coi là khoảng thời gian đẹp nhất trong năm. Buổi sáng đầu tiên của năm mới luôn mang đến cho con người vô vàn cảm xúc khó tả.Khó ai có thể cưỡng lại sự rung động khi mùa xuân bắt đầu chạm ngõ từng nhà. Ngoài kia ngàn hoa khoe sắc, trên mọi nẻo đường trẻ nhỏ tung tăng trong màu áo mới, tiếng cười nói rộn ràng, lời chúc nhau một năm mới an khang thịnh vượng cũng rộn rãtừ buổi sáng đặc biệt này.
Đôi bạn mùa xuân - Ảnh: Tiểu Vũ
Trong không khí đó, giai điệu của bài hát Xuân và tuổi trẻ rộn ràng vang lên: “Ngày thắm tươi bên đời xuân mới/Lòng đắm say bao nguồn vui sống/Xuân về với ngàn hoa tươi sáng/Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng…”.
Xuân và tuổi trẻ ra đời cách đây hơn 70 năm, nhưng có thể nói bài hát chưa bao giờ cũ khi ta nghe lại vào buổi sáng đầu năm âm lịch. Giai điệu và ca từ của bài hát khiến con tim ta bỗng nhiên thôi thúc hòa nhịp vào không khí hân hoan của đất trời.
Xuân và tuổi trẻ được mở đầu trên nền nhạc valse vui tươi như một cánh én lao vút lên trên nền trời xanh khi khi đất chuyển mùa báo hiệu xuân sang trong khung cảnh đất nước yên vui thái bình, nhưng ít ai biết bản nhạc này ra đời trong một hoàn cảnh khắc nghiệt. Nhạc sĩ La Hối - tác giả bài hát, phải sống trong hoàn cảnh mà cái chết có thể đến bất cứ lúc nào do sự truy đuổi của kẻ thù.
Tài liệu về nhạc sĩ La Hối và tác phẩm của ôngđược gia đình cụ La Gia Quảng (cháu nhạc sĩ La Hối đang sống ở Hội An, Quảng Nam )lưu giữ như bảo bối - Ảnh: Gia đình cung cấp
Nhạc sĩ La Hối tên thật là La Doãn Chánh, sinh năm 1920 tại Hội An, Quảng Nam trong một gia đình phong lưu mà phần đông con cái đều có ít nhiều năng khiếu về nghệ thuật. Từ nhỏ, La Hối đã tỏ ra là một học sinh xuất sắc ở các môn học và đặc biệt rất có năng khiếu về âm nhạc. Ông tự học và nghiên cứu âm nhạc Đông-Tây, nhất là âm nhạc Tây Âu. Năm14 tuổi, La Hối đã tập tành sáng tác những giai điệu vui tươi, sôi nổi...
Từ năm 1936-1938, La Hối vào Sài Gòn để hoàn chỉnh chương trình học vấn, đồng thời cũng học hỏi các giáo sư, nhạc sĩ về nhạc cổ điển Tây phương. Sau đó, ông trở về Hội An dạy đàn và vận động những người cùng sở thích thành lập Hội yêu âm nhạc (Societé philharmonique) đầu tiên tại đây. Ông được anh em tín nhiệm bầu làm hội trưởng và ông cũng là người đầu tiên đưa các hành khúc cách mạng Việt Nam vào chương trình hòa tấu (trước đó chỉ sử dụng nhạc ngoại quốc).
Một số nhạc sĩ trẻ thời đó đã từng được La Hối hướng dẫn như: Dương Minh Ninh (tác giả ca khúcGấm vàng), Lê Trọng Nguyễn (tác giả bản nhạc bolero rất sớmcủa Việt NamNắng chiều), Lan Đài (tác giảChiều tưởng nhớ)...
