Ai cũng có một quê hương với nội ngoại riêng của mình để về và để nhớ. Tết này COVID-19 lộng hành nên không thể về quê. Đành ở lại Sài Gòn và hoài niệm.
Quê nội tôi là miền "Gió như Phan, nắng như Rang"
Bình Thuận - vùng đất nước mắm, nơi “văn chương không bằng xương cá mòi” và những resort ở Mũi Né hay Coco Beach ở La Gi; bạt ngàn thanh long, là ngư trường lớn thứ II Việt Nam… Nhưng nhà nội tôi trong bán kính vài km thì chả thấy những thứ trên. Thứ xác định dễ dàng là Ngã Hai, thật ra là Ngã Ba từ quốc lộ 1 đi ga Mương Mán. Đây là Ngã Hai duy nhất ở Việt Nam. Tới giờ tôi vẫn không hiểu sao ngã ba mà lại gọi là ngã hai?
Cách thành phố Phan Thiết về hướng Nam khoảng 8 km là một ngôi nhà 2 xiệc huyện Hàm Thuận Nam. Hồi đó, đường xấu lắm - đường vào nhà nội toàn đất đỏ, đi bộ mà lấm lem quần áo. Tôi, cậu thiếu gia Sài Gòn, mỗi mùa hè bố lại gửi nhà nội “tu nghiệp và học hè” 1 - 2 tháng. Hoặc về chúc Tết ông bà. Lúc đó, tôi không thích chút nào phần vì sợ ma và phần vì nắng nóng.
Tôi cứ rú nhà nội và đợi cậu Thủy về đón lên Phan Thiết chơi. Cuối tuần xin ra Mũi Né với du khách công ty của bố. Gia đình chú Diện hồi đó mở một tiệm tạp hóa nhỏ và tôi là khách “ăn chùa” của chú từ bánh kẹo đến yaourt. Giờ chú chuyển hẳn sang bán phân bón và vật tư nông nghiệp. Gia đình chú Trị ở kế bên, nên sáng từ nhà nội đi đường tắt thông qua nhà thờ, ra tiệm chú Diện ăn bánh, trưa thì sang nhà chú Trị uống nước dừa rồi ăn cơm trưa.
Nhà nội hồi đó chỉ là căn nhà quê nhỏ, bên cạnh là chuồng heo, chuồng bò và giếng nước. Sát kho đựng thóc là nhà bếp, chuồng gà và nhà vệ sinh đèn tờ mờ (sợ ma chết được). Tôi còn nhỏ nên đâu hiểu những hình ảnh đó là tuổi thơ của ba và các cô chú của mình. Sau ngày ông mất, mỗi tối cô chú lại quây quần đọc kinh cầu nguyện cho ông. Tôi dù không hiểu gì nhưng cũng lẩm bẩm theo. Nhà nội không được tiện nghi như nhà tôi. Và tôi mong đếm từng ngày để theo xe về Sài Gòn.
Thời gian cứ lững thững trôi cho đến khi tôi ra trường và đi làm. Tôi không còn phải ở nhà nội trong những ngày hè và chỉ về dịp Tết. Nhà nội đã khang trang và hiện đại hơn. Ngoại trừ gian nhà chính, mọi thứ xung quanh đã nhường lại cho ngôi nhà của chú Diện phía sau. Đường vào nhà nội được trải nhựa, đường làng tráng xi măng. Vài năm gần đây, tôi cảm thấy thiếu một thứ gì đó.
Tôi không còn muốn lên Phan Thiết hay Mũi Né chơi. Dù có ở ít ngày nhưng tôi chỉ mong đi đâu thì cũng được về ăn tối và ngủ chung với nội. Căn phòng dù được lát lớp gạch men mới những mái ngói vẫn in dấu thời gian và hình ảnh tôi của chục năm trước. Bữa cơm của nội dù chỉ là cá chiên, thịt kho, vài miếng khổ qua làm canh nhưng vẫn ngon hơn những dĩa hải sản đề huề ở trung tâm phố thị. Giờ thì tôi lại mong đếm từng ngày để được ở cùng với nội.
