Trong những ngày này, lượng mưa nhiều làm cho mực nước trên những cánh đồng rộng lớn ở miền Tây Nam Bộ dâng cao. Đây cũng là lúc nhiều nông dân sắm sửa ngư cụ ra đồng bắt cá cải thiện bữa ăn và kiếm thêm thu nhập.

Đẩy côn bắt cá mùa nước tràn đồng

Trần Khải | 18/10/2023, 21:30

Trong những ngày này, lượng mưa nhiều làm cho mực nước trên những cánh đồng rộng lớn ở miền Tây Nam Bộ dâng cao. Đây cũng là lúc nhiều nông dân sắm sửa ngư cụ ra đồng bắt cá cải thiện bữa ăn và kiếm thêm thu nhập.

Vào tháng 10, vùng Tây Nam Bộ ít nắng, mưa nhiều, nước ngập lênh láng trên những ruộng lúa vừa thu hoạch cách đây chưa lâu. Nhiều nông dân bắt đầu ra đồng “hành nghề” đẩy côn, giăng câu hay đặt lờ, đặt dớn để tìm kiếm “lộc trời” của mùa nước tràn đồng. Mùa này, các sản vật như cá, cua đồng... nhiều vô kể nên người dân được dịp đánh bắt để cải thiện bữa ăn cho gia đình và kiếm thêm thu nhập.

1(2).jpg
Niềm vui của người đẩy côn là khi bắt được cá 

Từ tờ mờ sáng, anh Phan Văn Lập (ngụ ấp Ninh Thành, xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân, Bạc Liêu) đã í ới rủ thêm vài người trong xóm ra đồng đẩy côn bắt cá. Các dụng cụ mà anh Lập mang theo rất đơn giản, gồm: chiếc xuồng, dàn côn (được cố định trên vỏ máy), chiếc nơm và một ít nhu yếu phẩm... Côn là ngư cụ được anh Lập mày mò “sáng chế” từ những thanh sắt nhỏ có độ dài khoảng 1m, được cột cố định vào một sợi dây rồi lắp vào hai cây tre dài hơn 10m.

2(3).jpg
Mùa nước tràn bờ, bà con nông dân ở huyện Hồng Dân ra đồng đẩy côn để bắt cá

“Đẩy côn không cần nhiều người, một mình tui làm cũng có thể bắt được cá. Khi đặt dàn côn lên xuồng thì mình đẩy theo hướng tùy ý. Trong quá trình đẩy, những thanh sắt va chạm sẽ làm cá giật mình vùi sâu xuống lớp bùn đất khiến nước đục ngầu. Khi đó, mình dùng nơm úp vào vị trí đó rồi lấy tay bắt cá. Nghề này kiếm ăn dễ lắm”, anh Lập nói.

Theo anh Lập, so với việc đặt dớn, giăng câu, kéo lưới thì đẩy côn sẽ bắt được nhiều cá lớn như cá lóc, cá rô, cá trê... “Cá đồng bán được giá cao nên trung bình mỗi ngày, tôi có thu nhập từ 400.000 - 600.000 đồng. Năm nay nước lên cao và kéo dài hơn mọi năm, phần do nước ngọt từ thượng nguồn đổ về, phần thì triều cường kết hợp với mưa lớn kéo dài. Đồng ruộng nước ngập sâu nên có nhiều cá hơn. Nhờ sự ưu ái của thiên nhiên mà cuộc sống của bà con vùng nông thôn phần nào vơi bớt khó khăn”, anh Lập chia sẻ thêm.

4(1).jpg
Anh Út khoe thành quả sau buổi đẩy côn

Chỉ vừa ra đồng được vài giờ nhưng anh Phạm Văn Út (ngụ ấp Ninh Thành, xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân) đã bắt được hơn 3kg cá lóc, đó là chưa kể còn nhiều loại khác như cá rô, cá sặc, cua đồng...

“Cũng tùy hôm mà tui bắt được nhiều hay ít, nhưng trung bình mỗi ngày cũng kiếm được từ 300.000 - 500.000 đồng. Làm nghề này vui nhất là bắt được nhiều cá. Những năm gần đây, nguồn lợi cá đồng dần khan hiếm do người dân đánh bắt quá mức. Riêng tôi và bà con trong xóm chỉ bắt cá lớn, còn cá bé thả lại cho chúng sinh sản để mùa sau có cá mà bắt”, anh Út nói.

6.jpg
Cá lóc - sản vật mùa nước tràn bờ ở miền Tây Nam Bộ

Hiện nay, đi dọc tuyến Quản Lộ - Phụng Hiệp (qua địa phận các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang), chúng ta dễ dàng bắt gặp những cánh đồng lớn ngập nước lênh láng, xa xa là hình ảnh nhiều nông dân cặm cụi đẩy côn, giăng câu, giăng lưới để bắt cá. Mùa nước này thường kéo dài khoảng 2 tháng. Sau khi lượng mưa giảm, bà con nông dân bắt đầu bơm nước ra ngoài tiến hành cải tạo đất, gieo sạ vụ lúa đông xuân.

Nghề đẩy côn của nhiều nông dân miền Tây Nam Bộ tuy thu nhập không cao, nhưng cũng giúp họ có việc làm lúc nông nhàn trong lúc chờ đến vụ lúa tiếp theo.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Khánh thành và khai thác cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Diễn Châu – Bãi Vọt
Chiều 28.4, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với UBND các tỉnh Ninh Thuận, Nghệ An, Hà Tĩnh tổ chức lễ khánh thành Dự án đường bộ cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo và thông xe đưa vào khai thác dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đẩy côn bắt cá mùa nước tràn đồng