Ca khúcXuân và tuổi trẻđược sáng tác trong thời kỳ La Hối bị hiến binh Nhật theo dõi, hoàn cảnh sống rất khó khăn,nhưng giai điệu của tác phẩm lại rất hào hứng, phấn chấn bằng tinh thần lạc quan và nhiệt huyết của tuổi trẻ.
Xuân và tuổi trẻ, bản in năm 1957 - Ảnh: Tư liệu
Khi phát xít Nhật xâm chiếm nước ta, quân Nhật triển khai đóng dày đặc tại Đà Nẵng và Hội An. Cũng như bao thanh niên yêu nước thời bấy giờ, La Hối nhanh chóng tham gia vào các phong trào chống Nhật. Ông đã gia nhập một tổ chức chống phát xít với tất cả bầu nhiệt huyết và mau chóng trở thành người lãnh đạo nòng cốt của tổ chức này. Ông tham gia in truyền đơn, viết biểu ngữ hô hào chống Nhật nên bị hiến binh Nhật theo dõi ráo riết. Năm 1944, hiến binh Nhật phát lệnh truy nã La Hối nên ông phải tránh qua Lào, nhưng vì nhiệm vụ cần kípnên ông lại quay về Hội An để hoạt động.
Một ngày trung tuần tháng 5.1945, hiến binh Nhật bắt được nhạc sĩ La Hối. Sau nhiều ngày giam giữ và tra tấn vô dã man, Nhật đã đem nhạc sĩ La Hối cùng 10 đồng đội của ông ra xử bắn rồi vùi lấp chung một huyệt tại chân núi Phước Tường (phía tây nam thành phố Đà Nẵng).
Ngôi mộ chung của những người bị Nhật giết, trong đó có nhạc sĩ La Hối tại TP.Hội An, Quảng Nam - Ảnh: Tư liệu
Xuân và tuổi trẻban đầu là bản nhạc không lời, sau khi ông mất thìDiệp Truyền Hoa mới đặt lời Hoa cho bài hát này. Năm 1946, nhà thơ kiêm đạo diễn kịch Thế Lữ cùng nhóm nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Văn Chung... trong đoàn ca vũ nhạc Anh Vũ đến Hội An trình diễn. Thế Lữ đã rất yêu thích giai điệu bài hát này. Qua tìm hiểu và xúc động trước cuộc đời ngắn ngủi nhưng đầy tài hoa của chàng nhạc sĩ trẻ tuổi, Thế Lữ đã xin phép gia đình La Hối để đặt lời Việt cho nhạc phẩm.
Xuân và tuổi trẻ được phổ biến rộng rãi trong công chúng từ năm 1948. Trong kháng chiến,Xuân và tuổi trẻtheo đoàn quân vào chiến khu, lên Việt Bắc, vào miền Nam... và sau này trở thành ca khúc không thể thiếu mỗi khi tết đến xuân về trong đời sống của người Việt Nam.
La Hối sáng tác rất nhiều nhưng chỉ còn lại khoảng 20 tác phẩm. Phầnlớn tác phẩm của ông đã bị hiến binh Nhật thu giữ, một phần khác do người yêu của ông cất giữ (gia đình thường gọi là “Cô giáo dạy dương cầm”). Sau ngày nhạc sĩ La Hối hysinh, cô đi đâu không rõ nên nhiều tác phẩm của ông bị thất truyền.
Ngày xuân nghe lại ca khúc Xuân và tuổi trẻ của nhạc sĩ tài hoa La Hối, chúng ta lại nhớ về một chàng thanh niên đã hysinh tuổi trẻ cho quê hương đất nước, trong giai điệu rộn ràng ấy đâu đó thấp thoáng một đoạn đời hào hùng bi tráng tráng của ông. Sáng tác một ca khúc bất hủ cho mùa xuân, cho tuổi trẻ nhưng ông ra đi ở tuổi đời quá trẻ, điều đó khiến cho ca khúc trở nên bất hủ trong mọi thời đại.
Nghe ca khúc Xuân và tuổi trẻ:
Tiểu Vũ