Hồi nhỏ, ta thích những gì xô bồ và náo nhiệt. Tháng ngày trôi qua, khi lớn lên, ta chỉ mong những phút giây bình yên bên vài thứ giản đơn, chân quê mộc mạc như quê nội tôi.
Quê ngoại tôi, thủ phủ hoa cả nước...
Sa Đéc – thủ đô hoa trồng tự nhiên rộng hơn 650 ha với trên 2.000 loại hoa, kiểng; nơi cung cấp hoa Tết chủ yếu cho Sài Thành. Ai ăn bánh phồng tôm, hủ tíu bà Xẩm tô chỉ 7.000 đồng, nem Lai Vung và “Sóc tràm quay núi lửa” (thịt chuột nướng lu) thì ghé quê ngoại tôi. Nhà ngoại nằm bên cạnh dòng kênh nhỏ và bên kia cầu với vài bước chân là chùa Kim Huê.
Là bối cảnh của bộ phim Người tình (L'Amant), một trong những thị phố nhộn nhịp của đồng bằng sông Cửu Long, cách cầu Mỹ Thuận tầm 20km trên đường về An Giang. Đó là con đường chạy dọc Sa Giang, chi lưu của sông Mekong, trong thủy trình Cần Thơ – Phnôm Pênh. Bên kia sông là những lò gạch hoang đẹp như tháp cổ. Là phố thị nhưng chẳng xô bồ và đắt đỏ như Tây đô Cần Thơ; Sa Đéc yên bình và những tô hủ tiếu rẻ hơn ly co ca ở thành phố.
Vì những lý do riêng, thủa nhỏ, tôi chỉ về ngoại đúng một lần khi ông ngoại mất nên cũng chẳng có kỷ niệm gì nhiều. Theo lời mẹ kể, nhà ông bà cố ngoại là một trong những đại gia Sa thị, bạn láng giềng của Huỳnh Thủy Lê. Nhưng rồi do con người, do chiến tranh nên sau 1975 của cải không còn. Chỉ còn nhà sàn bên ông ngoại và khu đất hiện nay. Vì khánh kiệt, nhà sàn đẹp nhất thị xã xuống cấp, đành dỡ bỏ, thay bằng nhà lai.
Sau khi bà ngoại mất, tôi chăm về quê hơn. Mộ ông bà nép sâu trong ngôi làng đúng chất miền Tây với con đường uốn cong theo dòng sông rợp nắng, ngợp mùi dừa và hương cây trái. Nhà ngoại ngay trung tâm nên đi đâu cũng dễ. Nhà bán đồ chay, thêm vài bước thì có bún thịt nướng, cá lóc nướng trui và món khoái khẩu bánh tằm bì (ăn 2 dĩa như chưa ăn dĩa nào)…
Theo hồi ký của mẹ, tôi hay ra khu chợ đêm nhìn ra khu Cầu Sắt để quay lại thập niên 60 - 70 về trước của mẹ. Hình ảnh Sa Đéc yên bình và hài hòa đến lạ. Rồi mỗi sáng, thong dong ra chùa Kim Huê, thắp hương cho ông bà và dung dăng dung dẻ đi ăn hủ tíu Sa Đéc mà mẹ tôi rất thích.
Sa Đéc đẹp nhất khoảng một tháng trước Tết, khi những nụ hoa bắt đầu chớm nở, chuẩn bị lên Sài phố để hòa trộn vào màu sắc của bánh tét xanh, dưa hấu đỏ và mai vàng đón Xuân. Tôi chạy xe thong dong khắp làng hoa kiểng Tân Qui Đông, vào vườn hồng Tư Tôn và tự đánh đố với hằng trăm loại hoa đủ màu sắc, hương thơm, kích cỡ. Con đường chỉ đủ 2 chiếc xe máy tránh nhau nhưng là kho bút chì màu vô tận trong ánh mắt của người cháu Sa Đéc.
Có những thứ ta biết muộn nhưng đúng thời điểm, sẽ cảm nhận được vẻ đẹp tuyệt vời. Nếu có dịp sao chưa về Sa Đéc để thưởng hoa, bình ẩm thực và được hiểu thêm về cuộc sống của "Người tình" năm xưa...