Hôm 10.12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.

Đầu tư cao tốc Bắc – Nam: Nhìn từ sự quá tải ở cao tốc TP.HCM – Long Thành

Lê Trọng Nguyên | 14/12/2021, 15:00

Hôm 10.12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.

Theo tờ trình của Chính phủ đề xuất, giai đoạn 1 của dự án quy mô 4 làn xe với chiều rộng là 17m (không có 2 làn dừng xe khẩn cấp). Về hình thức đầu tư, Chính phủ đề xuất đầu tư theo hình thức đầu tư công do hình thức PPP còn nhiều bất cập, khó thu hút nhà đầu tư.

duongcaotoc.jpg
Đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây - Ảnh: Lê Trọng Nguyên

Trong điều kiện nguồn vốn dành cho đầu tư công còn hạn chế, thoạt nghe phương án đầu tư 4 làn xe với chiều rộng 17m là hợp lý. Nhưng nếu nhìn xa hơn và có các phương án tính toán dài hơi thì phương án đầu tư 4 làn xe với chiều dài xuyên suốt từ Bắc vào Nam là chưa hợp lý.

Điều này các cơ quan quản lý có thể nhìn thấy từ dự án đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, dự án này trước khi xây dựng những đơn vị nghiên cứu của ngành giao thông đã tính toán để dự án khai thác trong nhiều năm. Thế nhưng, chỉ vài năm thì đã quá tải và thường xuyên xảy ra kẹt xe vào những ngày cuối tuần, khi lượng xe vượt quá khả năng khai thác.

Sau đó, Bộ GTVT phải gấp rút lên phương án mở rộng tuyến cao tốc này.

Theo tờ trình của Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (thuộc Bộ GTVT) đề xuất mở rộng đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đoạn từ nút giao An Phú (TP.HCM) đến huyện Long Thành (Đồng Nai) dài 23,7km từ 4 làn xe hiện hữu lên 8 làn xe. Số vốn dự kiến để mở rộng hơn 23km vào khoảng 13.000 tỷ đồng.

Cần phải nói thêm rằng, số vốn đầu tư tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây dài hơn 50 km là 20.630 tỷ đồng, tức là phần vốn mở rộng của đoạn 23km đã chiếm hơn 60% so với tổng số vốn đầu tư của tuyến đường.

Nếu thời điểm đó dự án xây dựng với 6 làn xe thì sẽ mang lại hiệu quả và đỡ tốn kém hơn khi mở rộng về sau vì các chi phí tăng cao.

Trở lại với câu chuyện đầu tư cao tốc Bắc – Nam với 4 làn xe, khi vốn nhà nước không đủ thực hiện thì có thể tính toán phương án quy hoạch các quỹ đất dọc đường cao tốc để bán đấu giá lấy số tiền đó để xây dựng thành 6 làn xe hoặc 8 làn xe. Việc bán đấu giá quỹ đất hai bên đường được Chính phủ gợi ý cho các tỉnh phía Nam làm đường vành đai 3 và 4 (TP.HCM). Phương án này hoàn toàn khả thi trong bối cảnh hiện nay và phù hợp với các quy định của pháp luật.

Từ việc TP.HCM bán đấu giá thành công 4 lô đất ở Thủ Thiêm (TP.HCM) thu về hơn 37.000 tỉ đồng đã cho thấy sức hút của các lô đất nằm cạnh các trục đường lớn.

Do đó, việc bán đấu giá các quỹ đất dọc hai bên đường cao tốc là hoàn toàn khả thi, nhất là khi đường cao tốc đi qua khu vực ít dân cư quỹ đất hai bên đường còn rất lớn. Để thu hút các nhà đầu tư có thể quy hoạch quỹ đất hai bên đường để làm khu đô thị, trạm dừng chân, thậm chí là khách sạn…

Với chiều dài từ Bắc vào Nam chắc chắn quỹ đất hai bên đường cao tốc sẽ rất lớn nếu quy hoạch và đấu giá sẽ thu được nguồn thu lớn để đầu tư cho đường cao tốc từ 6-8 làn xe.

Vì vậy, khi đầu tư tuyến cao tốc Bắc – Nam có thể tính toán phương án lâu dài với 6 hoặc 8 làn xe thay vì làm vài năm lại quá tải và phải mở rộng. Khi ấy làm giảm hiệu quả khai thác mà lại tốn kém hơn khi mở rộng ở giai đoạn sau. Bài học cũng cần được rút ra từ tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trung ương Đảng đồng ý cho ông Vương Đình Huệ thôi các chức vụ
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Trung ương Đảng đồng ý để ông Vương Đình Huệ thôi giữ các chức vụ: Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XV, nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đầu tư cao tốc Bắc – Nam: Nhìn từ sự quá tải ở cao tốc TP.HCM – Long Thành